Gặp kế toán “thủ kho to hơn thủ trưởng”!

15/01/2020 06:11
Lê Mai
(GDVN) - Vai trò của kế toán trong trường học rất quan trọng, hoạt động tài chính nếu được công khai, minh bạch hàng tháng vừa đảm bảo dân chủ, đảm bảo khối đoàn kết...

Nhận được lời giới thiệu của trưởng phòng giáo dục “Thầy, em giới thiệu thầy với một kế toán “thủ kho to hơn thủ trưởng”, kế toán này giáo viên yêu mến, hiệu trưởng nào mới lên chức đều muốn có; thầy gặp anh ấy xem, thú vị lắm”.

Thế rồi tôi cũng đến nơi trường anh ấy công tác, anh bảo vệ nghe tôi nói muốn gặp kế toán Ch., nhiệt tình gọi điện cho Ch.; nghe vậy Ch. hẹn tôi cùng ra quán café nói chuyện.

Té ra anh ấy là cựu chiến binh chiến trường K., chất lính vẫn trào dâng trong cái bắt tay nồng nhiệt. Bàn tay trái mất phân nửa, đã gửi nơi đất bạn.

Khi kế toán là … chủ tài khoản?
Khi kế toán là … chủ tài khoản?

“Này, chuyện cho vui, không viết gì về mình nha; cựu chiến binh, vì nhân dân quên mình, vì giáo viên hy sinh, vì học sinh cống hiến; bình thường thôi, giữ đúng bản chất anh thương binh, anh bộ đội Cụ Hồ, thế thôi”.

Anh kể cho tôi nghe chuyện từ chối chi “phụ cấp đứng lớp” cho một hiệu trưởng “À, chuyện anh S. hiệu trưởng bị thu hồi mấy năm phụ cấp đứng lớp; người không biết, họ bảo mình tố cáo; thực tình không phải vậy.

Mình luân chuyển về trường, thấy S. không có đứng lớp trong phân công chuyên môn; làm bảng lương, mình cắt phụ cấp đứng lớp; S. không duyệt cho cả trường, lương trễ; S. xúi giáo viên tố cáo đích danh mình “Không kịp thời làm lương cho giáo viên”.

Thanh tra về, mình làm đúng, S. phải thu hồi mất mấy trăm triệu tiền “phụ cấp đứng lớp” của mấy năm trước và bị giáng chức.

Mình cũng bị mấy hiệu trưởng gán cho “Thủ kho to hơn thủ trưởng”! Những khoản chi không đúng sự thật hay mua hàng “bóp cò nâng giá” mình từ chối thanh toán.

Giáo viên đề nghị cấp kinh phí để phục vụ cho giảng dạy, mình tư vấn cho hiệu trưởng, nếu hiệu trưởng không chi là mình có “ý kiến” liền, giáo viên thích lắm.”

Vai trò của kế toán trong trường học rất quan trọng. (Ảnh minh họa trên Tapchitaichinh.vn)
Vai trò của kế toán trong trường học rất quan trọng. (Ảnh minh họa trên Tapchitaichinh.vn)

Tôi hỏi “Thế anh có tham mưu lạm thu không?”; Ch. cười vui vẻ “Đúng là từ khóa của mấy ông nhà báo viết về giáo dục; thu cái gì, mình đề nghị chiết tính rõ ràng; mua cái gì phải tham khảo giá thị trường theo sỉ chứ không bán lẻ, không hoa hồng.

Vì vậy mức thu của trường mình cứ thấp hơn trường khác 30% trở lên. Mình làm đâu, trường đó đảm bảo thu đúng, không thể có lạm thu được”.

“Thế Tết nhất có quà cáp lãnh đạo không?”;  “Mấy kế toán khác bảo mình thương binh, sợ chi ai; thật ra mình quan hệ với mọi người bình đẳng; quan không sợ, lính không khinh.

Mình làm đúng nên chả phải quà cáp biếu xén, nếu có tặng quà cho ai, là tình cảm tôn trọng, là tiền túi, tuyệt đối không phải “tiền chùa”; hiệu trưởng nếu đưa hóa đơn đi Tết cấp trên nhờ “hợp thức hóa” mình từ chối thẳng.

Mình làm kế toán với một suy nghĩ: “Đầu đội nguyên tắc, vai mang chứng từ”.

“Nghe trường anh năm ngoái tiền Tết dưới đáy, giáo viên vẫn vui vẻ; năm nay lại cao nhất huyện, tại sao vậy?”.

“Mình công khai từng phiếu chi mỗi tháng cho thanh tra nhân dân, công đoàn, giáo viên giám sát; năm ngoái hoạt động quá nhiều, nên hết tiền, giáo viên vẫn vui, không ai phàn nàn; mình phải đi xin tài trợ cho giáo viên mỗi người hai triệu ăn Tết.

Năm nay, hoạt động ít hơn, dư nhiều, nên thưởng Tết nhiều.”

Cuối năm, kế toán bật khóc khi thấy hiệu trưởng thả tập phiếu chi trước mặt
Cuối năm, kế toán bật khóc khi thấy hiệu trưởng thả tập phiếu chi trước mặt

“Sao anh giỏi xin tài trợ vậy?”; “Mình làm thêm kế toán ngoài giờ cho hơn chục doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh; nghe mình xin, họ ủng hộ liền, thế là thầy cô có Tết”.

“Nước trong thì không có cá, sao anh vẫn có ô tô”; “Nhiều người hỏi mình câu này, tiền sạch 100% đó; mỗi tháng mình làm thêm, chỗ thấp nhất là hai triệu, cao nhất là 5 triệu; sắm “con này” chở chứng từ của doanh nghiệp cho nó an toàn, thật ra cũng hơn trăm chứ nhiều nhặn gì; mua lại của ông chủ mỏ đá, vừa bán vừa cho”.

“Nghe nói cứ vào đợt luân chuyển kế toán, cũng có hiệu trưởng xin anh về, cũng có hiệu trưởng “chạy” để anh không về trường; có ông Bí thư Đảng ủy xã còn lên phòng nội vụ xin anh?”.

Ch. cười vang “Chả gì giấu được mấy cha viết báo; có đấy, mình là thương binh nhưng mình không chọn, cứ để tổ chức phân công; trường nào mà hiệu trưởng muốn cống hiến là chèo kéo mình về bằng được, và ngược lại”.

“Thế anh thấy nghề này vui không?”; Ch. trầm ngâm “Nói thật ra nếu trường học có kế toán thanh liêm liêm, học trò hưởng lợi trước tiên, từ đóng góp … đều đúng luật pháp.

Ngân sách cho giáo dục chưa dư giả gì, được thực chi cho giáo dục; làm kế toán nhiều khi cũng khổ nhưng mà khi làm đúng cũng vui, giáo viên, anh em tin tưởng; chuyển trường rồi, hễ gặp nhau là cười; có chuyện hiếu, hỉ là anh em có mặt đông vui”.

Vai trò của kế toán trong trường học rất quan trọng, hoạt động tài chính nếu được công khai, minh bạch hàng tháng vừa đảm bảo dân chủ, đảm bảo khối đoàn kết, tạo niềm tin cho giáo viên.

Với giáo dục, có niềm tin, giáo viên có động lực cống hiến, hy sinh vì học sinh, vì tập thể. Đoàn kết cũng cần yếu tố minh bạch tài chính, có đoàn kết mới hạnh phúc cho thầy và trò.

Lê Mai