Tốt nghiệp gần cả năm vẫn chưa được nhận bằng
Đến nay, gần 4.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tốt nghiệp các đợt từ tháng 5/2021 vẫn chưa được nhận bằng vì trường thiếu hiệu trưởng.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh- người phụ trách của trường đại học này cho biết, cho hay từ 1/5/2021 đến nay Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có hai đợt tốt nghiệp nhưng sinh viên chưa được cấp bằng. Trong số đó, số lượng sinh viên đại học chính quy chưa được cấp bằng từ đợt xét tốt nghiệp tháng 5/2021 đến nay là 2.572 sinh viên, hệ vừa làm vừa học là 1.217 người. Ngoài hệ đại học còn các hệ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cũng đã tốt nghiệp và đến thời hạn nhận bằng vẫn chưa được cấp.
Sinh viên năm cuối trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh học thực hành (ảnh: Lê Tiên) |
“Khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là sinh viên chưa nhận được bằng vì chưa có hiệu trưởng. Nhà trường cũng đã làm hết sức cho sinh viên, tuy nhiên đây là vấn đề khó khăn gặp phải lúc này ở trường”- ông Thịnh nói.
Vào tháng 1/2022, trường đại học này đã có thông báo “trấn an" sinh viên sau khi có nhiều người học đề nghị cấp bằng tốt nghiệp. Trong thông báo cho biết “hiện nay nhà trường chưa có quyết định công nhận hiệu trưởng nên chưa thực hiện việc cấp, phát bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ theo kế hoạch dự kiến”.
Thay vào đó, nhà trường sẽ tổ chức cấp, phát chứng nhận tốt nghiệp cho tất cả các học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên đã được công nhận tốt nghiệp trong thời gian trên. Chứng nhận tốt nghiệp có giá trị sử dụng thay thế cho văn bằng tốt nghiệp chính thức trong thời gian nhà trường kiện toàn nhân sự.
"Nhà trường cam kết sẽ đảm bảo tối đa các quyền lợi hợp pháp của người học, hỗ trợ về việc xác minh thông tin đã tốt nghiệp cho các công ty, doanh nghiệp, tổ chức mà người học của trường đang công tác khi có nhu cầu", thông báo của nhà trường nhấn mạnh.
Vụ việc này xảy ra từ khi Phó giáo sư- tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng nhà trường hết tuổi quản lý từ ngày 1/5/2021. Trước khi ông Dũng hết tuổi quản lý, Hội đồng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có đề nghị lên Bộ Giáo dục và đào tạo công nhận tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, làm hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020-2025, sau khi đã trải qua quy trình lựa chọn cán bộ. Quyết nghị của Hội đồng trường đại học này lúc đó giao ông Nguyễn Trường Thịnh phụ trách trường từ ngày 1/5 cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng của Bộ Giáo dục.
Tuy nhiên sau đó Bộ Giáo dục và đào tạo không công nhận Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo đề nghị của Hội đồng trường này và đề nghị Hội đồng trường xem xét trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng trường.
Sau đó, ông Ngô Văn Thuyên, người tái đắc cử Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025 đã gửi đơn từ chức với lý do sức khoẻ không tốt. Có 12/13 thành viên Hội đồng trường đồng ý với việc thôi chức của ông Thuyên. Ngày 10/3 mới đây, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành quyết định công nhận miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường đối với ông Ngô Văn Thuyên.
Thiếu nhiều vị trí chủ chốt thời gian dài
Hiện tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thiếu nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt như: Chủ tịch Hội đồng trường, Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng, hiệu phó, Trưởng phòng đào tạo. Phụ trách trường tạm thời là Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy và trường chỉ có 1 hiệu phó.
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: website nhà trường) |
Một cán bộ công tác tại trường đại học này chia sẻ do có tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh được giao phụ trách trường thì các công việc như tuyển sinh, lương bổng cho cán bộ, giảng viên, chất lượng đào tạo vẫn được duy trì. Tuy nhiên ảnh hưởng lớn nhất là gần 4.000 sinh viên tốt nghiệp trong đó có nhiều em tốt nghiệp gần 1 năm đến nay chưa được cấp bằng. Dù nhà trường đã cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời cho các sinh viên đi xin việc, nhưng nhiều đơn vị yêu cầu bổ túc hồ sơ công chức bản chính quy khiến nhiều em thiệt thòi khi đi làm.
Bên cạnh đó, do thiếu nhiều vị trí chủ chốt nên các kế hoạch chiến lược của nhà trường gần như phải dừng lại 1 năm qua. Ngoài ra việc tuyển sinh chất lượng sẽ quyết định nhưng thiếu dàn lãnh đạo cấp cao phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh, phụ huynh.
Trường đại học tự chủ thì vấn đề tái đầu tư cho sinh viên đang học rất quan trọng nhưng hiện tại không có ai đứng ra ký kết các hợp đồng, trang bị thiết bị đầu tư cho sinh viên học. Đồng thời thiếu bộ máy lãnh đạo khá dài khiến tâm tư của cán bộ giảng viên lo lắng, làm việc cầm chừng…
Liên quan đến việc kiện toàn bộ máy quản lý của nhà trường, tiến sĩ Nguyễn Trường Thịnh cho biết do đến ngày 10/3 Bộ Giáo dục mới có quyết định đồng ý cho Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Thuyên thôi chức vụ Chủ tịch hội đồng trường.
Hiện nay, Bộ Giáo dục cũng vừa có công văn 5900 để thực hiện kiện toàn bộ máy lãnh đạo của trường. Thời gian sắp tới trường sẽ thực hiện từng bước những quy trình để kiện toàn bộ máy, hi vọng sớm giải quyết những vấn đề tồn đọng tại trường gần 1 năm qua.