Giải pháp tuyển sinh: Bộ trưởng "đặt hàng" các trường

05/10/2011 10:26
Thiện Thành
(GDVN) - Bộ sẵn sàng cho các trường đại học đề xuất phương hướng thi cử khi thay 3 chung!
Bộ GD – ĐT đã "đặt hàng" các trường về các giải pháp tự chủ tài chính, tuyển sinh… ngay trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Giáo dục – Đào tạo do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dẫn đầu với UBND TP.HCM để bàn về Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020 hôm 4/10/2011.

Buổi làm việc có sự tham gia của ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP. HCM và lãnh đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học trên địa bàn TP. HCM.

Chúng ta đang phát triển con người hay đào tạo nghề?

Theo ông Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa băn khoăn, dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2012 vẫn chưa thấy được mục tiêu chính là phát triển con người toàn diện hay đào tạo nghề.

Ông Dụng cho rằng, do chính sách đãi ngộ chưa hợp lý nên người tài phục vụ giáo dục chưa nhiều. Vì vậy cần phải để cho các trường tự chủ tài chính để có kinh phí thu hút người tài.

Bà Trần Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non 19/5 TP.HCM cho rằng, cần phải có sự tự chủ trong chế độ thu chi của nhà trường. Mức học phí của trường vẫn là mức thu cũ cách đây 13 – 14 năm. Nếu được giao quyền tự chủ trong nhà trường thì việc quản lý sẽ tích cực hơn, chất lượng sẽ được nâng lên rất rõ.

Hiện nay, quan niệm xã hội hoá giáo dục chưa toàn diện, các trường quên việc huy động trí tuệ và sức lực của phụ huynh. Vì vậy, bản Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 cần nêu cao vai trò của hội cha mẹ học sinh và đưa ra phương hướng hoạt động cụ thể hơn về hội cha mẹ học sinh.

Cũng theo bà Trần Thị Thu Hà, chăm lo phát triển chất lượng giáo dục phải gắn với việc quan tâm đến chất lượng đào tạo giáo viên. Các trường cần liên kết chặt chẽ với khối đào tạo là các trường sư phạm. Thêm vào đó, chúng ta cần đổi mới cách đánh giá chất lượng học sinh và giáo viên.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ GD – ĐT và UBND TP. HCM.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ GD – ĐT và UBND TP. HCM.
Còn việc đánh giá theo số điểm cuối năm như hiện nay sẽ dẫn đến động cơ học còn mờ nhạt. Cần xây dựng cơ chế để sự đánh giá đơn giản hơn, phát huy được sự năng động sáng tạo của chính bản thân giáo viên.  

Việc tự chủ tài chính không chỉ là nguyện vọng của các trường mầm non, tiểu học mà ngay ở bậc đại học cũng rất cần thiết. PGS. TS Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng trường ĐH Mở TP. HCM cho biết: “Do học phí thấp trong khi chúng tôi không có nguồn nào khác để hỗ trợ. Vì vậy cần phải có cơ chế chuyển từ học phí thấp sang chính sách giá. Dần dần người học sẽ nhận ra lợi ích của chính sách này”.

Còn PGS. TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng trường ĐH Luật TP. HCM cho biết, chúng ta phải khẳng định triết lý giáo dục là phổ cập giáo dục đại học. Hiện nay đầu tư cho giáo dục còn mang tính bình quân, nếu cứ như thế thì sẽ không có trường đại học xứng tầm trong khu vực.

Tại sao chúng ta không đầu tư mạnh mẽ các trường đại học đã có sẵn nền tảng theo từng mũi nhọn, ngành nghề để các trường bức phá?”.

Cả dân tộc nín thở theo dõi 3 đợt thi

PGS. TS Vũ Đình Thành, hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP. HCM cho rằng trong cấu trúc các trường đại học chúng ta chưa có sự phân tầng. Các trường đại học đều có cấu trúc, nhiệm vụ mục tiêu như nhau đã gây khó khăn cho các trường mới thành lập và cả lâu đời.

Trong tuyển sinh 3 chung, mục tiêu tuyển sinh của trường đại học nghiên cứu, thực hành là khác nhau. Chúng ta cần phải có những quy chuẩn đặt mục tiêu cho từng trường, phân cấp khác nhau và đầu tư cho từng trường.

Về vấn đề kiểm định chất lượng các trường đại học, PGS. TS Vũ Đình Thành nhận định, hiện nay các trường đại học phải đặt kiểm định chất lượng là mục tiêu để các trường phấn đấu. Với sự phân tầng đại học thì trường đại học định hướng nghiên cứu hay đại học cộng đồng cung cấp nguồn nhân lực sẽ có những bộ chuẩn chất lượng khác nhau.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ ủng hộ các trường có phương án tuyển sinh tốt.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ ủng hộ các trường có phương án tuyển sinh tốt.
Việc kiểm định cũng phải thực chất, khách quan. Nên lập tổ chức kiểm định độc lập, không thuộc Bộ GD – ĐT và việc kiểm định phải thực hiện thường xuyên.

PGS. TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP. HCM thì đã “chín mùi” để chấm dứt thi 3 chung. Chưa có dân tộc nào thi cử căng thẳng như ở nước ta. Cả dân tộc nín thở theo dõi 3 đợt thi xem có sai dấu cộng nào không. Nếu sai 1 dấu là chết cả nút.

Vì vậy, Bộ nên chấm dứt thi 3 chung ngay ở mùa thi năm sau. PGS. TS Võ Văn Sen nhấn mạnh: “Khi Bộ GD – ĐT đã trao cho các trường tự chủ về cấp bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ thì không có lý do gì Bộ phải ôm 3 chung. Đến lúc đó, Bộ chỉ lo siết đầu ra là được”. Còn PGS. TS Mai Hồng Quỳ cho rằng, nếu thay đổi phương án tuyển sinh 3 chung thì phải có lộ trình và thời gian chuyển đổi.  

Trả lời các trường về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận cho hay: “Bộ sẵn sàng cho các trường đại học đề xuất phương hướng thi cử khi thay 3 chung. Tuy nhiên, các trường phải đảm bảo 3 yếu tố: không luyện thi, công khai cho nhân dân giám sát và an toàn. Nếu các trường có phương án tốt thì Bộ sẽ ủng hộ ngay”.
Thiện Thành