Còn trị giả dối bằng phê bình, cảnh cáo thì không thể có "học thật, thi thật"

20/05/2021 06:36
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nếu không có chủ trương “thật” thì sẽ sinh ra “học trực tuyến rởm”.

"Học thật, thi thật, nhân tài thật" là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong buổi làm việc vừa qua.

Trong 3 vấn đề mà Thủ tướng nêu ra thì có lẽ "học thật" là vấn đề cốt lõi nhất, là gốc rễ để phát triển, làm tiền đề để rồi cái thi thật, nhân tài thật mới đúng, có hiệu quả.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, để đạt mục tiêu “học thật” thì không chỉ cần sự nỗ lực của các cấp, bộ ngành giáo dục mà cần cả sự chung tay của cả xã hội.

Trước hết là trách nhiệm của toàn bộ xã hội, cần phải giáo dục cho con em mình thấy tầm quan trọng của việc học là để nắm lấy kiến thức, học cho mình chứ không phải học cho ai khác. Bởi có kiến thức thật thì mới trở thành con người vững vàng, mới đem lại lợi ích cho xã hội, cho bản thân và cho gia đình.

Hai là bản thân phụ huynh học sinh cũng phải hiểu rằng con mình phải có kiến thức thật, chứ không phải vì sĩ diện hay thành tích mà chạy chọt điểm chác như vụ việc gian lận thi cử xảy ra ở Sơn La, Hà Giang…

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Đặc biệt, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, các cơ quan chức năng phải có chế tài thật chặt chẽ, nghiêm trị những trường hợp có bằng cấp "giả", "mua quan bán chức",...

“Theo tôi, sự nghiêm trị phải được thể hiện ở việc bị cách chức, xử lý hình sự chứ không phải chỉ là phê bình, cảnh cáo hay phạt tiền đối với những trường hợp “giả”. Chừng nào chế tài đối với sự gian dối nghiêm khắc thì mới đủ sức răn đe và mới có thể mang lại công bằng cho nhân tài thật và cán bộ thật”, thầy Nhĩ khuyến nghị.

Thầy Nhĩ minh chứng, vào nhiều nhà hàng ở Thái Lan, nếu ăn để thừa đồ ăn trên đĩa thì sẽ bị phạt lên tới 1.000 USD. Do đó chẳng có vị khách nào dại gì lấy thừa thãi đồ ăn để rồi bị phạt. Còn ở ta thì sao, nhà hàng có khuyến cáo nhưng tình trạng lãng phí thức ăn vẫn diễn ra tràn lan, cho thấy khuyến cáo không đủ sức răn đe.

Hay ở Singapore, nếu ai nhổ nước bọt ở nơi công cộng có thể sẽ bị phạt 1.000 SGD

“Tóm lại để trị cái giả thì cần phải chỉ ra đó là giả và có chế tài xử phạt thật nghiêm khắc”, thầy Nhĩ nói.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng chỉ ra một thực trạng nữa, hiện nay, có một số nơi bồi dưỡng cán bộ chỉ qua loa, một số trường đào tạo thì không cho chất lượng thực nhưng để có thành tích, có tiếng thì họ vẫn cấp chứng chỉ.

Và hậu quả là có một số cán bộ ở một số tỉnh bị phát hiện ra gian dối bằng cấp.

Mỗi năm có đến hàng ngàn tiến sĩ, thạc sĩ được "ra lò" nhưng không biết số lượng tiến sĩ, thạc sĩ đạt chất lượng thực sự được bao nhiêu, những đề tài nghiên cứu mang lại giá trị gì cho cộng đồng xã hội.

Hay đơn cử như khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nếu không có chủ trương “thật” thì sẽ sinh ra “học trực tuyến rởm”. Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ minh chứng, chúng ta hô hào học trực tuyến nhưng trẻ mẫu giáo thì học trực tuyến sao nổi, trẻ lớp 1 là làm quen chứ làm sao học trực tuyến có hiệu quả. Đó là còn chưa tính đến trẻ em ở vùng sâu vùng xa chưa có điều kiện về máy tính, điện thoại thông minh hay đường truyền internet.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ đánh giá, dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông ở Việt Nam có tính khả thi cao hơn so với dạy học trực tuyến bởi vì các điều kiện để triển khai nó hầu như đã có sẵn, bao gồm: kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án…

Nếu không quá cầu toàn thì có thể thấy cách dạy trên truyền hình và cách dạy truyền thống giống nhau về cơ bản (chỉ khác đôi chút là ở chỗ trường hợp này người thầy đứng trước học sinh còn trường hợp kia người thầy đứng trước camera).

Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia đang có (bao gồm cả truyền hình trung ương lẫn truyền hình địa phương) mà nhìn chung còn chưa sử dụng hết công suất.

“Chủ trương đừng chạy theo hình thức bởi dạy học trực tuyến rất hiện đại nhưng không hiệu quả với đại đa số học sinh toàn quốc do đó chỉ thị, công văn cần sát với thực tế hơn. Bản thân chủ trương không sát thực tế thì đừng đòi hỏi có “học thật, thi thật” và có hiệu quả thật”, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ nhận định.

Thùy Linh