Đúng là dạy thêm chính khóa đang bào mòn niềm tin về giáo dục

16/09/2020 06:40
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đổi mới, thay đổi kiểu gì mà còn dạy thêm tràn lan như hiện nay là không đạt được mục tiêu cao cả của giáo dục trong giai đoạn mới.

Ngày 15/9/2020, trên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài viết “Trường nào có dạy thêm, trường đó có thêm nhiều điều phức tạp!” của tác giả Lê Văn Minh nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả trong cả nước.

Tôi rất tâm đắc và đồng ý với ý kiến của tác giả bài viết trên. Tác giả đã viết “Trong đó, điều đáng buồn là nội bộ của một số tổ chuyên môn, nhà trường có thêm những điều phức tạp trong mối quan hệ giữa các thầy cô dạy thêm với nhau và cả với những thầy cô không dạy thêm.”

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn.

Những mâu thuẫn đó nó diễn ra hàng ngày, gây mất đoàn kết nội bộ, gây áp bức, áp lực lên học sinh, gây bức xúc trong nhân dân, phụ huynh.

Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới cách đánh giá học sinh, đổi mới điều lệ trường học,… biết bao nhiêu thứ đổi mới, tốn rất nhiều tiền ngân sách (thực chất là từ tiền thuế của dân) nhưng học sinh vẫn học thêm cả ngày lẫn đêm, vẫn còn đó bất công, áp bức,… đó là sự thất bại của đổi mới.

Tôi xin được phép nêu thêm việc dạy thêm đã làm bào mòn đi niềm tin về nền giáo dục vốn đã chưa cao trong thời điểm hiện nay.

Tôi cho rằng đổi mới, thay đổi kiểu gì mà còn dạy thêm tràn lan như hiện nay là không đạt được mục tiêu cao cả của giáo dục trong giai đoạn mới.

Muốn chương trình giáo dục mới đi vào thực chất, có hiệu quả thật sự thì phải giảm bớt áp lực học tập, đó chính là giảm việc dạy thêm thu tiền, giảm học thêm.

Còn dạy thêm chính khóa sẽ khó đạt được mục tiêu giáo dục

Cụ thể, tại Điều 2 Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/07/2020) quy định về mục tiêu giáo dục, cụ thể như sau:

“Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.”

Mục tiêu giáo dục là cao cả, lý tưởng và rõ ràng nhưng nếu còn dạy thêm sẽ rất khó để đạt được các mục tiêu được phân tích dưới đây

Nhiều trường hợp dạy thêm làm cho học sinh ỷ lại vào học thêm, không sáng tạo, thiếu sự nổ lực cố gắng, phấn đấu,… biến học sinh thành cái “máy học” do đó sẽ không đạt được mục tiêu có đạo đức, có văn hóa, có tri thức, có phẩm chất và năng lực.

Việc học sinh hiện nay đang dần thực hiện theo chương trình mới phấn đấu 2 buổi/ngày, việc học sinh phải học cả ngày ở trường, chiều tối hay chủ nhật phải học thêm sẽ hết thời gian để học sinh tham gia thể dục thể thao, tham gia các lớp bồi dưỡng năng khiếu, thẩm mỹ,… do đó sẽ không đạt được mục tiêu có sức khỏe, thẩm mỹ.

Việc học thêm quá đà cũng sẽ khiến học sinh coi như mình là thượng đế, bỏ tiền ra mua kiến thức, đạt nhiều điểm ảo, coi thường bạn bè, coi thường thầy, cô,… nên sẽ không đạt được mục tiêu có đạo đức, có văn hóa, có lý tưởng,…

Học sinh học thêm nên sẽ khiến cho việc sáng tạo trong học tập, tự học từ đó mà sa sút, học sinh có thể đạt điểm cao hơn nhưng sự sáng tạo bị mất đi, lệ thuộc vào học thêm,…nên mục tiêu phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân sẽ khó mà đạt được.

Học sinh học thêm thì khó mà giỏi thật sự, khó mà có những kiến thức chuyên sâu, nhớ lâu, không có điều kiện trải nghiệm, nghiên cứu khoa học,… nên mục tiêu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế cũng khó mà đạt được.

Như vậy, việc dạy thêm tràn lan như hiện nay thì việc đạt được các mục tiêu sắp tới là điều rất khó. Rất mong Bộ trưởng lưu tâm.

Quản lý kiểu nào cho hiệu quả

Giáo viên nào khi bàn về công việc thì cũng nhận thấy sự vất vả, khó khăn của nghề ngoài việc giảng dạy trên lớp, giáo dục học sinh thông qua công tác chủ nhiệm, giáo dục đạo đức, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp, hướng dẫn học sinh lao động, bản thân giáo viên tham gia các kỳ thi, ôn tập học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, soạn giáo án, ra đề kiểm tra, chấm bài, phụ đạo học sinh yếu kém,… với ngần ấy công việc nếu làm hết sức mình giáo viên đã rất “đuối” còn sức đâu để mà dạy thêm.

Có thể thấy để dạy thêm mà dạy thêm nhiều, thì bản thân giáo viên sẽ phải tự xén bớt công việc trên lớp, trong trường để dành sức dạy thêm thu tiền bên ngoài, đó là một thực tế có thật.

Người viết cho rằng, hiện nay kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2499/2019/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17 về dạy thêm học thêm, cứ ngỡ giáo dục sẽ hạn chế dạy thêm tràn lan nhưng sự thật việc dạy thêm được công khai, lộ liễu hơn.

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hầu như khoán việc cấp phép kinh doanh dạy thêm cho Sở/Phòng kế hoạch đầu tư thì bất kỳ cá nhân nào chỉ cần có giấy phép kinh doanh dạy thêm và hợp đồng với giáo viên, là giáo viên đó được bán hay kinh doanh kiến thức.

Dạy thêm được cấp giấy phép kinh doanh tức là thừa nhận nó là một nghề, vậy giáo viên dạy trong trường là nghề giáo, vậy dạy ở trung tâm bên ngoài là nghề giáo dạy thêm hay giáo viên bán kiến thức.

Tôi cho rằng, việc dạy thêm cũng là một nhu cầu có thật của một số phụ huynh, của một số học sinh. Còn nhiều học sinh thì chủ yếu là do o ép, do điểm số hoặc do phong trào học cho vui,…

Tuy nhiên, nếu giáo viên dạy học sinh chính khóa hay giáo viên đang hưởng lương dạy thêm là vô cùng bất cập, khiến môi trường giáo dục méo mó.

Nên tôi cho rằng, phải cấm tuyệt đối giáo viên hưởng lương dạy thêm (hoặc chỉ cho dạy thêm ở trường khác)

Các cơ sở dạy thêm vẫn tồn tại tuy nhiên chỉ cho giáo viên về hưu, giáo viên khác (đã nghỉ dạy hoặc chưa có việc làm) giảng dạy,

Có thể mọi người cho rằng những người đó có thể không nắm chương trình, sức học học sinh dạy không hiệu quả, tuy nhiên điều đó là rất ít, học sinh sẽ biết được giáo viên dạy thêm có giỏi hay không, xã hội sẽ thừa nhận, còn việc tiếp cận chương trình thì mỗi năm sở sẽ buổi tập huấn chương trình cho các giáo viên đó để nắm bắt chương trình, chất lượng nâng lên.

Khi đó, mọi giáo viên sẽ tập trung 100% sức lực vào giảng dạy, giáo dục học sinh để nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Nếu giáo viên cảm thấy thu nhập từ lương không đủ sống, thu nhập từ dạy thêm bên ngoài tốt hơn, có thể xin nghỉ dạy để ra ngoài dạy thêm.

Tránh tình trạng dạy “tàng tàng” trên lớp, để dành sức dạy thêm thu tiền “tươi”, cũng như khiến môi trường giáo dục méo mó.

Khi đó bất công trong giáo dục sẽ mất đi, những mục tiêu cao cả của giáo dục sẽ bắt đầu được thực hiện có hiệu quả và lâu dài, lúc này giáo dục sẽ thành công.

BÙI NAM