Ghép nhầm phách hay "lạy ông tôi ở bụi này"?

15/07/2019 16:53
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Để minh bạch chuyện “ghép nhầm phách”, không gì hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, công khai quy trình chấm thi của mình...

Ngày 12/7, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, sở này đã giao Thanh tra sở tiến hành kiểm tra, rà soát tìm ra 8 bài thi bị ghép nhầm phách được tăng điểm để trả lại đúng điểm thực tế.

Quy trình chấm thi tự luận có dễ ghép nhầm phách không? 

Với quy trình chấm thi vào lớp 10, hay chấm thi môn Ngữ văn trong thi Trung học phổ thông Quốc gia; các Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện không để giáo viên chấm, có thể nâng điểm cho học sinh bằng cách đọc điểm, vào điểm, nâng điểm trên bài thi. (Vì người tham gia chấm, đọc, vào điểm chỉ biết mã phách, không biết thông tin thí sinh).

Ai chịu trách nhiệm về sự cố điểm thi phúc khảo tại Hải Phòng?
Ai chịu trách nhiệm về sự cố điểm thi phúc khảo tại Hải Phòng?

Quy trình đó thực hiện như sau: 

- Tổ làm phách nhận bài thi; đánh phách vào bài thi; cắt phách, chia bài chấm.

- Tổ chấm đưa phiếu điểm với số phách đã đánh cho giáo viên chấm để vào điểm. Mỗi giáo viên chấm, một phiếu điểm khác nhau.

- Giáo viên chấm xong nộp bài chấm, nộp lại phiếu điểm. Hai giáo viên chấm thống nhất điểm, nộp lại phiếu điểm đã thống nhất. 

- Cán bộ phụ trách vào điểm trên máy, với số phách được quy định; in ra cho hai giám khảo kiểm tra, ký xác nhận; việc đối chiếu này rất dễ, hai người đối chiếu, đảm bảo đúng 100%.

- Người phụ trách cao nhất ghép phách trên máy (nối số phách với thông tin về học sinh). Việc ghép phách trên máy đảm bảo đúng 100%. 

- Tổ ghép phách; ghép phách và bài thi, kiểm tra lần cuối cùng về tên thí sinh, điểm trên bài thi với bảng điểm đã in, xác nhận kết quả trên máy chính xác.

Sáu thí sinh tại hội đồng thi Trường Trung học phổ thông An Dương có điểm thay đổi bất thường sau khi chấm phúc khảo (Ảnh: CTV)
Sáu thí sinh tại hội đồng thi Trường Trung học phổ thông An Dương có điểm thay đổi bất thường sau khi chấm phúc khảo (Ảnh: CTV)

Chính vì quy trình chặt chẽ như trên, nên các bị can trong vụ nâng điểm ở môn Ngữ văn trong vụ tiêu cực thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 buộc phải có “mã phách”, nếu không có mã phách, không thể nâng điểm được.

Nếu nâng điểm được, số lượng bị can chắc … phải nhiều hơn nữa.

Như vậy, nếu kết quả phúc khảo bài thi, của thí sinh thay đổi chỉ có hai trường hợp

Trường hợp 1: Điểm chấm trên bài thi lần đầu khác với lần phúc khảo. 

Trường hợp 2: Quy trình chấm thi chưa được cải tiến (sau khi ghép phách, người đọc điểm, giám sát đọc điểm vào điểm, người vào điểm trên máy đều biết thông tin học sinh);

Chính quy trình này là lỗ hổng có thể sinh ra tiêu cực nâng điểm cho bài thi. 

Quy trình ở trường hợp 2 lạc hậu, chỉ áp dụng từ thời … chưa có máy tính; hoặc có máy tính nhưng hội đồng chấm không biết sử dụng Excel; hoặc cố tình áp dụng để… nâng điểm bài thi!

Làm rõ trách nhiệm của cán bộ, Hội đồng chấm thi tại Hải Phòng
Làm rõ trách nhiệm của cán bộ, Hội đồng chấm thi tại Hải Phòng

Như vậy, nếu thí sinh phúc khảo bài thi, nâng điểm bài thi mà nguyên nhân do “ghép nhầm phách”, một sự đổ lỗi “thật thà”; thật ra đang nói “lạy ông, tôi ở bụi này” với tất cả những người biết sơ qua quy trình chấm thi. 

Thừa nhận “quy trình chấm thi của Sở mình” còn lạc hậu, không chịu đổi mới; nếu vậy, kết quả chấm thi tuyển sinh lớp 10 sẽ không đảm bảo khách quan, minh bạch. 

Nếu chấm thi môn Ngữ văn trong thi Trung học phổ thông Quốc gia cũng áp dụng quy trình này, thì… còn nhiều điều phải nói.

Nếu sự thực, đã áp dụng quy trình chấm phổ biến hiện nay, dư luận càng nghi ngại tính khách quan, chính xác của kỳ chấm phúc khảo lớp 10 vừa rồi của Hải Phòng.

Không thể có chuyện ghép nhầm phách tới… 8 thí sinh được!

Để minh bạch chuyện “ghép nhầm phách”, không gì hơn, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, công khai quy trình chấm thi của mình; nhìn nhận khách quan, mới có thể sửa sai, tiến bộ được.

Sơn Quang Huyến