Đổi mới giáo dục: Lỗi hệ thống phải giải quyết từ hệ thống

08/10/2013 07:23
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Tiếp theo bài “Đổi mới giáo dục: "Giảm sinh viên trường công xuống 50% và thấp hơn", ông Trần Đức Cảnh cho biết, bản thân của ngành giáo dục không tự nó có thể giải quyết tất cả các vấn đề một cách đồng bộ và hiệu quả, nếu không đặt các vấn đề và trách nhiệm liên quan lên bàn mổ.

PV: Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học (năng lực công dân), đây là một trong những quan điểm đổi mới. Ông nhận định gì về quan điểm này?

Ông Trần Đức Cảnh: Thực ra hai vấn đề này là một và không cần phải chia ra giai đoạn. Chúng ta hoàn toàn có thể vừa trang bị kiến thức và phát triển năng lực và phẩm chất của người học cùng một lúc. Từ “empowerment” trong tiếng Anh có nghĩa rất rộng, vừa trang bị kiến thức vừa giúp tạo sinh khí, kiến thức, kỹ năng/lực cho người học.

PV: Đề án đổi mới giáo dục như đã bàn, ông có những đề nghị cụ thể nào cho đổi mới giáo dục Việt Nam để giải quyết các vấn đề cơ bản hiện nay?

Ông Trần Đức Cảnh: Vấn đề giáo dục Việt Nam hiện nay mà cả xã hội quan tâm theo tôi là do lỗi hệ thống, thì phải giải quyết bằng hệ thống. Tuy giáo dục là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu, nhưng nó là một phần của xã hội. Bản thân của ngành giáo dục không tự nó có thể giải quyết tất cả các vấn đề một cách đồng bộ và hiệu quả, nếu không đặt các vấn đề và trách nhiệm liên quan lên bàn mổ.

Ông Trần Đức Cảnh và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là những người luôn đau đáu cho nền giáo dục.
Ông Trần Đức Cảnh và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình là những người luôn đau đáu cho nền giáo dục.

Tôi xin đưa ra một số đề nghị cụ thể trong đổi mới giáo dục ương lai:

Thứ nhất, xem xét và chấn chỉnh lại hệ thống và chương trình giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 12: Hiện nay chúng ta quan tâm nhiều về đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng, nhưng giáo dục ở bậc tiểu học, trung học là cơ bản, nếu tập trung đổi mới giáo dục bậc đại học thì khác nào chúng ta chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề.

Cần thiết kế tốt một hệ thống giáo dục từ thấp đến cao, bắt đầu từ giáo dục một công dân có ý thức và trách nhiệm xã hội, có phẩm chất đạo đức, thể lực và coi trọng việc học cách học (thay vì chỉ cắm cúi học kiến thức).  Kiến thức ngày hôm nay, có thể trở thành rác ngày mai, chỉ có cách học mới xử lý các kiến thức (thông tin) một các thông minh và hiệu quả.

Thứ hai, tổ chức lại bậc trung học phổ thông: Trước năm 1975, miền Nam có hệ thống trung học kỹ thuật, song song với chương trình trung học phổ thông, được đánh giá tốt và hiệu quả. Chúng ta có thể thiết kế chương trình trung học kỹ thuật với quy mô lớn hơn. Học sinh từ lớp 10 có thể phân làm hai nhánh: phổ thông và kỹ thuật.

Hệ kỹ thuật: sau 3 năm học văn hóa và kỹ thuật (sửa máy vi tính, kế toán, xe hơi, điện, nước, nấu ăn, trồng trọt ..), học sinh có tay nghề tương đối vững, có thể đi làm ngay. Số nào muốn có thể tiếp tục học lên cao đẳng, hay đại học. Như vậy, THKT đã giải quyết nhu cầu đạo tạo căn bản cho những ngành nghề cơ bản mà xã hội đang cần, không gây tốn kém cho học sinh như ở bậc trung cấp hiện nay.

Hệ trung học phổ thông: tập trung nhiều hơn về văn hóa để vào đại học, cao đẳng. Đa dạng hóa môn học, và được phép học sinh tự chọn để hướng tới sở thích, năng khiếu nhằm phát triển tiềm năng lâu dài.

Quan trọng là không có sự phân biệt giữa hai nhánh, các học sinh chọn nhánh THKT là do điều kiện, sở thích và năng khiếu ..., chứ không nhất thiết là trình độ học lực kém hơn.     

Một số tốt nghiệp hay không tốt nghiệp THPT, có thể vào các trường đào tạo nghề ngắn và dài hạn (3 tháng đến 2 năm). Nếu áp dụng đúng tinh thần THKT và trường nghề như các nước tiên tiến, thì hệ Trung cấp hiện nay là hoàn toàn không cần thiết.

Thứ ba, tuyển sinh đại học: Nên theo mô hình xét tuyển thay vì thi tuyển. Các trường đại học, cao đẳng được phép lập phương án tuyển sinh riêng cho mình, điều kiện tối thiểu là phải tốt nghiệp Trung học. Tiêu chí tuyển sinh của mỗi trường phải được công bố rõ ràng, có cơ sở để đánh giá các tiêu chí tuyển sinh của từng trường hằng năm một các trung thực và khách quan, để xã hội đánh giá.  
Ảnh mang tính chất minh họa.
Ảnh mang tính chất minh họa.

PV: Nhưng hiện nay có ý kiến nên bỏ kỳ thi đại học, chỉ giữ lại thi tốt nghiệp trung học, vì hai kỳ thi và chỉ cách nhau trong vòng một tháng?

Ông Trần Đức Cảnh: Tôi cho là quá đà và không cần thiết. Vấn đề đặt ra là nếu tỷ lệ đậu Trung học 95% đến 99% như những năm rồi, hay chỉ đậu 50% để bảo đảm chất lượng, thì liệu xã hội và gia đình có chấp nhận ? Hay chỉ nên phân bậc bằng Trung học, theo điểm đậu A-D (cao đến thấp nhất), các trường đại học, cao đẳng sẽ dùng hạng/thang điểm cho việc xét tuyển.

Nếu chỉ giữ kỳ thi đại học, thì chương trình Trung học nên chuyển sang hệ thống tín chỉ, học sinh hoàn tất đủ tín chỉ (môn) theo yêu cầu của trường thì được cấp bằng tốt nghiệp Trung học. Nếu học sinh trượt môn nào thì chỉ học lại môn đó, theo mô hình các nước.

Thi đại học không nhất thiết theo cách thi như hiện nay, có thể tổ chức thi nhiều lần trong thời gian 3-4 tháng. Ví dụ, tổ chức 6 kỳ thi (từ tháng 3 đến tháng 5) tại các trung tâm thi, kỳ thi bằng giấy hay bằng vi tính, về lâu dài sẽ chuyển sang thi trên vi tính.  Bài thi chỉ tập trung kiến thức đến hết học kỳ đầu của học sinh lớp 12. Có thể tổ chức thời gian thi trong vòng 4-6 tiếng, vào ngày cuối tuần để tránh ảnh hưởng đến việc học. Học sinh có thể chọn thi hơn 1 lần nhưng không được quá 2 hay 3 lần, nếu cảm thấy điểm thi lần trước không tương xứng. 

Lối tổ chức thi này rất phổ biến, và có cách kiểm soát tiêu cực ở các trung tâm thi.  Với khả năng kỹ thuật hiện nay, thi trên vi tính hoàn toàn có thể làm được.
 
Thứ tư, cần thiết kế hệ thống liên thông toàn bộ giữa các đại học, cao đẳng và cao đẳng với đại học. Hiện nay chúng ta còn đang lúng túng ở khâu này, sinh viên được phép chuyển trường, còn nhận hay không là do tiêu chí  yêu cầu mỗi trường. 

Thứ năm, khuyến khích thành lập hội đoàn giữa các trường với nhau, có thể từ 5-30 trường cùng đẳng cấp, mục tiêu, quan điểm và khuynh hướng giáo dục .. mục đích là để chia sẻ, hỗ trợ, tự kiểm soát và đánh giá, thi đua và cạnh tranh với nhau nếu cần, ví dụ như Hội đoàn Ivy league của Mỹ.

Thứ sáu, có đề xuất cho rằng từ tiểu học đến trung học chỉ cần 11 năm, thậm chí 10 năm, tôi không cho đây là ý tưởng hay vì gần 100 nước, hầu hết các nước có nền tiên tiến nhất thế giới thiết kế chương trình (tiểu học - trung học) 12 năm. 

Nếu chương trình của ta ít hơn 12 sẽ tạo ra sự chông chênh cho việc du học hay liên kết với các chương trình nước ngoài. Nhưng vấn đề chính ở đây là thiết kế chương trình giáo dục thế nào cho phù hợp trong khoảng thời gian và không gian, đủ để trang bị cho học sinh (con người) có đủ trí tuệ, thể lực, trải nghiệm để trưởng thành, chứ không đơn thuần là học.

Khi chương trình giáo dục được xây dựng cân đối với sinh hoạt khác, thì tôi cho chương trình 12 năm là vừa. Mục tiêu lâu dài của chúng ta là đạo tạo và xây dựng một con người có tư duy, trí tuệ và văn hóa, thể lực, năng khiếu, học lực và trải nghiệm thực tế để có thể tự phán đoán, quyết định cho chính tương lai mình.   

Nếu khai thác đúng, tinh thần hiếu học của Việt Nam ta là tài sản vô giá để phát triển đất nước. Tuy nhiên, tinh thần này cũng đã bị mai một trong thời gian khá dài do các hiện tượng tiêu cực của xã hội, như bệnh bằng cấp, bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục càng ngày càng trầm trọng, gây trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của đất nước.

Cũng với tinh thần và truyền thống hiếu học này, con cái của người Việt (Việt Kiều) ở nước ngoài, đặt biệt là Mỹ, tận hưởng được nền giáo dục tiên tiến và có tính ứng dụng cao. Con cái người Việt, phần lớn rất thành công và vượt trội hơn cả người bản xứ dù chỉ trong thời gian ngắn. Gần đây nhất là sự nổi trội của các du học sinh.

Điều đó đã nói lên rằng, nếu người Việt chúng ta có được một môi trường giáo dục tốt, thiết thực và ứng dụng cao, kết hợp với tinh thần hiếu học sẵn có thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng bắt kịp, nếu không nói vực qua các nước trong khu vực trong thời gian không xa. 

PV: Một câu hỏi có tính tham khảo, được biết, ông đã từng có 10 năm làm tư vấn tuyển sinh cho trường ĐH Havard (Mỹ), ông thấy trong khâu tuyển sinh của chúng ta hiện nay có điều gì còn bất cập?

Ông Trần Đức Cảnh: Các trường đại học của Mỹ không chọn sinh viên qua kỳ thi tuyển như ở Việt Nam mà là xét tuyển.  Xét tuyển bao gồm các tiêu chí yêu cầu: điểm 4 năm trung học (lớp 9-12); kỳ thi Scholastic Assessment Test I (SAT) và SAT II (2-3 môn học) hay American College Testing (ACT); 2-3 thư giới thiệu của Giáo viên và/hay người hướng dẫn bậc Trung học, 2-3 bài luận văn (essay) trong đơn xin học và phỏng vấn. Nếu là ứng viên nước ngoài thì yêu cầu phải nộp điểm thi TOEFL. Các trường hàng đầu thì các tiêu chuẩn chọn rất gắt gao, các trường thấp thì chỉ yêu cầu 2 tiêu chí.

Hầu hết học sinh tốt nghiệp Trung học đều có thể được nhận vào một trong 4.000 trường cao đẳng, đại học của Mỹ, đẳng cấp và khác biệt giữa các trường khá lớn, do đó sự cạnh tranh để vào các trường hàng đầu nước Mỹ rất khốc liệt. Tỷ lệ nhận từ 6% đến 100% số đơn nộp.

Mục đích của tuyển sinh là để chọn các ứng viên có khả năng thành công về học thuật và phù hợp với văn hóa chung của từng trường.

Ở Việt Nam, nền giáo dục khoa bảng từ thời xưa đã đặt quá nặng chuyện thi cử, tôi cho là quá phung phí nguồn lực mà hiệu quả cho xã hội không được bao nhiêu. Nếu chỉ căn cứ hoàn toàn trên điểm thi để chọn một ứng viên thì có thể chúng ta chưa hiểu hết về ứng viên đó, tư duy và cách sống có phù hợp với văn hóa của trường, chưa kể rủi ro trong chuyện thi cử. Nhìn chung hệ thống giáo dục nước ta hiện nay đang lái học sinh vào cái guồng thi cử, bằng cấp, phần lớn là học để thi, để có bằng cấp chứ không phải học để hiểu, để có khả năng ứng dụng tốt vào công việc và cuộc sống. 

Điểm thi có thể chỉ nói lên một phần về ứng viên, các phần khác như sở thích, năng khiếu, tư duy, ý chí, trãi nghiệm, thể lực..., rất quan trọng trong việc đánh giá tiềm năng một ứng viên về sự thành công lâu dài. ĐH Harvard đánh giá tiềm năng một ứng viên, và điểm học và thi chỉ là một phần của việc xét tuyển.  

Trân trọng cám ơn ông.

Xuân Trung (thực hiện)