Nhiều học sinh viết vào sách giáo khoa được thầy cô yêu quý, nể phục

24/06/2022 06:36
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh biết cách ghi chú vào sách giáo khoa cũng là một trong những phương pháp giúp các em tiếp thu bài học được tốt hơn.

Là giáo viên đang dạy cả hai bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông, tôi có yêu cầu học sinh viết, ghi chú vào sách giáo khoa các phần cần lưu ý và nhận thấy đây là một trong những phương pháp dạy học mang lại hiệu quả.

Có nên cho học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa?

Bàn về việc có nên cho học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa hay không, tôi đã có dịp trò chuyện với một số giáo viên dạy bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Một số giáo viên bậc tiểu học cho rằng, nên cấm học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa để sách có thể tái sử dụng trong nhiều năm, đỡ gây lãng phí.

Còn đa số giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông nêu quan điểm, học sinh có thể viết, vẽ vào sách giáo khoa các nội dung bài học, tùy thuộc vào cách học của từng em. Hơn nữa, trong quá trình dạy học, có 1 số nội dung thầy cô cũng hướng dẫn học sinh ghi chú vào sách giáo khoa.

Cá nhân tôi cho rằng, giáo viên không thể cấm học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa bằng mệnh lệnh. Ngược lại, nếu các em biết cách ghi chú vào sách giáo khoa thì đây cũng là trong những phương pháp giúp các em tiếp thu bài học được tốt hơn. Chúng ta chỉ nên cấm các em không vẽ bậy vào sách thì hợp lý hơn.

Sách Ngữ văn 10, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có một số nội dung yêu cầu học sinh viết trực tiếp vào sách giáo khoa. (Ảnh: Cao Nguyên)

Sách Ngữ văn 10, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, có một số nội dung yêu cầu học sinh viết trực tiếp vào sách giáo khoa. (Ảnh: Cao Nguyên)

Thứ nhất, sách giáo khoa là tài sản riêng của học sinh, được cha mẹ các em mua phục vụ cho việc học nên giáo viên không thể cứ muốn là cấm được. Nhiều học sinh có nhu cầu đánh dấu, ghi chú vào sách giáo khoa giúp khắc sâu nội dung bài học.

Nếu giáo viên yêu cầu học sinh không được viết vào sách giáo khoa thì các em phải ghi chép cùng lúc nhiều phạm vi kiến thức vào vở học. Như thế, học sinh vừa mất thời gian ghi chép, vừa khó nghe thầy cô giảng bài trọn vẹn.

Với các môn khoa học tự nhiên, các em thường ghi bài ngắn gọn vì công thức đã có sẵn trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, các môn khoa học xã hội, ví như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí... lượng kiến thức trong một tiết học nhiều, nếu không ghi chú một số nội dung ngắn gọn, cần thiết thì việc học chưa hẳn đã hiệu quả.

Thứ hai, nhiều cuốn sách giáo khoa yêu cầu học sinh làm bài trực tiếp vào sách, nhất là sách thuộc các môn khoa học tự nhiên. Các em làm bài bằng cách khoanh tròn câu trả lời trắc nghiệm hay trả lời cho câu hỏi điền khuyết... cũng rất tiện.

"Học sinh viết vào sách giáo khoa là đáng mừng, cho thấy các em có ý thức học. Sợ nhất là cuối năm mở sách ra vẫn thơm phức mùi giấy là học sinh có vấn đề", cô Quý, giáo viên ở Sơn La cho hay.

Có ý kiến cho rằng, sách giáo khoa không thiết kế để học sinh viết vào sách tránh gây lãng phí. Tuy vậy, việc chỉnh sửa để tránh việc học sinh ghi vào sách giáo khoa cũng chỉ thực hiện được một phần nào đó mà thôi, bởi do đặc thù của từng môn học.

Thứ ba, nhiều giáo viên cho biết, có những học sinh viết kín cả cuốn sách nhận được sự yêu quý, nể phục của thầy cô. Thực tế dạy học cho thấy, không phải học sinh nào cũng biết cách ghi vào sách giáo khoa, mà đó là những học sinh thực sự khá giỏi.

Thầy Minh, giáo viên dạy môn Ngữ văn bậc phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, học sinh ghi vào sách giáo khoa thường là những em chăm ngoan, biết cách tự học.

"Trường mình cũng có một nữ sinh đã viết vào sách như thế, bây giờ trở thành cô giáo dạy Lịch sử. Cuốn sách Văn ngày đó được lưu giữ và truyền lại cho các em mấy năm sau học hỏi", thầy Minh nói thêm.

Thứ tư, năm học tới đây khi dạy Chương trình mới, môn Ngữ văn, tôi cũng sẽ yêu cầu học sinh viết vào sách giáo khoa, bên cạnh việc ghi chép vào vở học cho tiện.

Ví dụ, phần trả lời văn bản "Chữ người tử tù" (Nguyễn Tuân), Ngữ văn 10, Kết nối tri thức với cuộc sống, có câu hỏi số 4: "Nhân vật Huấn Cao được tác giả khắc họa qua những chi tiết tiêu biểu nào?".

Tôi sẽ yêu cầu học sinh đọc văn bản, sau đó dùng bút gạch chân dưới những chi tiết có trong sách giáo khoa. Học sinh sử dụng thao tác gạch chân vào sách giáo khoa chỉ tốn vài giây, trong khi ghi chép ra vở sẽ mất vài phút.

Việc ghi chép vào sách giáo khoa thế này có khoa học? (Ảnh: Facebook)

Việc ghi chép vào sách giáo khoa thế này có khoa học? (Ảnh: Facebook)

Thứ năm, học sinh muốn ghi chép vào sách giáo khoa sao cho khoa học, dễ hiểu thì nhất thiết phải có sự hướng dẫn của giáo viên. Chẳng hạn, học sinh nên ghi vào sách giáo khoa những chú thích, lưu ý bài tập về nhà... chứ không phải ghi tràn lan, rất rối mắt.

Riêng việc cho học sinh vẽ vào sách giáo khoa, thầy cô cũng nên thận trọng. Nếu giáo viên không có sự giám sát chặt chẽ, một số học sinh lười học có thể lợi dụng để vẽ vào sách giáo khoa những hình ảnh không ăn nhập gì với nội dung bài học, tốn thời gian vô ích.

Tốt nhất, thầy cô nên khuyến khích học sinh ghi vào sách giáo khoa bằng bút chì sao cho đọc được, tránh ảnh hưởng đến mắt. Nếu có sai sót, các em dễ dàng tẩy đi, sau đó ghi lại nội dung khác. Hơn nữa việc làm này giúp sách giáo khoa có thể tái sử dụng một số lần.

Cô Phương, giáo viên bậc phổ thông ở Bắc Giang nêu quan điểm, sách giáo khoa cũng chỉ là phương tiện học tập. Vấn đề đặt ra là, học sinh sử dụng làm sao để đạt hiệu quả trong việc phát huy năng lực, phẩm chất … là được. Giáo viên cũng chỉ nên cấm các em vẽ bậy vào sách.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên