Giáo viên An Giang hết hy vọng nhận tiền tăng tiết?

14/09/2020 05:57
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Điều làm chúng tôi thắc mắc nhiều nhất là cùng 1 Công văn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng tại sao mỗi nơi thực hiện mỗi khác?

Nhiều giáo viên An Giang phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, họ đã dạy tăng giờ do nhà trường thiếu giáo viên, do giáo viên nghỉ hộ sản, do tăng buổi cho các khối lớp 1, 2 và 3 trong năm học vừa qua nhưng không được các trường học nơi đây thanh toán.

Giáo viên bức xúc khi không được tính tiền tăng tiết (Ảnh Phan Tuyết)

Giáo viên bức xúc khi không được tính tiền tăng tiết (Ảnh Phan Tuyết)

Nhiều thầy cô bức xúc đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có 2 bài viết phản ánh về việc này.

Giáo viên đã hy vọng công sức của mình bỏ ra sẽ được ghi nhận xứng đáng. Thế nhưng sau phát biểu của lãnh đạo thuộc Sở Giáo dục tỉnh An Giang thì “niềm hy vọng của chúng em đã vụt tắt”, cô H. giáo viên một trường tiểu học tại huyện Châu Thành cho biết.

Lãnh đạo Sở Giáo dục An Giang đã trả lời thắc mắc của giáo viên về việc tính tiền tăng tiết thế nào?

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên tiểu học một năm phải dạy đủ 35 tuần x23 tiết = 805 tiết (cả năm).

Nay do dịch bệnh, giáo viên chỉ dạy 30 tuần x 23 tiết=690 tiết. Những giáo viên dạy đủ số tiết này (690 tiết) dù còn thiếu so với quy định 805 tiết nhưng vẫn không bị trừ.

Những giáo viên dạy thay cho giáo viên nghỉ hộ sản, nghỉ bệnh hoặc do thiếu giáo viên mà số tiết dạy lên đến 700 hoặc 800 tiết vẫn không được tính tăng tiết vì Bộ Giáo dục đã quy định giáo viên phải dạy đủ 805 tiết/năm.

Những giáo viên rơi vào hoàn cảnh này vất vả hơn nhưng quy định không thể chi trả thừa giờ.

Nói rồi, vị lãnh đạo nhắn gửi những đơn vị có trường hợp này thì cần làm công tác tư tưởng cho giáo viên hiểu hoặc xin xã hội hóa gì đó để chia sẻ bớt những bất cập, khó khăn này.

Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ký, hiểu thế nào cho đúng?

Để đánh giá công sức của giáo viên trong mùa dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số: 1366/BGDĐT-NGCBQLGD do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã ký gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc của giáo viên:

a) Căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi);

b) Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán, quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc;[1]

Công văn quy định rõ: “…xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi”).;

Quy đổi các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy được hiểu như đó là những công việc mà giáo viên đã làm trong thời gian học sinh không đến trường như đưa bài tận nhà cho học sinh, gửi bài trên Zalo, tin nhắn, email, giảng bài, nhắc nhở học sinh học, sửa bài học sinh gửi, giảng lại những vấn đề các em hay bị sai…

Thế nhưng, Sở Giáo dục tỉnh An Giang vẫn cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định giáo viên phải dạy đủ 35 tuần tương đương 805 tiết, nếu không dạy đủ số tiết này sẽ không được nhận tính tăng giờ mà quên luôn việc xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy,theo tinh thần chỉ đạo của Bộ.

Việc hiểu công văn như thế phải chăng nơi đây đã vận dụng sai tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục?

Cô giáo H. giáo viên tiểu học ở huyện Châu Thành bày bỏ quan điểm: “Theo mình văn bản này là yêu cầu chi thừa giờ cho giáo viên như bình thường, và những người nào tham gia thêm dạy học qua internet thì sẽ được quy đổi để cộng thêm vào chứ không phải quy đổi để bù vào những tuần nghỉ dịch.

Trong khi thời gian giáo viên dạy bù dịch là trong thời gian hè, đây là thời gian giáo viên được nghỉ ngơi theo đúng quy định. Thế nhưng nhà giáo phải đi dạy cho nên tiết quy đổi phải cộng với tiết thừa giờ để tăng thêm cho giáo viên mới là hợp lí.

Giáo viên bức xúc và cho biết vẫn tiếp tục làm đơn kiến nghị và sẽ xin nhà trường năm học này dạy đủ tiết chứ không dạy tăng tiết.

Không đồng ý với cách giải thích của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tỉnh An Giang, nhiều thầy cô giáo cho biết mình sẽ tiếp tục làm đơn khiếu nại.

Cô giáo H. cho biết: “Giờ giáo viên các trường đang bàn nhau nếu phân công dạy lớp 1, 2 ( 2 buổi) giáo viên sẽ nhận dạy 23 tiết thôi, còn những tiết dư ra thì hiệu trưởng, phòng, sở tự giải quyết

Chứ nếu tiếp tục nhận dạy ai sẽ đảm bảo anh em giáo viên sẽ được nhận tiền, dịch bệnh vẫn còn ai nói trước được điều gì”.

Bạn T. H: “Tôi là giáo viên dạy trung học cơ sở ở An Giang, quy định 1 tuần dạy 19 tiết, có kiêm nhiệm nên dư giờ nhưng hiện giờ cũng không được kê. Trong khi giáo viên cùng trường có người chỉ dạy 5 tiết, 7 tiết 1 tuần rất rảnh rỗi nhưng không cần làm việc gì thêm. Điều này làm những người dạy đủ tiết như tôi cảm thấy thật sự bất công”.

Bạn D. H.: “Tính toán như vậy là không phù hợp. Điển hình tôi là giáo viên cấp hai trường trung học cơ sở ở Tây Phú huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vừa dạy lớp vừa làm công tác Tổng phụ trách được phân công cả hai nhiệm vụ theo quy định.

Thế nhưng khi có giáo viên chung khối đi học theo quy định thì tôi được phân công dạy thế và được kê giờ theo quy đinh, khi nghỉ dịch Covid -19 được phân công dạy online khối 8 một tuần 4 tiết và theo văn bản được tính 3 lớp x 4 tiết =12 tiết/tuần, đến khi nghỉ dịch xong vào dạy thì phải ôn tập”.

Một hiệu trưởng chia sẻ với chúng tôi là đã đấu tranh rất nhiều cho quyền lợi của giáo viên nhưng không được ghi nhận. Nếu bây giờ, giáo viên nhất quyết không dạy tăng tiết mà nhà trường thiếu giáo viên sẽ bố trí thế nào đây? Sẽ rất khó cho nhà trường trong việc phân công chuyên môn.

Nếu vẫn kiên quyết phân công giáo viên dạy tăng tiết, biết lấy nguồn tài chính nào để chi trả? Việc lãnh đạo Sở Giáo dục gợi ý xã hội hóa giáo dục sẽ không có trường nào dám làm vì như thế là vi phạm công tác thu chi tài chính.

Công sức giáo viên bỏ ra phải được tính

Năm học vừa qua, giáo viên An Giang đã dạy 30 tuần tương đương 690 tiết. Nếu so với số tiết tiêu chuẩn sẽ thiếu 115 tiết. Giáo viên dạy không đủ 805 tiết sẽ không bị trừ tiền lương, giáo viên dạy tăng hàng trăm tiết lại không được nhận.

Thử hỏi ai còn muốn nhận dạy tăng tiết làm gì? Để dạy đủ tiết theo quy định, giáo viên bây giờ đã rất vất vả. Thế nên dạy tăng tiết thì công sức phải bỏ ra sẽ gấp nhiều lần.

Nhưng dù vất vả, cực nhọc nhiều thầy cô giáo vẫn ráng sức vì sẽ nhận được một khoản tiền chi trả góp vào đồng lương mỗi tháng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thế nhưng họ cho rằng, do vận dụng sai tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD, Sở Giáo dục tỉnh An Giang đã làm mất đi biết bao quyền lợi của các thầy cô giáo nơi đây.

Điều làm chúng tôi thắc mắc nhiều nhất là Công văn chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng tại sao mỗi nơi thực hiện mỗi khác?

Ví như tỉnh Bình Thuận, nhiều huyện thị đã làm tốt việc quy đổi tiết dạy và giáo viên dạy tăng giờ bao nhiêu tiết được hưởng bấy nhiêu. Nhưng tại thành phố Phan Thiết lại áp dụng việc tính tiết phụ trội như tỉnh An Giang vì thế đang gây bức xúc và thiệt thòi cho nhiều nhà giáo.

Phan Tuyết