Đào tạo trực tuyến hướng tới xây dựng các trường đại học số, cơ sở giáo dục số

27/03/2021 09:24
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không chỉ là công dân số, thành phố số, chúng ta còn phải hướng đến việc xây dựng các trường đại học số cũng như các cơ sở giáo dục số.

Đào tạo trực tuyến phải nói đến công nghệ giáo dục

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định vai trò của đào tạo trực tuyến cũng như chuyển đổi số trong giáo dục tại Hội thảo “Hệ thống đào tạo trực tuyến - Mô hình và yếu tố đảm bảo chất lượng trong đào tạo” được tổ chức vào ngày 26/3 tại Trường Đại học Mở Hà Nội.

Hội thảo “Hệ thống đào tạo trực tuyến - Mô hình và yếu tố đảm bảo chất lượng trong đào tạo” (Ảnh: Trường Đại học Mở Hà Nội)

Hội thảo “Hệ thống đào tạo trực tuyến - Mô hình và yếu tố đảm bảo chất lượng trong đào tạo” (Ảnh: Trường Đại học Mở Hà Nội)

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, dạy học trực tuyến đã trải qua nhiều cấp độ. Đó là sự thay đổi về phương tiện, phương pháp học tập cho đến sự ra đời của mô hình dạy và học trực tuyến.

“Hiện nay mô hình tổ chức lớp học, mô hình trường học đã có sự thay đổi nhưng vẫn chưa đạt được mức độ chúng ta mong muốn.

Bàn về đào tạo trực tuyến là nói đến công nghệ giáo dục, công nghệ dạy và học, là việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học giáo dục, những tiến bộ của công nghệ thông tin, khoa học máy tính vào trong việc dạy và học.

Chính điều này không những làm thay đổi nhiều hơn về mô hình, phương pháp, phương tiện dạy học mà còn làm tăng hiệu quả, hiệu suất của người học, với những cách tiếp cận tri thức mới, cách hình thành phát triển năng lực cho người học”, Thứ trưởng khẳng định.

Việc ứng dụng công nghệ vào dạy học sẽ hoàn toàn khác với một lớp học truyền thống. Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp cá nhân hóa việc học tập, người học có thể học theo những con đường khác nhau, bằng cách tiếp cận khác nhau, không còn là một bài giảng thống nhất áp dụng cho tất cả mọi người.

Người học cũng được lựa chọn những tài liệu học tập tốt nhất, có thể sách giáo trình truyền thống sẽ dần được thay thế bằng những tài liệu ngắn theo từng chủ đề.

Nhiệm vụ của mỗi giảng viên là phải tập hợp, tuyển chọn tài liệu bài giảng tốt nhất cho người học. Nhiệm vụ của các trường đại học là lựa chọn khóa học để hình thành chương trình đào tạo trực tuyến.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định vai trò của mô hình đào tạo trực tuyến (Ảnh: Đại học Mở Hà Nội)

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định vai trò của mô hình đào tạo trực tuyến (Ảnh: Đại học Mở Hà Nội)

Theo quan điểm của Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, cần phải nghiên cứu về sự thay đổi mô hình lớp học, mô hình trường học, sự thay đổi trong mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa người học với nhau. Đồng thời, cần phải nhìn nhận lại vai trò của các trường đại học, các trường không chỉ có vai trò cung cấp bài giảng mà còn xây dựng chương trình đào tạo.

“Trường Đại học Mở Hà Nội, Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học khác đã tham gia vào nhiều dự án, có những sáng kiến và tổ chức đào tạo trực tuyến được đánh giá cao.

Chúng ta tiếp tục nghiên cứu bài bản, thực hiện và rút kinh nghiệm. Đây cũng chính là cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh về chính sách quản lý, giúp thúc đẩy phát triển đào tạo trực tuyến, đồng thời đảm bảo chất lượng giáo dục, thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Đào tạo trực tuyến phải đảm bảo tăng cơ hội cho người học tiếp cận nền giáo dục chất lượng, đồng thời đảm bảo được trách nhiệm giải trình cho xã hội về chất lượng để xã hội yên tâm, tin tưởng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Kết nối các phần tử trong hệ thống đào tạo trực tuyến

Chia sẻ tại buổi Hội thảo, Tiến sĩ Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết: "Trong tương lai, hệ thống đào tạo trực tuyến và đào tạo truyền thống sẽ cùng song song tồn tại".

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng khẳng định, đào tạo trực tuyến, công nghệ số không làm phai nhạt vai trò của người thầy (Ảnh: Đại học Mở Hà Nội)

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng khẳng định, đào tạo trực tuyến, công nghệ số không làm phai nhạt vai trò của người thầy (Ảnh: Đại học Mở Hà Nội)

Thời đại công nghệ 4.0 mang đến những khái niệm mới như xã hội thông minh, thành phố thông minh, con người thông minh. Chúng ta có công dân số, thành phố số, vậy liệu có thể xây dựng những trường đại học số, những cơ sở giáo dục số hay không?

Đại dịch Covid đã tác động đến việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức dạy và học. Tuy nhiên, đào tạo trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến và sự kết nối của những phần tử trong hệ thống này lại chính là vấn đề quan trọng cần tìm hiểu, nghiên cứu.

Tiến sĩ Trương Tiến Tùng chia sẻ: "IoT (vạn vật kết nối) - một hạ tầng công nghệ có giúp chúng ta kết nối tri thức, xây dựng xã hội học tập, đào tạo nên những công dân toàn cầu.

Ngành giáo dục phải tiên phong tạo ra các cơ sở giáo dục thông minh, điện tử và số hóa, từ đó dẫn dắt xã hội, dẫn dắt nền kinh tế của nước nhà và của thế giới phát triển đúng hướng theo tư duy 4.0.

Sự xuất hiện của hệ thống đào tạo trực tuyến không làm phai nhạt vai trò của người thầy. Vai trò của người thầy, vai trò của những bài giảng điện tử sẽ được nhìn nhận dưới một góc nhìn mới.

Sự tồn tại song song của hai hình thức đào tạo trực tuyến và đào tạo truyền thống sẽ giúp cuộc sống phong phú hơn. Chúng ta phải đi tắt đón đầu, tận dụng trí tuệ của người Việt để có thể tạo nên những cơ sở giáo dục thật tốt, tạo ra những lực lượng lao động mới để tạo nên kỷ nguyên số của Việt Nam, một nền giáo dục hiện đại và đưa đất nước phát triển phồn vinh".

Sáng 26/3, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo: “Hệ thống đào tạo trực tuyến - Mô hình và yếu tố đảm bảo chất lượng trong đào tạo”.

Tham dự hội thảo có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình còn có sự tham gia trực tuyến của các đại biểu quốc tế là Giáo sư, Tiến sĩ Ojat Darojat – Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Mở châu Á, Hiệu trưởng Đại học Terbuka, Indonesia và Giáo sư Jungho Park đến từ Đại học trực tuyến Seoul, Hàn Quốc

Hội thảo còn kết nối với 50 đầu cầu, các điểm kết nối trực tuyến từ các trường ĐH khác nhau trong và ngoài nước.

Từ 6/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó giáo dục và đào tạo là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.

Có thể nói, với sự quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay Bộ đã đạt được rất nhiều những thành tựu, như số hoá và gắn mã định danh cho hàng chục nghìn cơ sở đào tạo trên cả nước (53000 MN, PT); phát triển kho học liệu số với hàng nghìn bài giảng E-learning (5000) và rất nhiều thành tựu khác…

Phạm Minh