Giáo sư, tiến sĩ không làm được việc mà vẫn muốn "cống hiến" thì làm thế nào?

25/10/2021 07:08
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giờ là thời điểm rất cần tuyển dụng lớp trẻ có học thức, được đào tạo ở nước ngoài, nếu các thầy ai cũng xin ở lại thì lấy đâu ra “chỗ” cho lớp trẻ vào phấn đấu?

Giảng viên đại học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ dự kiến sẽ được kéo dài thời gian làm việc để giảng dạy nếu có mong muốn, đủ sức khỏe và được nhà trường chấp nhận.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Nam nói:

“Riêng ở trong lĩnh vực giáo dục đại học, tôi đồng tình với việc kéo dài thời gian làm việc cho các giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học nếu các thầy cô đáp ứng các điều kiện sức khỏe, năng lực cập nhật công nghệ thông tin, năng lực nghiên cứu khoa học và tự nguyện xin kéo dài thời gian làm việc".

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Theo thầy Nam: "Điều này cũng rất phù hợp và là bước chuẩn bị ứng phó với giai đoạn già hóa dân số rất nhanh của nước ta trong những năm tới. Đồng thời cũng sử dụng được nguồn nghiên cứu khoa học năng lực cao, góp phần hình thành nên các nhóm nghiên cứu chuyên sâu phát triển trở thành trường phái nghiên cứu ở Việt Nam trong tương lai.

Việc kéo dài này không những có ý nghĩa về mặt kiến thức, ở khía cạnh chăm sóc người cao tuổi, có một thực tế rằng nhiều người sốc khi vào giai đoạn nghỉ hưu, trở nên trầm cảm nếu bỗng nhiên quá rảnh rỗi. Ngược lại, nếu những người cao tuổi tham gia vào những hoạt động vừa sức, họ cảm thấy mình vẫn tạo ra giá trị cho cộng đồng thì sẽ sống hạnh phúc hơn, tuổi thọ cao hơn, như vậy chất lượng cuộc sống cũng đương nâng cao”.

Thầy Nam chia sẻ: “Tuy nhiên, là giáo sư nhưng các thầy đã nghỉ hưu nên về đãi ngộ không thể giữ nguyên khi còn trong tuổi lao động, và không được nắm giữ các chức vụ quản lí, chỉ chuyên tâm làm chuyên môn. Các thầy được kéo dài thêm thời gian làm việc, nhưng đồng thời có nhiệm vụ trao truyền thế hệ về nghiên cứu học thuật, đào tạo giảng viên tạo nguồn. Cần nghiên cứu để có những chế độ chính sách, tính toán trích một phần ngân sách ra để bồi dưỡng cho lớp cán bộ tạo nguồn, những cán bộ này bù đắp cho các giảng viên cao tuổi bị chậm về mặt công nghệ, làm trợ giảng cho các giáo sư, phó giáo sư.

Như vậy, các trường vừa tận dụng được chất xám của đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia hàng đầu, ngoài ra cũng có sự trao truyền cho các trường phái học thuật bởi ở Việt Nam hiện nay chưa có những trường phái nghiên cứu này, ví dụ: Ngành Khoa học xã hội trải qua rất nhiều năm, phải có một nhóm nghiên cứu phát triển liên tục mới trở thành trường phái.

Nếu nói về mặt tốc độ, khả năng tư duy, khả năng thích nghi, phán đoán thì theo nhiều nghiên cứu con người càng già thì càng lão hóa, nhưng về mặt năng lực kiến thức, những cái nằm lòng của các thầy sẽ không bị suy giảm nhiều, không xuống mà đi theo phương nằm ngang. Như vậy các thầy cần có trợ giảng để giúp theo kịp với công nghệ mới.

Một điều nữa, nếu muốn kéo dài thêm thời gian làm việc của các giáo sư, phó giáo sư thì cũng cần giao nhiệm vụ cụ thể, ví dụ một giáo sư được kéo dài thời gian làm việc trong 5 năm, vậy trong thời gian đó thầy phải đào tạo được một số giảng viên tạo nguồn để 5 năm sau số giảng viên đó trở nên vững vàng”.

Thầy Nam nói: “Tùy vào cách nhìn của từng nhà quản lý, riêng trong lĩnh vực học thuật thì tôi cho rằng quý ở sự tinh, chứ không quý ở sự nhiều. Tuy nhiên để giảng dạy trong thời đại công nghệ 4.0 thì các giảng viên đến tuổi nghỉ hưu vẫn phải xác định tiếp tục học và cập nhật bản thân để đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng của giáo dục đại học trong bối cảnh 4.0.

Vì vậy, những giáo sư nhiều tuổi cần được phân công kèm cặp chuyên môn với những giảng viên trẻ, và ngược lại nhận sự được hỗ trợ của giảng viên trẻ trong việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp tiếp cận dạy học mới phù hợp với xu hướng, có như vậy thì thời gian làm việc được kéo dài thêm mới có ý nghĩa”.

Ai cũng xin ở lại thì lấy đâu ra “chỗ” cho lớp trẻ?

Cũng về vấn đề này, phóng viên tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng. Tiến sĩ Sơn chia sẻ:

“Theo góc độ những người được kéo dài thời gian công tác thì sẽ thấy rất tốt. Nhưng theo quan điểm của tôi lại thấy không tốt, bởi toàn bộ giai đoạn trước mọi sự học đều “chắp vá” bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, điều kiện kinh tế thấp, nguồn học liệu,…

Giờ đây là thời điểm rất cần tuyển dụng lớp trẻ có học thức, được đào tạo ở nước ngoài về, nếu các thầy ai cũng xin ở lại thì lấy đâu ra “chỗ” cho lớp trẻ vào phấn đấu và khẳng định mình? Hơn nữa các thầy ở lại thì ít nhiều cũng phải có mức đãi ngộ, vậy nguồn kinh phí cũng sẽ bị chia sẻ với lớp trẻ?".

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa dân gian ứng dụng. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Sơn nêu quan điểm: "Việc làm khoa học cũng như làm kinh doanh, luôn luôn phải học tập, cập nhật kiến thức, công nghệ mới để thích nghi với sự phát triển của xã hội, nhưng đến một độ tuổi nhất định thì những việc này lại “chậm” đi, và các thầy đã đến tuổi nghỉ hưu cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Việc kéo dài thời gian làm việc, theo tôi nên để xã hội chi phối việc này. Hiện nay có rất nhiều các hội nghề nghiệp, hội khoa học kỹ thuật…và các hội này hoạt động rất tốt, rất hiệu quả. Nhu cầu của xã hội nếu cần sẽ đặt hàng, và các thầy “bán” chất xám, tranh thủ nghiên cứu các đề tài tại các tỉnh…như vậy sẽ năng động hơn và phù hợp với các giáo sư, tiến sĩ khoa học”.

Việc các thầy được kéo dài thêm thời gian công tác để dìu dắt lớp trẻ kế cận, vấn đề này theo Tiến sĩ Sơn: “Việc này chỉ đúng một phần, nhưng theo tôi cơ chế ở nước ta hiện nay khiến cho người nghỉ hưu cảm giác như hết cơ hội cống hiến. Nhưng ở nhiều nước phát triển trên thế giới, giáo sư về hưu vẫn là chủ nhiệm chương trình, vẫn là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học.

Trường đại học đó vẫn được sử dụng chất xám của các thầy, cũng như vinh danh các thầy tại trường. Đã là chủ nhiệm đề tài thì phải có nghiên cứu sinh, đào tạo thạc sĩ…cả một dây chuyền như thế.

Theo tôi, chúng ta nên làm như vậy, mà đã làm khoa học, nếu không tham gia hội thảo, không nghiên cứu, không giảng dạy, không tiếp cận tư liệu mới,…là “chết”.

Nhưng theo tôi, việc kéo dài thời gian công tác cũng nên giới hạn, với giáo sư không quá 5 năm, chứ cứ 10 năm thì không còn chỗ cho lớp trẻ.

Nhưng điều quan trọng nhất là dù có kéo dài thêm mấy năm đi nữa, nhưng các cơ sở giáo dục đại học nên kí hợp đồng nghiên cứu đề tài trực tiếp với vị giáo sư, tiến sĩ đó, lấy chính tiền đề tài đó để trả lương cho các thầy, ví dụ: Đề tài nghiên cứu về vacxin phòng chống Covid,... Tại sao chúng ta không dùng chính sách cơ chế đó? Tôi thấy cơ chế chính sách của chúng ta hiện nay quá lạc hậu, nếu làm tốt cơ chế đó sẽ giảm được khá nhiều số giáo sư, tiến sĩ không làm được việc, chỉ người có danh mà thôi”.

Tiến sĩ Sơn kiến nghị: “Theo tôi không nên kéo dài thêm thời gian làm việc, cứ đến tuổi là mời các thầy nghỉ theo quy định, còn những ai có năng lực thật sự thì các trường đại học xem xét, kí hợp đồng theo hình thức chuyên gia, theo hình thức nghiên cứu đề tài cụ thể, hình thức dự án và thậm chí kí hợp đồng lâu hơn nữa nếu thật sự có hiệu quả. Tất nhiên là các thầy phải làm được, chứ nếu chỉ kéo dài thời gian làm việc cho có, cho đỡ buồn vì nghỉ hưu thì theo tôi chỉ tốn ngân sách mà thôi”.

Tùng Dương