Fan cuồng, sự "vụng dại" tạm thời hay "vũ điệu giận dữ"?

19/07/2012 06:01
Lê Ngọc Dương Cầm
(GDVN) - TS. Huỳnh Văn Sơn: "Đòi Bộ Giáo dục xin lỗi là cách thể hiện của một số người không thích nghe sự thật. Nhưng có lẽ đó chỉ là sự vụng dại tạm thời, hay một vũ điệu của cơn giận. Ai cũng sẽ lớn và khi người ta lớn sẽ cảm thấy thời thơ ấu của mình ngây thơ thế".
Câu chuyện Fan cuồng tẩy chay đề thi Văn Đại học khối D của một cư dân mạng một lần nữa khiến cho nhiều ông bố, bà mẹ giật mình về những suy nghĩ bất thường của những đứa con đang ở tuổi chập chững vào đời. Báo GDVN đã có cuộc trao đổi với TS. Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn để giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn tâm lý con cái xoay quanh chuyện thần tượng.

- Thưa TS. Huỳnh Văn Sơn, trong đề thi Văn khối D đợt thi Đại học vừa qua, có câu: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là thảm họa". Ông có cho rằng đây là hồi chuông thức tỉnh giới trẻ, đặc biệt là các bạn thí sinh sắp bước vào ngưỡng cửa Đại học? Ông nghĩ sao khi trên các diễn đàn, có nhiều ý kiến phản đối đề thi, thậm chí yêu cầu Bộ Giáo dục xin lỗi vì dám... xúc phạm đến thần tượng của họ, cũng như lập nhiều diễn đàn đại loại như Hội những người tẩy chay đề thi của Bộ Giáo dục?
T.S Huỳnh Văn Sơn: Đòi Bộ Giáo dục xin lỗi là cách thể hiện của một số người không thích nghe sự thật. Nhưng có lẽ đó chỉ là sự vụng dại tạm thời, hay một vũ điệu của cơn giận. Ai cũng sẽ lớn và khi người ta lớn sẽ cảm thấy thời thơ ấu của mình ngây thơ thế!
Điều cần xem xét đó là chúng ta đã làm gì để giới trẻ có định hướng đúng trong việc lựa chọn thần tượng?
Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng bản thân tôi chưa đủ thời gian và chưa đầu tư sức lực để làm tốt nhiệm vụ định hướng giá trị cho giới trẻ hay một nhóm nào đó về vấn đề này. Ở một góc nhìn khác, sao chúng ta không nghĩ rằng sẽ có nhiều người khác âm thầm ủng hộ đề thi, ủng hộ những lời nói thật về văn hoá thần tượng?
TS. Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn
TS. Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn
Ông có lo lắng trước hiện tượng sùng bái các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ Hàn Quốc của một bộ phận giới trẻ?
T.S Huỳnh Văn Sơn: Trong cuộc sống, ai cũng có một thần tượng nào đó, có thể là người thân của chính mình hay một người nổi tiếng, một nhà lãnh đạo tài ba, một nghệ sĩ, diễn viên hay chỉ là một nhà từ thiện luôn hết mình vì cộng đồng. Tuy nhiên, nếu đó là sự thần tượng vừa phải, thần tượng một cách rất thông minh thì không hẳn phải lo lắng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bạn trẻ thần tượng một nhóm nghệ sĩ, một nhóm diễn viên mà thiếu sự cân nhắc hay suy xét thì thực sự đáng lo lắng, chứ không đơn giản là trăn trở.
Việc thần tượng một số nghệ sĩ của Hàn Quốc cho thấy văn hoá Hàn đang chi phối nếu như không muốn nói là “kiểm soát” sự lựa chọn giải trí của một nhóm bạn trẻ. Về bên ngoài, không là lớn chuyện nhưng qua biểu hiện này cho thấy một thực tế sâu xa: định hướng thần tượng cho giới trẻ đang có vấn đề, đời sống giải trí có biểu hiện phần nào của sự thiên lệch, sự thẩm thấu văn hoá thiếu tính dài hơi...
- Giả sử con ông rất sùng bái một ngôi sao Hàn Quốc nào đó, ít quan tâm đến ông (dù chỉ đơn giản là một lời yêu thương), ông có chạnh lòng?

T.S Huỳnh Văn Sơn: Chạnh lòng thì không hẳn nhưng buồn thì chắc chắn là có. Đơn giản là không có sự công bằng. Tôi luôn muốn hướng đến sự “biết điều” với nhau và sự “công bằng” trong quan hệ và đối xử. Cần nên hiểu những từ này theo nghĩa tích cực nhất của nó. Tại sao phải vô tâm với nhau như thế trong cuộc sống?
Tôi muốn con cái hay chính người thương yêu mình phải biết khóc vì nhau, biết thương yêu nhau một cách đích thực bằng tâm trí và hành động. Nếu thực sự cần nhau, hãy làm những gì cụ thể nhất, giản đơn nhất, gần gũi nhất và việc công bằng với nhau là điều tôi luôn muốn hướng đến.

- Đứng dưới trời mưa hàng giờ để được thoáng nhìn các thành viên nhóm nhạc Super Junior, gào thét tên họ, bỏ cả việc làm, học hành... Thậm chí còn có những hành động như: hôn chiếc ghế Bi Ranin vừa... đặt đít ngồi, hay sẵn sàng hiến dâng trinh trắng để được tấm vé đi xem thần tượng... Tiến sĩ có thể phân tích nguồn cơn những hành động điên rồ này của một bộ phận giới trẻ?
 T.S Huỳnh Văn Sơn: Dước góc độ tâm lý học, thần tượng là người được người khác tôn vinh, ngưỡng mộ và yêu mến vì một hay nhiều đặc điểm nổi trội nào đó, phù hợp với đặc điểm tâm lý của người hâm mộ. Vì thế, thần tượng của giới trẻ mà đặc biệt là học sinh THPT lại là những người nổi tiếng. Thực chất người nổi tiếng có nhiều điểm đáng để ngưỡng mộ và trân trọng. Người nổi tiếng có một số phẩm chất trở thành điểm đến cần phát huy...
Không thể cho rằng đó là những biểu hiện bất thường về thần kinh nhưng đó là nguồn cơn của những hành vi lệch chuẩn hay những hành vi quá khích. Căn nguyên của vấn đề đó chính là sự nhận thức hời hợt, sự thiếu kiểm soát của cá nhân cũng như sự giản đơn trong việc ứng xử của chính mình.
<>

<>

Lê Ngọc Dương Cầm