Đi tình nguyện - học cách cho đi để nhận nhiều hơn

21/05/2014 11:18
Hồng Nhung
(GDVN) - Hè đến cũng là lúc sinh viên trong cả nước lại háo hức với các hoạt động tình nguyện. Mỗi chuyến đi không chỉ là đi và đến mà là bài học về cho đi và nhận lại.

Đi là để cho mình

Ngày nay, người ta nói nhiều đến toàn cầu hóa, đến mạng xã hội, đến internet; chỉ cần ngồi nhà với một cú click chuột là có thể kết nối với tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Không phủ nhận thế giới ảo đang tạo điều kiện cho mỗi người được giao lưu, chia sẻ và tìm kiếm thông tin nhanh chóng. Nhưng cũng phải khẳng định chỉ có đứng lên và đi người ta mới có thể trải nghiệm hết cuộc sống muôn màu này.

Xách ba lô lên và đi, không phải là những chuyến du lịch bụi, không phải là cuộc phiêu lưu mạo hiểm khám phá những vùng đất mới, mà đi và đến những nơi đang cần sự sẻ chia, giúp đỡ.

Đi tình nguyện chính là hoạt động đi và đến mang thông điệp ý nghĩa trên. Qua mỗi chuyến đi, ta nhận ra rằng những gì chúng ta cho đi dường như không là gì so với những gì chúng ta nhận được. Bài học về cho và nhận sẽ giúp mỗi người tự hoàn thiện mình hơn. 

Qua những chuyến đi tình nguyện, bài học về cho và nhận sẽ giúp mỗi người tự hoàn thiện mình hơn
Qua những chuyến đi tình nguyện, bài học về cho và nhận sẽ giúp mỗi người tự hoàn thiện mình hơn

Chuyện của người trong cuộc

Không phải kiếm tìm đâu những bài học về cuộc sống qua sách vở, nếu chưa một lần trải nghiệm thì hãy lắng nghe, lắng nghe những người đã từng một lần trải nghiệm kể ta câu chuyện về cuộc sống, về nơi mà họ đã từng đến. Bởi tin rằng, với những người đã từng đi tình nguyện, kỷ niệm về hành trình đó sẽ không bao giờ phai trong ký ức họ.

Bạn Thùy Dung (tình nguyện viên Đội sinh viên làm Công tác xã hội – Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn) chia sẻ: “Mình tham gia hoạt động tình nguyện từ năm thứ nhất. Trong suốt 4 năm qua, những chuyến đi như Đông ấm Hà Giang, Đông ấm Hòa Bình, Tết vuông, Giáng sinh ấm… đều để lại những kỷ niệm khó quên. Mình học được nhiều điều từ chính con người ở nơi mà mình đến tình nguyện.” 

Thùy Dung và các bạn trong chuyến đi Đông ấm Hà Giang tại xã Đồng Tiến
Thùy Dung và các bạn trong chuyến đi Đông ấm Hà Giang tại xã Đồng Tiến

Chia sẻ kỷ niệm khó quên trong chuyến đi “Đông ấm Hà Giang” vào tháng 12/2013, Dung bồi hồi nhớ lại:

“Trước khi dẫn đội lên Hà Giang, mình có chuyến đi tiền trạm tại xã Đồng Tiến – Bắc Quang – Hà Giang. Đồng Tiến là xã duy nhất của huyện Bắc Quang không có đường giao thông, các bản chưa có điện và sóng điện thoại. Các điểm trường của học sinh cách rất xa nhau, có điểm trường là 7km, có điểm trường là 17km. Đây là lần đầu tiên mình chứng kiến cảnh học sinh không có quần áo mặc trong những ngày mùa đông lạnh giá, thậm chí có những em bé còn không mặc gì”.

“Lên thăm các điểm trường, mỗi điểm trường lại nằm trên một quả đồi, rồi phải lội suối. Khi đó mình nghĩ mình lớn thế này mà lội qua suối đã ngập gần nửa người rồi, không biết các em đi học sẽ thế nào. Rồi lên đến điểm trường, chứng kiến cảnh lớp học chỉ dựng vách gỗ, trống trường đã thủng cả hai mặt mà cô trò vẫn dùng để báo hiệu giờ vào lớp. Bảng viết thì được đóng từ những miếng gỗ ghép lại chứ không có bảng như dưới xuôi...” - Giọng Dung nghẹn ngào khi nhớ lại.

Sau chuyến đi tiền trạm đó, Dung về trường và lên kế hoạch cùng các bạn trong đội huy động mọi người quyên góp quần áo, chăn màn, sách báo… cho học sinh và bà con ở Đồng Tiến. Chuyến đi tình nguyện đó, các bạn đã giúp che chắn lớp học, sửa lại hàng rào trường, làm tấm bảng mới, nấu những bữa ăn có thịt… 

Đêm giao lưu văn nghệ cùng các em học sinh tràn ngập tiếng cười
Đêm giao lưu văn nghệ cùng các em học sinh tràn ngập tiếng cười

Không chỉ là món quà vật chất, món quà tinh thần là đêm giao lưu văn nghệ, là tiếng hát, tiếng cười dường như còn mang nhiều ý nghĩa hơn. Và Dung hiểu được thêm rằng khi mình mang niềm vui đến cho mọi người thì mình càng thấy hạnh phúc hơn.

Còn với Nguyễn Văn Tú (Trường Đại học Giáo Dục), chuyến đi tình nguyện Mộc Châu, Sơn La vào hè năm thứ 3 đại học là bài học về trách nhiệm của một nhà giáo tương lai hơn là chuyến đi tặng quà, dạy chữ. Đó là lần đầu tiên cậu dạy học dưới cơn mưa rào mùa hè khi mái nhà bị dột. Cả thầy và trò không tránh khỏi ướt mưa, nhưng các em vẫn chăm chú nghe giảng (như đây vẫn là chuyện xảy ra thường xuyên)…

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện trong hành trình tình nguyện của các bạn sinh viên. Ở mỗi chuyến đi, mỗi người sẽ tự tìm cho mình câu trả lời về bài học cuộc sống.

Hãy đi và đến rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của bạn, về những gì bạn học được trên hành trình tình nguyện, ở những con người bạn gặp, ở những vùng đất bạn đặt chân đến. Các bạn sinh viên, hãy sẵn sàng cho hành trình mới, hành trình cho đi và nhận lại nhiều hơn.

Hồng Nhung