Trung tâm Tin tức VTV24 ngày 3/9/2019 nhận định, sự thiếu nhất quán trong cách hiểu của phụ huynh và cơ quan quản lý giáo dục về tên trường quốc tế sẽ gây ra sự hiểu lầm.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh công bố danh sách 21 trường "có yếu tố nước ngoài", bao gồm 2 nhóm chính:
Nhóm trường có vốn đầu tư nước ngoài thành lập và nhóm trường tư thục có vốn trong nước nhưng có liên kết hoặc tích hợp chương trình nước ngoài.
Học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hoàng Việt tỉnh Đắk Lắk đang học với giáo viên người nước ngoài. Ảnh: baodaklak.vn. |
Vì vậy, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh được VTV24 dẫn lời cho rằng, những trường không có tên trong danh sách công bố mà vẫn tự gắn tên "quốc tế" là vi phạm. [1]
Còn tại Hà Nội, ngày 20/8/2019 Báo Nhân Dân có bài "Chấn chỉnh tình trạng nhiễu loạn “trường quốc tế”" của tác giả Đông Á, dẫn lời Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Ngọc Quang, cho biết:
“Theo thống kê mới nhất, Hà Nội có 11 trường được gọi là trường quốc tế, còn các trường khác chỉ có yếu tố nước ngoài. Sở sẽ sớm công bố đích danh những trường này rộng rãi để người dân nắm được, tránh trường hợp mạo danh gây hiểu nhầm cho phụ huynh”. [2]
Nếu nội dung trên đúng là lời Phó giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Lê Ngọc Quang chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân, thì rõ ràng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoặc là đang lúng túng, hoặc là "thiếu nhất quán" trước dư luận về trường quốc tế.
Bởi ngày 28/8/2019, 8 ngày sau bài báo trên được đăng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra Thông báo thông tin về các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, các trường tư thục có giảng dạy chương trình nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố, do Trưởng phòng Giáo dục phổ thông Kiều Văn Minh thừa lệnh Giám đốc sở ký, khẳng định:
Các thông tin một số báo nêu "Sở GDĐT Hà Nội công bố chỉ có 11 trường "quốc tế" trên địa bàn Thành phố" vừa qua là chưa chính xác. [3]
Nhà nước kêu gọi đầu tư, hợp tác với nước ngoài về giáo dục từ năm 1997
Video: Trường quốc tế là một khái niệm mở |
Năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị quyết 90-CP về xã hội hóa giáo dục, y tế và văn hóa, trong đó xác định:
- Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hợp tác giáo dục với nước ngoài để tăng thêm nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
- Cho phép một số trường đại học hoặc các tổ chức giáo dục nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài được mở trường tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.
Năm 1998, Luật Giáo dục đầu tiên được ban hành, Khoản 2, Điều 96 khuyến khích hợp tác về giáo dục với Việt Nam, quy định:
Việc hợp tác đào tạo, mở trường, cơ sở giáo dục khác của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam do Chính phủ quy định.
Né tránh gọi tên "trường quốc tế"?
Năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 73/1999/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa với giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao.
Điều 27 quy định:
Việc thành lập các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao thực hiện theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản quy định khác có liên quan.
Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể hóa các chủ trương nói trên.
Khoản 1, Điều 1, Chương 1, Nghị định này quy định rõ: Nghị định này quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, bao gồm liên kết đào tạo, thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Ngày 4/8/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã tới dự lễ khánh thành Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hoàng Việt, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Đây là một sự quan tâm rất lớn của người đứng đầu ngành giáo dục với giáo dục tư thục. Ảnh: Trường Hoàng Việt. |
Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 73/2012/NĐ-CP nói trên, nhưng Khoản 1, Điều 1, Chương 1 Nghị định 86/2018/NĐ-CP gần như không thay đổi so với Nghị định 73/2012/NĐ-CP, tránh gọi tên "trường quốc tế":
Nghị định này quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.
Cả 2 Nghị định nói trên đều chưa thừa nhận mô hình "trường quốc tế", mà chỉ thừa nhận loại hình "cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài" dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài.
Nới rộng việc cho phép học sinh Việt Nam thực hiện giấc mơ học "trường quốc tế"
Khoản 2 và Khoản 3, Điều 21, Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định:
Cơ sở giáo dục mầm non (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài.
Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu.
Nói cách khác, "cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài" chủ yếu dành cho người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu.
Video: Đã hội nhập thì nên thừa nhận, khuyến khích trường quốc tế |
Theo nghị định này, từ 1/8/2018 trở về trước, các "cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài" không được nhận trẻ em Việt Nam;
Còn các "cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài" được tiếp nhận học sinh Việt Nam tối đa không quá 10% tổng số học sinh với trường tiểu học, không quá 20% tổng số học sinh với trường trung học phổ thông.
Nghị định 73/2012/NĐ-CP nhằm quy định về hoạt động của các "cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài" được thành lập tại Việt Nam phục vụ nhu cầu học tập của con em người nước ngoài là chủ yếu.
Tuy nhiên, trước nhu cầu học chương trình quốc tế, được cấp văn bằng quốc tế của học sinh Việt Nam ngày một lớn, ngày 6/6/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 73/2012/NĐ-CP, cho phép:
"Các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài" cả bậc mầm non và phổ thông được tiếp nhận học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài, nhưng số học sinh Việt Nam phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.
Đồng thời, Nghị định 86/2018/NĐ-CP còn cho phép các trường tư thục được liên kết với nước ngoài, giảng dạy chương trình nước ngoài và cấp văn bằng / chứng chỉ nước ngoài được Việt Nam công nhận.
Có thể nói Nghị định 86/2018/NĐ-CP là một bước tiến lớn so với Nghị định 73/2012/NĐ-CP trong việc đáp ứng nhu cầu học chương trình quốc tế của con em nhân dân, tuy nhiên so với thực tiễn dường như vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu và phát huy tiềm lực, sức dân vào sự nghiệp xã hội hóa giáo dục.
"Trường quốc tế" trăm hoa đua nở
Tóm lại, theo quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP, "trường quốc tế" mà dư luận quan tâm hiện nay nếu hiểu theo nghĩa là cơ sở giáo dục được phép giảng dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế, thì nó đang tồn tại dưới 3 loại chính:
Ngày 17/4/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam. Ông Gareth Ward cho biết, hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư Anh mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, như mở trường quốc tế từ bậc từ mầm non đến phổ thông. Ảnh: moet.gov.vn. |
- Một là trường có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập để giảng dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế cho học sinh người nước ngoài. Các cơ sở này được phép nhận học sinh Việt Nam nhưng số lượng tối đa phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình nước ngoài.
Học sinh Việt Nam theo học chương trình nước ngoài tại các cơ sở này phải học một số môn bắt buộc bằng tiếng Việt (3 môn) do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, được cấp bằng nước ngoài.
- Hai là các trường tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư, giảng dạy chương trình Việt Nam và chương trình giáo dục nước ngoài dưới dạng tích hợp với chương trình giáo dục Việt Nam, cấp bằng Việt Nam và quốc tế.
Theo Khoản 3 và Khoản 4 Điều 2; Điều 6 Nghị định 86/2018/NĐ-CP:
Chương trình giáo dục tích hợp là chương trình giáo dục của Việt Nam được tích hợp với chương trình giáo dục của nước ngoài, bảo đảm mục tiêu của chương trình giáo dục của Việt Nam và không trùng lặp về nội dung, kiến thức.
Liên kết giáo dục là việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam với cơ sở giáo dục nước ngoài thực hiện chương trình giáo dục tích hợp.
Đối tượng liên kết giáo dục là cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục của Việt Nam và cơ sở giáo dục hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
- Ba là các lớp / hệ quốc tế trong trường tư thục, vừa giảng dạy chương trình Việt Nam vừa giảng dạy chương trình quốc tế, được cấp bằng Việt Nam và quốc tế. Các lớp / hệ quốc tế này tồn tại song song với các lớp / hệ đại trà.
Khảo sát mức học phí trường quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2018 của tổ chức ExpatFinder.com, Việt Nam có mức học phí trung bình chỉ đứng sau Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông và Australia. Ảnh: ExpatFinder.com. |
Tuy nhiên, ngoài 3 loại hình nói trên, thực tế "trường quốc tế" còn đa dạng hơn rất nhiều, có thể nói là trăm hoa đua nở. Nếu hiểu "trường quốc tế" là cơ sở giáo dục "dạy chương trình nước ngoài" và "cấp bằng nước ngoài", thì thậm chí còn tồn tại cả các mô hình không đúng quy định của Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
Có thể kể ra đây các lớp "song bằng" mà Hà Nội đang thí điểm tại 2 trường trung học phổ thông và 6 trường trung học cơ sở công lập, bởi Nghị định 86/2017/NĐ-CP không cho phép trường công lập dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài (liên kết giáo dục).
Hoặc các trường / lớp phổ thông công lập tại thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy Chương trình Cambridge (2014 trở về trước) và chương trình tiếng Anh tích hợp từ 2014 trở lại đây. [4]
Ngay trong thông báo ngày 28/8/2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho thấy đang tồn tại các trường phổ thông tư thục dạy chương trình nước ngoài cho học sinh Việt Nam mà không dạy chương trình giáo dục Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, như:
- Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông quốc tế Nhật Bản (số 36, đường Tố Hữu, phường Vạn Phúc, Hà Đông) dạy chương trình Quốc tế Cambridge và Chương trình quốc tế Nhật Bản.
- Trường Quốc tế Việt Nam (ô đất số 6-7, khu đô thị mới Đại Kim - Định Công, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), dạy chương trình IB Primary Years Programme cho học sinh mẫu giáo và tiểu học (lớp 1-5); chương trình Cambridge Secondayry 1 cho cho học sinh lớp 6-8, chương trình IGCSE cho học sinh lớp 9-10 và chương trình A-Level cho học sinh lớp 11-12. [3]
Nếu thông tin trên mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố trong thông báo ngày 28/8/2019 là chính xác, thì các cơ sở giáo dục này không chỉ tuyển sinh và hoạt động không đúng quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018;
Việc này còn trái với quy định tại Khoản 4, Điều 1, Luật số 44/2009/QH12; Khoản 1, Điều 14, Chương II, quy chế trường phổ thông loại hình tư thục ban hành kèm Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chúng tôi thiết nghĩ, đọc đến đây có lẽ quý bạn đọc cũng "hoa mắt, chóng mặt" về các loại hình nhà trường được dạy chương trình quốc tế và cấp bằng quốc tế.
Nếu coi các trường này là trường quốc tế và chính thức thừa nhận nó, cụ thể hóa quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, có lẽ đã không dẫn đến những tranh cãi không đáng có như vừa qua.
Vì sao Nhà nước đã kêu gọi hợp tác với nước ngoài, cho phép nước ngoài đầu tư vào giáo dục, cho phép dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài, nhưng Bộ Giáo dục vẫn chưa tham mưu cho Chính phủ thừa nhận "trường quốc tế"?
Với quy định hiện hành, việc quản lý nhà nước với mô hình trường quốc tế "trăm hoa đua nở" như hiện nay sẽ được thực hiện như thế nào? Có hay không những kẽ hở chính sách? Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích vấn đề này trong bài viết tới.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vtv.vn/chuyen-dong-24h/thieu-nhat-quan-ten-goi-truong-quoc-te-2019090320044864.htm
[2]https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/41269702-chan-chinh-tinh-trang-nhieu-loan-%E2%80%9Ctruong-quoc-te%E2%80%9D.html
[3]http://file2.hanoi.edu.vn//Data/hnedu/hanoi/Attachments/YTNN/TB.pdf
[4]https://emg.vn/chuong-trinh-tieng-anh-tich-hop/