Giá SGK tăng, nhiều địa phương linh động chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn

27/06/2022 06:48
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để các em học sinh vùng đặc biệt khó khăn có sách học trong năm học tới cần sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời của nhà trường, Phòng và Sở Giáo dục từng địa phương.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giá sách giáo khoa của các lớp 3,7,10 bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022-2023.

Dù số tiền không phải quá lớn nhưng trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng, mức sống của nhiều gia đình vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề sau hai năm đại dịch.

Chưa kể đến, những gia đình thuộc vùng sâu, vùng xa thì việc có một bộ sách cho con đi học cũng khó khăn hơn nhiều so với những gia đình khác. Chính vì vậy, từ sớm, đây luôn là những đối tượng học sinh mà Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường đặc biệt quan tâm.

Cần có những giải pháp hỗ trợ để các em vùng khó khăn có đủ sách học. Ảnh:NTCC

Cần có những giải pháp hỗ trợ để các em vùng khó khăn có đủ sách học. Ảnh:NTCC

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hoàng Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, sau khi tỉnh phê duyệt bộ sách dùng trong năm học tới, Phòng đã yêu cầu các nhà trường tiến hành cho phụ huynh đăng ký.

Đồng thời, ngay từ lúc tuyển sinh, các trường đã phải rà soát, thống kê xem có bao nhiêu học sinh để ước lượng được số lượng sách giáo khoa. Phụ huynh có thể mua ngoài hoặc nhờ nhà trường đăng ký mua giúp. Riêng đối với các em học sinh khó khăn, ngoài được hưởng hỗ trợ theo chính sách của nhà nước như miễn giảm chi phí học tập và đồ dùng thì Phòng Giáo dục huyện Bắc Quang cũng đang triển khai một số giải pháp hỗ trợ các em.

Thứ nhất, huy động tài trợ từ các cá nhân, tổ chức để những em khó khăn nhưng không thuộc đối tượng chính sách có đủ sách để học.

Thứ hai, yêu cầu mỗi nhà trường vận động các em học sinh khóa trên quyên góp sách, ví dụ sách giáo khoa cũ lớp 1, lớp 2 vừa được thay theo chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng đến năm nay vẫn sử dụng được.

“Huyện Bắc Quang có 5/23 xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, ngay từ thời điểm này, các trường phải huy động thêm nhiều nguồn sách dự phòng để khi bước vào năm học mới sẽ hỗ trợ các em. Ngoài ra, mỗi trường trên địa bàn huyện đều có thư viện sách, mỗi năm kết thúc năm học đều vận động học sinh quyên góp, ủng hộ”, cô Hiền nói.

Bên cạnh đó, thầy Vũ Đức Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu (Hòa Bình) thông tin: “Toàn bộ các xã thuộc huyện Mai Châu đều nằm ở vùng núi cao, trong đó có rất nhiều em học sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa hoặc con em dân tộc thiểu số.

Vì vậy, ngay từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và có sách mới cho năm học thì Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mai Châu đã tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện dùng nguồn ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho tất cả các em học sinh mượn. Đây cũng là một trong những giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đề xuất”.

Thầy Vũ Đức Hạnh cũng cho biết thêm, giải pháp mua sách cho toàn bộ học sinh mượn đã được huyện áp dụng nhiều năm nay, từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 cho đến nay. Phòng Giáo dục và Đào tạo thống kê số lượng học sinh và mua bổ sung vào thư viện sách của các trường một lượng sách vừa đủ để học sinh mượn luân phiên nhau qua từng năm học.

“Huyện Mai Châu có 8/16 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, ngoài xã khó khăn thì 90% là con em dân tộc thiểu số. Giải pháp mua sách cho học sinh mượn nhằm khắc phục tình trạng em có sách, em không hoặc phụ huynh mua phải sách giả, sách trôi nổi trên thị trường. Sau khi hoàn thành năm học, các em sẽ phải hoàn trả lại sách cho nhà trường.

Hơn nữa, huyện còn hỗ trợ học sinh đồ dùng học tập qua từng năm học. Ngoài ra, cũng vận động được những mạnh thường quân, các tổ chức hỗ trợ rồi dùng số tiền hỗ trợ đó để mua đồ dùng, đồ chơi ngoài trời cho các trường mầm non hoặc máy tính cho các trường phổ thông.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho biết, hiện nay, sắp bước vào năm học mới tỉnh cũng đang tập trung triển khai kế hoạch tổ chức năm học.

Thầy Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên. Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên

Thầy Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên. Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên

“Từ lâu, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên đã ra chỉ đạo và quán triệt các nhà trường không được để một em học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến trường.

Trên tinh thần tự nguyện, mỗi thầy cô giáo sẽ hỗ trợ, "đỡ đầu" ít nhất 1 em học sinh. Trước khi vào năm học mới, Sở sẽ rà soát lại số lượng những em thuộc diện chính sách đặc biệt khó khăn, đi thăm hỏi và tặng quà nhằm hỗ trợ các em kịp thời. Bên cạnh đó, Sở cũng có nguồn kinh phí dự trù để giúp đỡ những trường hợp đó.

Hiện tại, Phú Yên có 3 huyện vùng núi, tôi dự đoán sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có một số chủ trương cụ thể cho việc này nhưng tỉnh cũng phải lên kế hoạch dần sao cho phù hợp với thực tiễn tại địa phương”, ông Trần Khắc Lễ nói.

Đồng thời, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên cũng nhấn mạnh, vai trò của các nhà trường đặc biệt quan trọng, phải nghiên cứu và phát hiện các đối tượng cần giúp đỡ, khuyến khích, vận động thầy cô và các tổ chức đoàn thể trong trường hỗ trợ thêm.

Trần Lý