Đại học nội thành không chịu lấy đất vàng làm vốn, lãng phí ngàn héc ta được cấp

10/12/2019 06:21
Tùng Dương
(GDVN) - Khoanh vùng được 1 số hộ dân ở bên này, thì ngày mai giá đất bên kia tăng, mấy hộ cũ đã nhận tiền lại không trả mặt bằng, như vậy thì không bao giờ dứt điểm.

Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.

Đến dự buổi Tọa đàm này, ông Phan Hồng Dũng - đại diện Vụ kế hoạch, Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ quan điểm cá nhân về chủ đề này:

Video: ông Phan Hồng Dũng, chia sẻ quan điểm cá nhân.

“Xin cảm ơn quý Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm mà Bộ rất quan tâm, hôm nay tôi đến đây với mục đích để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các thầy để chúng tôi thực hiện tốt hơn.

Ở góc độ cá nhân thì tôi xin có 1 ý kiến về đầu tư đối tác công tư (PPP), thực ra thì các cơ sở giáo dục đào tạo cứ kêu thiếu vốn, rất muốn có tiền để đầu tư vào các khu đô thị đại học, nhưng không ai muốn trả cơ sở cũ, để thành vốn đối ứng đầu tư ra các cơ sở mới.

Vấn đề đó không riêng gì Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà cả các đơn vị khác đều có hiện tượng đó, vẫn muốn ôm và không muốn trả.

Việc thiếu vốn cũng đúng thôi, chúng ta không thể trông chờ vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, tôi khẳng định như vậy vì rất khó.

Giải phóng mặt bằng của một dự án, một khu đô thị đại học thì tối thiểu phải từ 3.000 đến 4.000 nghìn tỷ đồng, nhưng kế hoạch vốn ngân sách cấp chỉ là 10 tỷ, 20 tỷ và tối đa như Đại học Quốc gia thì vừa rồi là 1.000 tỷ đồng.

Số tiền 1.000 tỷ đồng đó được trích từ nguồn dự phòng của Chính phủ, chứ kế hoạch vốn thì bình thường là không có, như vậy thì làm sao mà nghĩ đến chuyện giải phóng mặt bằng, có đất sạch để đầu tư dự án được.

Cứ nhom nhem khoanh vùng được 1 số hộ dân ở bên này để đền bù, thì ngày mai giá đất bên kia tăng, mấy hộ cũ đã nhận tiền lại thấy giá đất lên lại không trả mặt bằng, như vậy thì không bao giờ dứt điểm.

Mình phải đủ tiền, làm một lần và tất cả nhận đền bù một lúc thì mới dứt điểm được, và chỉ có đầu tư bằng PPP (hợp tác công tư) thì mới giải quyết được vấn đề này."

Ngày 5/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp chống lãng phí nguồn lực nhà nước trong đầu tư các trường đại học, cao đẳng công lập”.

Đến dự tọa đàm có Giáo sư Nguyễn Anh Trí - đương nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa 14.

Ông Lê Như Tiến - Đại biểu Quốc hội Khóa 12 -13, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong.

Ông Phan Hồng Dũng, đại diện Vụ kế hoạch, Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Huế - Trưởng phòng Quản lý đất đai, Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Tuấn -Trưởng ban quản lý vận hành Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Tùng Dương