Dự thảo Nghị định tự chủ cởi mở trên chữ nghĩa, trói buộc trong thực tế

07/11/2019 06:38
Tùng Dương
(GDVN) - Yêu cầu đưa ra quy mô đào tạo chính quy, trong khi mới đây bộ cho rằng bằng chính quy, tại chức…có giá trị như nhau, vậy sao còn đưa đào tạo chính quy vào đây?

Tiếp theo bài trước: Trường đại học cần được tham gia quá trình xây dựng Luật.

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nói:

"Quy định với các trường đại học phải có tên viết tắt bằng tiếng Anh, rồi đến tên trường đầy đủ, chính điều này phạm vào điều phía sau làm cho người thực hiện khó hiểu, nhầm lẫn và cũng phạm vào thông lệ quốc tế.

Bên trên là mục A là theo thông lệ quốc tế thì ngay dưới mục B hướng dẫn là đã đảo lộn hết, không theo theo thông lệ quốc tế. Tôi thấy thông lệ quốc tế họ đâu có làm như vậy, mục A và mục B đã có mâu thuẫn rồi. Ở đây phải làm rõ ràng.

Trong khi yêu cầu (của Dự thảo) Nghị định này là không được làm cho người đọc nhầm lẫn và phải theo thông lệ quốc tế."

Mời quý vị độc giả theo dõi video: Dự thảo Nghị định tự chủ cởi mở trên chữ nghĩa, trói buộc trong thực tế.

"Vấn đề tiếp theo là không được gây nhầm lẫn về "đẳng cấp", tôi thấy trong này dùng từ "đẳng cấp" mang nặng tính giai cấp, tầng trên tầng dưới…

Mọi thứ đều quy định bằng văn bản, có sự chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp, hoặc cơ quan quản lý có thẩm quyền…ở đây phải rõ ràng ra là của ai, cơ quan nào?

Trong văn bản này chỗ thì viết theo quy định của pháp luật, phù hợp theo quy định của pháp luật, theo quy định của nhà nước…tôi yêu cầu phải viết rõ theo luật nào? Như vậy là (Dự thảo) Nghị định này và cả luật nữa, nó cởi mở trên chữ nghĩa nhưng trói buộc trên thực tế.

Xóa cơ chế chủ quản phải đấu tranh lâu dài, vì dịch chuyển quyền lực không dễ

Hai đối tượng mất đặc quyền, không muốn trường đại học tự chủ

Các trường đại học cứ tự chủ đi, rồi tự khắc sẽ có tiền

Tất cả các luật của ta từ Luật Viên chức, Luật (Cán bộ -) công chức…đều là luật cũ và không theo kịp tinh thần của Luật 34, vậy mà lại hướng dẫn phải theo những luật cũ kia, vậy thì khác nào nói các trường đừng có tự chủ nữa.

Tôi có cảm giác như người viết cố tình tạo ra khoản “mờ”  để duy trì cơ chế xin cho, buộc phải xin phép…

Việc chuyển trường đại học thành đại học cũng vậy, các trường đại học ở trong Đại học Quốc gia nếu đủ tiêu chuẩn thì liệu học có thể chuyển thành một trường đại học mới hay không? Hay cái này chỉ dành cho các trường không thuộc Đại học Quốc Gia? Điều này phải nói rõ.

Các con số đưa ra ít nhất 3 trường, ít nhất 10 ngành, có quy mô đào tạo chính quy trên 15 nghìn người…theo tôi việc này phải đưa ra cơ sở khoa học của những con số đó.

Việc yêu cầu đưa ra quy mô đào tạo chính quy, trong khi mới cách đây khoảng 1 tháng thì Bộ cho rằng bằng chính quy, bằng tại chức…có giá trị như nhau, vậy còn đưa đào tạo chính quy vào đây làm gì nữa? Vậy ở câu này có mâu thuẫn.

Dự thảo Nghị định nếu không sửa sẽ bó các trường đại học ghê gớm

Dự thảo Nghị định nếu không sửa sẽ bó các trường đại học ghê gớm

Việc phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp…có rất nhiều đoạn lặp lại như vậy là không chuẩn.

Ở mục 4 có viết: Có ít nhất 5 ngành, ít nhất 3 ngành, đào tạo chính quy 2 nghìn người trở lên…vậy cơ sở khoa học của nó là gì? Trong thực tế những trường đang tồn tại rồi mà họ chưa đạt được chỉ số này, thì có xóa bỏ trường không?

Trong Nghị quyết 19 (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017) có chuyện sát nhập, giải thể, xóa bỏ các trường đại học. Những tinh thần cởi mở và đi tiên phong của Nghị quyết 19 không hề được thể chế hóa trong (Dự thảo) Nghị định này.

Đặc biệt, ngày 1/10/2018 Báo Nhân Dân có đăng bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, có nêu rõ: Phải đào tạo cho sinh viên đại học tư duy phản biện, tư duy phê phán.

Vậy nhiệm vụ của Tổng Bí thư - Chủ Tịch nước đã giao lại không hề được đả động gì đến trong (Dự thảo) Nghị định này."

Ngày 28/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Tới dự Tọa đàm có Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.

Tùng Dương