Đà Nẵng thực hiện chương trình “tủ sách mở” để phát triển văn hóa đọc

26/11/2016 08:34
An Nguyên
(GDVN) - Sở GD&ĐT TP.Đà Nẵng vừa có văn bản hướng dẫn các trường học, Trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở dạy thêm thực hiện chương trình “tủ sách mở”.

Mục đích của chương trình là nhằm phát huy hiệu quả hệ thống thư viện trường học, thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc.

Qua đó, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, góp phần đưa sách đến gần học sinh hơn.

Theo kế hoạch, các trường học, trung tâm sẽ tiến hành thiết kế, đầu tư, trang bị các tủ sách, kệ sách không có ổ khóa đặt ở sân trường, hành lang, khu vui chơi (gọi tắt là “tủ sách mở”)… đảm bảo tính thẩm mĩ, dễ tiếp cận và lấy sách, báo đọc.

Đà Nẵng khuyến khích mọi người đóng góp sách cho chương trình "tủ sách mở". Ảnh:AN
Đà Nẵng khuyến khích mọi người đóng góp sách cho chương trình "tủ sách mở". Ảnh:AN

Đối với các trường đặc biệt khó khăn thì tiến hành các thủ tục trình Sở để xem xét hỗ trợ. Đối với các trường đã có “tủ sách mở” thì tiếp tục đầu tư, trang bị thêm, thực hiện không khóa các tủ sách hiện có.

Các “tủ sách mở” cần bố trí theo chủ đề, chuyên ngành… thuận lợi cho việc tìm đọc. Nhà trường phải làm tốt công tác giáo dục, quản lí học sinh để tránh tình trạng học sinh phá tủ sách, lấy cắp sách…

Thờ ơ với sách đang là thực trạng đáng lo ngại (GDVN) - Bây giờ sống trong thời đại cần tri thức hơn bao giờ hết thì việc đọc sách, chăm sách, chơi sách trở nên quá xa xỉ! Vì sao vậy?

Thờ ơ với sách đang là thực trạng đáng lo ngại

(GDVN) - Bây giờ sống trong thời đại cần tri thức hơn bao giờ hết thì việc đọc sách, chăm sách, chơi sách trở nên quá xa xỉ! Vì sao vậy?

Khuyến khích các trung tâm ngoại ngữ, Tin học, cơ sở dạy thêm, học thêm đầu tư, trang bị các “tủ sách mở” để người học, phụ huynh có điều kiện đọc sách.

Các trường học, trung tâm tổ chức tuyên truyền, vận động giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh đóng góp sách, báo cho các “tủ sách mở”. Đồng thời, tiến hành phân loại và bố trí sách, báo ở các tủ sách theo chủ đề, chuyên ngành.

Các trường học, trung tâm thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh về tác dụng, ý nghĩa của việc đọc sách, khuyến khích việc đọc sách tại các “tủ sách mở” của trường.

Sở cũng yêu cầu các trường thực hiện giải pháp mang tính khả thi về tuyên dương, khen thưởng tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào đóng góp sách và đọc sách, để chương trình “tủ sách mở” đạt hiệu quả cao.

Thời gian thực hiện chương trình “tủ sách mở” bắt đầu từ ngày 1/12. Sở GD&ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện từ ngày 1/3/2017.

Ngoài ra, các trường học, trung tâm cần thường xuyên duy trì, phát triển Chương trình “tủ sách mở”, kể cả trong thời gian hè để đẩy mạnh phong trào đọc, phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Chi phí thực hiện Chương trình “tủ sách mở” sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên của các trường học, kêu gọi các nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân, phụ huynh học sinh trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện.

An Nguyên