Công ty phần mềm tuyển nhiều tiến sĩ toán: Thừa tiền?!

17/05/2013 11:19
Trường Giang
(GDVN) - Đó là một trong rất nhiều cách lý giải của GS.TSKH Lê Tuấn Hoa để khẳng định việc học toán rất quan trọng dù người học có theo con đường nghiên cứu hay không.
LTS: GS.TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học VN, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (GS Ngô Bảo Châu là Giám đốc khoa học của Viện này) đã dành cho Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện sâu sắc xung quanh 4 vấn đề chính: Về thực trạng chương trình và việc dạy - học hiện nay; Về thi học sinh giỏi Toán; học Toán để làm gì; và về GS Ngô Bảo Châu. 
Chúng tôi xin lần lượt đăng tải nội dung cuộc trò chuyện với GS Lê Tuấn Hoa theo những nội dung trên. Bài tiếp theo là về chuyện theo đuổi môn Toán.

Học Toán để làm gì?
- Về chương trình sách giáo khoa, hầu hết các giáo sư uy tín đều kêu chương trình quá nặng, kể cả môn Toán. GS Văn Như Cương nói: "Trừ các nhà Toán học ra còn thì trong xã hội chả có ai dùng đến đạo hàm, tích phân. Vậy bắt học sinh học để làm gì?". Ông có đồng tình bỏ những kiến thức quá chuyên sâu về toán như vậy trong sách giáo khoa phổ thông? 
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa: Tôi cho rằng tất cả các kiến thức toán đều có ý nghĩa trong thực tế. Vấn đề cần phải dạy cho học sinh hiểu kiến thức ấy được áp dụng trong thực tế như thế nào thì lại là một câu chuyện khác. Mình có dạy được hay không và có dạy thành công hay không lại là một câu chuyện khác nữa. 
Đất nước mình muốn hội nhập quốc tế thì thế giới dạy những kiến thức nào, mình phải dạy kiến thức đó. Nếu mình lại dạy một trình độ thấp hơn thì học sinh Việt Nam sang nước ngoài học đại học làm sao có thể theo được chương trình? Tôi nói đó chỉ là một ví dụ để dễ so sánh, chứ tất nhiên không hề muốn nói mục đích của học phổ thông để rồi đi nước ngoài học đại học.
Khi chúng tôi nghiên cứu chương trình thì thấy rằng tổng số kiến thức trang bị cho học sinh ở Việt Nam hoàn toàn không cao hơn so với các nước khác. 
Tôi cũng biết không chỉ có GS Văn Như Cương mà nhiều người khác cũng có ý kiến như vậy. 
Vậy vấn đề là ở chỗ nào? Theo tôi, chính là sự phân hóa. Những học sinh nào muốn học lên đại học thì mới cần học đạo hàm, tích phân. Còn có những em sau này không học đại học, thì không nhất thiết cần học ngay các kiến thức đó. Nếu không phân hóa như vậy mà làm một kết luận chung chung cả gói như trên rõ ràng là bất hợp lí.
Ở các nước, sau bậc THCS thì chỉ có một số học sinh (tỉ lệ phụ thuộc vào từng nước) học lên THPT và vào học đại học. Với các em đó họ đều học khối lượng Toán đại loại như chúng ta đang dạy. Còn những học sinh sẽ học nghề, học trung cấp thì chương trình sẽ khác. Tất nhiên nếu sau đó các em (dù đã đi làm) lại muốn vào đại học, thì vẫn phải học các kiến thức đó. Có điều lùi lại thời gian mà thôi!

GS.TSKH Lê Tuấn Hoa.
GS.TSKH Lê Tuấn Hoa.

- Như vậy, mục đích chính của việc học Toán có phải là đào tạo ra những nhà khoa học nghiên cứu về Toán?
Tất nhiên là không. Học Toán mục đích là ngoài học kiến thức cụ thể còn là học phương pháp tư duy. Mà muốn học tư duy thì phải có một lượng kiến thức nhất định. Môn Toán và môn Văn là hai môn mà tất cả các nước đều dạy. Điều đó không phải là tình cờ. 
Tất nhiên các môn khác cũng giúp tư duy, nhưng tất cả các nước đều dạy 2 môn đó nhiều nhất là phải có lí do của nó chứ. Lý do đó có thể dựa trên những luận cứ khoa học, trên những thống kê. 
Có thể điều đó trở thành hiển nhiên đến mức người ta không cần nêu lí do nữa. Vì vậy có người không tin, cho rằng điều đó chỉ là cảm tính mà thôi.
Như vậy học Toán là để có khả năng tư duy tốt, để sau này học các ngành, nghề khác. Chỉ cần một số rất ít sau này theo đuổi nghiên cứu khoa học, và số ít trong số ít đó nghiên cứu về Toán! Nếu hiểu đúng như vậy, ta sẽ thấy học Toán không có tội tình gì, mà chỉ có lợi.
- TS Lương Trần Công Khanh, người từng làm luận án tiến sĩ nghiên cứu, so sánh về 2 nền giáo dục Việt – Pháp thì cho rằng học sinh Việt Nam hiện nay “khổ” hơn học sinh các nước tiên tiến. Ông Khanh nhận xét: “Nhiều em học sinh không hiểu gì về một dạng toán nhưng vẫn có thể giải bài dễ dàng và đúng khi đã được học về dạng toán đó”. 
Phải chăng chúng ta đang đào tạo ra những “thợ làm toán” theo khuôn mẫu chứ không phát triển tư duy toán học của học sinh?
Cách đặt vấn đề đó tôi không đồng tình lắm. Ở Việt Nam hiện nay có nhiều thầy cô dạy trước chương trình nhằm dạy các dạng toán. Dạy như vậy gọi là làm toán chứ không phải giải toán. 
Các bài đó có mẫu sẵn cứ thế mà làm. Ví như cấp 1 tất cả hoc sinh phải học bảng cửu chương. Vì vậy, thời chúng tôi học cấp một, môn Toán được gọi là học tính. Học tính nghĩa là học 1+1=2; 1+2=3… cứ như thế và học thuộc chứ không có cách nào khác. Đấy chỉ là học thuộc. 
Còn giải toán thì đều yêu cầu vận dụng tư duy, dù rằng mức độ tư duy ở mỗi bài có thể rất khác nhau. Điều đó giải thích tại sao phải học cao hơn mới có khả năng giảng lại những điều thấp hơn rất nhiều cho học sinh. 
Nếu không hiểu rằng dạy và học Toán là dạy và học tư duy thì chẳng ai hiểu nổi tại sao giáo viên tiểu học lại phải học hết trung học phổ thông, chứ đừng nói là phải có bằng cao đẳng như ở nước ta hay bằng đại học như ở nhiều nước. 
- Thưa ông, vậy có thể phân biệt việc làm toán và giải toán khác nhau như thế nào?
Tôi xin lấy một hình ảnh cụ thể trong đời sống, dù hơi thô thiển, để làm rõ sự sai khác của hai khái niệm trên.
Chẳng hạn khi đi đến ngã ba đường, nếu có các bảng chỉ dẫn đi về các hướng khác nhau, thì cứ thế mà đi đến đích mình cần. Điều này cũng tương tự với việc làm toán. Có mất công, có nhọc nhằn không? Có chứ! Phải mất công để đi, chứ đứng yên thì chẳng bao giờ đến đích.
Vẫn là tình huống trên, nhưng đến ngã ba đường lại không có bảng chỉ dẫn, ngoài việc chắc chắn có một con đường dẫn đến đích. Bằng kiến thức, anh phải suy nghĩ xem rẽ hướng nào là đúng. Dĩ nhiên phán đoán có thể sai, nhưng nếu tư duy tốt thì phải đảm bảo khả năng đúng là 80% hoặc hơn chẳng hạn. Để đảm bảo điều đó, những người tham gia giao thông phải sử dụng một phần kiến thức để phán đoán và suy nghĩ, chứ nếu không chỉ là đoán mò. Điều này tương tự với việc giải toán vậy.
Như vậy, khi một người giáo viên cung cấp cho học sinh các dạng, để rồi sau đó lắp số liệu vào thì đó là làm toán chứ không phải là giải toán. Mà số lượng dạng Toán thì có thể sáng tác thoải mái. Nên học theo kiểu như vậy vừa tốn kém thời gian, vừa chẳng còn tý hấp dẫn nào.
- Điểm tuyển sinh đầu vào ngành toán các năm trở lại đây thường không cao bằng một số ngành kinh tế khác. Phải chăng, các em học sinh giỏi ở phổ thông hiện nay không “mặn” học chuyên sâu về toán?
Không phải ai đi học toán cũng phải đi làm nghề toán. Học toán để giúp học sinh học các ngành khoa học kỹ thuật, khoa học khác, thậm chí chỉ để học một nghề khác tốt hơn.
Một số ít em theo nghề toán vì có sự đam mê và cũng phải thấy được nghề này có thể nuôi sống được bản thân và gia đình.
Học sinh hiện nay không mặn mà với nghề toán là do các em không nhìn thấy tương lai. Một phần trách nhiệm ở đây thuộc về các chính sách của Nhà nước.
Ở trên thế giới cũng vậy, đi theo nghề toán thì không bao giờ giàu nhưng mà đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, một số em thấy không cần phải trở thành tỉ phú, triệu phú lại có đam mê thì sẽ đi theo nghề toán. 
Nghề toán không thể làm giàu nhưng cũng đủ sống, không phải đi làm thêm. Thỉnh thoảng người ta cũng có thể thu xếp đi du lịch ở một nơi đơn sơ nào đó (chứ không phải là những chỗ xa xỉ). 
Không chỉ có nghề toán mà bây giờ nghề nghiên cứu khoa học cơ bản cũng ít được các em học sinh lựa chọn. Nhiều em không thích không hẳn vì không có đam mê mà trước hết các em không thấy theo đuổi con đường khoa học vẫn có thể sống được.
- Vậy phải chăng chúng ta chỉ nên phát triển khoa học ứng dụng chứ không nên theo các ngành khoa học cơ bản vì khó kiếm được nhiều tiền?
Nếu không có khoa học cơ bản thì đất nước sẽ không thể phát triển. Không ít người cho rằng: “Chỉ những nước giàu mới chơi sang để chi cho toán”. Nhưng quan niệm đó là hoàn toàn sai lầm. 
Điển hình của việc một nước còn nghèo mà nghĩ đến khoa học cơ bản đó là Hàn Quốc. Những năm 60, 70 nước này còn rất nghèo, nhưng chính phủ Hàn Quốc hết sức chú trọng đến việc phát triển khoa học cơ bản, trong đó có Toán và dần dần họ vực lên. Đến bây giờ đã có tiềm lực, tốc độ phát triển của họ trong khoa học cực kì cao.
Không có khoa học cơ bản thì không thể sản xuất được những sản phẩm công nghệ cao để bán ra nước ngoài. Mà công nghệ cao mới đem đến tỷ trọng xuất khẩu tốt. Làm thế nào chế tạo ti vi, điện thoại mà không cần đến Toán và công nghệ cao? 
Nếu mình nhập từ nước ngoài không bao giờ mình có thể bán được vì mình chỉ được nhập những cái lạc hậu. Mà cứ cho là dựa vào nhập công nghệ đi, thì có đủ kiến thức mới biết được nó có lạc hậu không, và nhập rồi mới biết cách khai thác.
Chuyện làm thế nào để ứng dụng được là một vấn đề lớn. Thậm chí hiểu được nó đang ứng dụng loại kiến thức gì cũng không dễ. Rất nhiều cái khoa học đang được ứng dụng rộng rãi rồi đấy, nhưng người tiêu dùng hoặc là không hiểu, hoặc là không cần hiểu.
Chẳng hạn không có phần mền toán học không thể có được điện thoại tốt hơn, và do đó không bán được điện thoại. Trong giai đoạn nghiên cứu phần mền toán học đó, cần đến Toán lý thuyết. Có thể là những cái đã có, mà cũng có thể là cái mới. Nhưng người tiêu dung mấy ai biết. Điều đó chẳng có gì đáng trách, vì nhiều người có chuyên môn cao cũng chỉ biết công ty sản xuất đang dùng Toán, còn dùng kiến thức cụ thể nào thì là bí mật của công ty! Đến khi bán điện thoại, thu được tiền chắc chắn ít người cho rằng Toán đã góp phần làm ra tiền. Hầu như ai cũng nghĩ tiền đó do các hãng điện thoại làm ra. 
Đó là lí do vì sao các công ty phần mềm tin học trên thế giới đều thuê rất nhiều người là tiến sĩ toán, lý và trả lương rất cao. Không phải do thừa tiền mà người ta làm chuyện đó!
- Phải chăng nhiều người đã không hiểu khi cho rằng các ngành khoa học cơ bản luôn phải tạo ra các sản phẩm ứng dụng nhìn thấy được trong thực tế?
Ở Việt Nam các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà toán, rất hay bị kêu là làm những cái trời ơi đất hỡi, không có ứng dụng. Từ diễn giải trên có thể thấy ngay kiểu qui kết đó không đúng.
Một vài kiểu “ứng dụng” khác. Sử dụng tư duy trong công nghệ, trong kinh doanh… cũng là một kiểu ứng dụng đấy chứ! Nếu dạy tốt mà được trả công cao, thì ta cũng dễ thấy Toán làm ra tiền đấy chứ. 
Tôi để “ứng dụng” trong ngoặc kép để khỏi làm phiền lòng những cách hiểu truyền thống. Theo tôi mục đích cao cả của ứng dụng suy cho cùng là làm ra tiền. Còn làm ra trong công đoạn nào hay hình thức nào không quan trọng. Tại sao trong thời đại trí thức lại hạn chế phạm vi ứng dụng để rồi chỉ trích? 
- Phải chăng việc học các kiến thức về toán học ở đại học hiện nay là thừa? Hầu như tất cả các kiến thức học tại đại học không được dạy tại phổ thông. Tại sao khi lên đại học lại phải học những điều đó mà không học lại kiến thức phổ thông để các sinh viên sư phạm dạy học sinh sau này?
Nếu nhìn một cách đơn sơ như vậy thì thấy rằng chương trình trên đại học là thừa. Nhưng không thừa chút nào bởi chính vì được học các kiến thức cao người ta mới nhận thức được tư duy ở bậc cao. Từ đó, khi quay trở lại dạy cho học sinh, nhờ kiến thức cao hơn mà thầy cô giáo mới hiểu rõ bản chất hơn, và mới có khả năng diễn giãi các kiến thức phổ thông một cách tường tận được, đồng thời mới lồng ghép dạy khả năng tư duy. 
Vì vậy quá trình dạy và học, dù là bậc thấp hay cao, vẫn là vừa dạy kiến thức vừa dạy để tư duy. Càng bậc cao, cả hai yêu cầu ấy càng cao. Khi ra nghề, kết hợp được cả hai càng quý. Nhưng nếu chỉ dùng mỗi khả năng tư duy thì cũng không thể vội quy kết là đào tạo thừa, sai nghề hay lệch nghề. 
- Ở trong gia đình, nếu con của giáo sư mong muốn đi theo ngành nghiên cứu toán nhưng giáo sư biết rằng ngành đó không thể kiếm được nhiều tiền thì ông có định hướng lại cho con mình không?
Tôi không cho là ngành Toán không đủ nuôi sống. Do vậy nếu con tôi theo ngành Toán tôi sẽ rất mừng. Cho nên không thể có điều giả định như anh nêu. Nhưng cũng như đồng nghiệp, tôi hoàn toàn tôn trọng lựa chọn của các cháu. Cháu đầu tôi đang học dự bị đại học, không rõ có chọn ngành Toán không, nhưng có lẽ khả năng không chọn là cao. 
Một số đồng nghiệp tôi cũng có con đi học toán và nghiên cứu toán. Chúng tôi không định hướng cho các cháu chỉ nên đi toán hay không nên đi toán. Điều đó phụ thuộc sở thích, niềm đam mê của các cháu.
- Bản thân ông đã học được những kinh nghiệm gì từ chính cuộc sống?
Nhiều kinh nghiệm trên cuộc sống cho thấy rằng nên tôn trọng sở thích cũng như năng lực của con mình. Tôi biết khá nhiều ví dụ đáng lý nên cho con theo nghiên cứu khoa học cơ bản sẽ tốt nhưng phụ huynh lại định hướng cho con đi học kinh tế. Sau đó trong quá trình học có cháu chán, bỏ học, nảy sinh tiêu cực. 
Ngược lại có những em có thiên hướng về kinh doanh, nhưng lại bị ép đi học nghiên cứu (nhất là thời chúng tôi, khi khoa học cơ bản còn được xem là ông hoàng). Khi học bị thua kém bạn bè, để rồi cuộc sống lận đận. Vì vậy học là một chuyện, chọn ngành nghề là chuyện khác. Phụ huynh nên tôn trọng các cháu.
Tôi xin nói kĩ hơn một chút:
Ngày nay, nhiều người ta chỉ nhìn thấy mặt tốt của việc làm ra nhiều tiền. Họ không nhìn thấy mặt trái của vấn đề. Làm ra nhiều tiền cũng phải chịu nhiều đau khổ và rủi ro. Hôm nay anh có thể làm được hàng tỷ đồng, nhưng khi kinh tế khó khăn anh có thể phá sản hay nợ hàng tỷ đồng. Tình cảnh đó không xảy ra với một ông giáo sư. Ngoài niềm vui say mê khám phá, ông ta có cuộc sống ổn định (ấy là tôi nói ở nước ngoài).
Thậm chí, ngay trong số những người làm ra nhiều tiền, không phải ai cũng nghĩ để tiêu xài xa xỉ. Có người tiết kiệm, để dành phần lớn số tiền làm ra cống hiến cho xã hội. Đó cũng là một loại đam mê đấy thôi. 

* Còn tiếp...
Trường Giang