Giảng viên sẽ biến mất trên bục giảng vào năm 2030

10/03/2019 11:52
Phương Linh
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Đào Minh Hồng, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giảng viên là một trong 10 ngành sẽ biến mất vào năm 2030.

Ngày 7/3/2019, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng tổ chức buổi nói chuyện “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục”, với diễn giả là Phó Giáo sư Hồ Thanh Phong – Hiệu trưởng nhà trường.

Xuyên suốt buổi nói chuyện này, những người tham dự đã được tìm hiểu về quá trình hình thành, các thành tựu nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những ảnh hưởng của nó đến tất cả các lĩnh vực.

Phát biểu tại buổi nói chuyện này, Tiến sĩ Đào Minh Hồng – Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng đã chia sẻ một công bố của Hiệp hội Giảng viên các Trường Đại học tại Mỹ rằng: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra một thách thức rất lớn.

Đó là do ảnh hưởng của cuộc cách mạng này, nghề giảng viên là 1 trong 10 nghề sẽ biến mất vào năm 2030. Các giảng viên sẽ gặp thách thức, với một quy trình học tập bị đảo ngược.

Phó Giáo sư Hồ Thanh Phong nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục (ảnh: P.L)
Phó Giáo sư Hồ Thanh Phong nói về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục (ảnh: P.L)

Dựa trên những số liệu đã có được, Phó Giáo sư Hồ Thanh Phong đưa ra nhận định, trong cuộc cách mạng 4.0, những ngành sẽ chiếm ưu thế là: An toàn thông tin, Phân tích Kinh tế, Khoa học dữ liệu, Thời trang và các ngành có tính chất sáng tạo.

Theo suy nghĩ của Phó Giáo sư Hồ Thanh Phong, những ngành này vẫn cần được đào tạo cho linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Thế nhưng, Phó Giáo sư Hồ Thanh Phong vẫn khẳng định: Vai trò của con người, khoa học xã hội, tâm lý, cảm xúc…vẫn không thể nào bị thay thế bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Công dân trong thời đại số cần được trang bị những kỹ năng cần thiết, như: Chú trọng tư duy cảm xúc, tư duy phân tích, phản biện, tư duy sáng tạo…và nhất là Trí tuệ cảm xúc (EQ).

Phó Giáo sư Hồ Thanh Phong nhấn mạnh: Máy móc chỉ có thể thay thế con người ở những công việc phổ thông, mang tính lặp lại, nhưng phân tích và có khả năng cảm nhận thì không thể làm được.

Vấn đề đặt ra, thông qua phương pháp giáo dục, con người có thể làm chủ được công nghệ do mình tạo ra, thay vì là nô lệ của thế giới công nghệ.

Nền giáo dục 4.0 sẽ thiên về đào tạo cá nhân hóa, trong đó con người, máy móc, thiết bị sẽ liên kết với nhau, với trọng tâm chính là sáng tạo, kiến tạo giá trị, internet được áp dụng trong mọi hoạt động.

Ở nền giáo dục này, công dân kỹ thuật số sẽ được tiếp nhận nền giảng dạy không giới hạn. Trường học khi đó sẽ được xây dựng thành hệ sinh thái, với sản phẩm đào tạo là những nhà sáng tạo, nhà khởi nghiệp.

Người đứng đầu Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng khẳng định: Giáo dục sẽ là sự kết hợp giữa người quản lý, người đào tạo và người sử dụng nguồn nhân lực, chứ không phải chỉ đơn thuần là cuộc đua của nhà trường.

Mục đích lớn nhất là phân tích, nắm bắt được nhu cầu của thị trường, cũng như xu hướng phát triển, để từ đó xác định được hướng đào tạo cho phù hợp.

Phó Giáo sư Hồ Thanh Phong đề xuất: Các trường đại học phải kết nối với công nghiệp, địa phương và nơi có nhu cầu. Chính từ đây mới dẫn về sáng tạo ra những giá trị, làm được ra những ngành nghề mới.

Phương Linh