Dừng chủ trương thu học phí trái tuyến vì không có cơ sở pháp lý

07/06/2017 06:00
Trương Lê
(GDVN) - Huế dự kiến sẽ thu học phí đối với học sinh trái tuyến từ 5-15 triệu đồng/học sinh nhưng chủ trương này lại không có cơ sở pháp lý nên buộc phải dừng lại.

Trước tình trạng các trường học tại khu vực nội đô Huế có nguy cơ “vỡ trận” vì học sinh trái tuyến, năm 2014, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định chấm dứt việc nhận học trái tuyến.

Ông Phan Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế thừa nhận việc thu tiền học trái tuyến là không có cơ sở pháp lý. Ảnh: TL
Ông Phan Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế thừa nhận việc thu tiền học trái tuyến là không có cơ sở pháp lý. Ảnh: TL

Đến tháng 4/2017, Ủy ban nhân dân thành phố Huế ban hành văn bản chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Tài chính - kế hoạch và phòng Nội vụ triển khai xây dựng đề án mang tên “xây dựng đề án thí điểm thực hiện tự chủ tài chính một phần và toàn bộ đối với một số trường học trên địa bàn, nhất là các trường trọng điểm ở trung tâm thành phố có nhiều học sinh trái tuyến”.

Dừng chủ trương thu học phí trái tuyến vì không có cơ sở pháp lý ảnh 2

Đà Nẵng cấm tuyển sinh trái tuyến nhưng siết chỗ này, phình chỗ khác

(GDVN) - Sau một thời gian siết tuyển sinh trái tuyến, nhiều trường trung tâm Đà Nẵng bắt đầu tụt giảm số lượng học sinh, dư dôi phòng học, phải điều chuyển giáo viên..

Theo như chương trình xây dựng của đề án này thì các cơ quan nói trên sẽ triển khai phương án thu tiền đối với các phụ huynh có nhu cầu cho con mình học trái tuyến.

Việc thu tiền trái tuyến sẽ được thực hiện đối với 100% trường hợp phụ huynh có nhu cầu cho con em vào học ở cả 3 cấp (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở).

Định mức thu từ 5 đến 15 triệu đồng, tùy vào uy tín của nhà trường và cấp học của học sinh). Số tiền thu được sẽ được dùng để mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học của nhà trường.

Dự định thu tiền học trái tuyến của Huế đã phát sinh nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều nhau.

Một số phụ huynh có điều kiện về kinh tế cho rằng, việc Ủy ban nhân dân thành phố Huế đưa ra chủ trương nói trên là khá hợp lý.

Theo lý giải của những người này thì những năm trước đây, muốn “chạy” vào một trường trái tuyến thì số tiền bỏ ra lên đến vài chục triệu đồng.

Vì vậy, số tiền mà phòng giáo dục thành phố đưa ra thấp hơn nhiều so với “chạy chui”.

Ngược lại, một số phụ huynh phản đối, bởi việc ban hành văn bản nói trên sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng.

Theo đó, chỉ có người giàu mới theo học được ở các trường nội đô, trường chất lượng, trong khi cơ hội dành cho người nghèo lại rất ít.

Ông Phan Nam - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế cho biết, việc thu tiền học trái tuyến xuất phát từ việc có nhiều trường đã thu khoản tiền này. Ngoài ra, phòng chủ trương thí điểm đề án này nhằm mục đích hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh như: chạy trường, chạy lớp…

Cũng theo ông Nam, sau khi đề án được đưa ra có 11 trường, từ bậc mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn thành phố đã được triển khai. Trong đó, các trường ở trung tâm thành phố có mức đóng cao hơn.

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, ông Nam thừa nhận việc thu tiền như vậy là không có cơ sở. Do đó, phòng chưa thể ký văn bản đồng ý cho các trường thu.

“Vì không có cơ sở pháp lý nên ngay cả thành phố cũng chưa ký công văn cho thu tiền học trái tuyến được mà phải qua hội đồng nhân dân tỉnh”, ông Nam cho biết.

Đại diện phòng giáo dục thành phố Huế cũng khẳng định, việc thu học phí trái tuyến mới chỉ dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu.

“Nếu không thực hiện trong năm này thì những năm tiếp theo chưa biết thế nào, có thể sẽ triển khai tại một trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố” ông Nam nói.

Trương Lê