Giáo viên biên chế trước 2015 canh cánh lo rớt hạng vì thiếu chứng chỉ

11/08/2020 06:49
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy cô giáo hãy bình tĩnh, cân nhắc có nên học hay không, đừng vì ép buộc, thiếu thông tin mà phải thắt lưng buộc bụng, ngậm bồ hòn đi học, mua bực tức cho mình.

Tòa soạn nhận được nhiều thông tin từ bạn đọc bày tỏ sự lo lắng về những vấn đề liên quan đến các loại chứng chỉ quy định cho giáo viên và ảnh hưởng của nó đến hạng viên chức nghề nghiệp.

Trong đó, một giáo viên ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định phản ánh, ngày 03/8/2020 Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định vừa có Công văn 199/PGDĐT về việc kiểm tra, rà soát, đăng ký học các lớp chứng chỉ.

Theo đó, giáo viên phải có đủ các chứng chỉ quy định phù hợp với hạng chức danh nghề nghiệp đã được bổ nhiệm.

Hiệu trưởng thông báo tới toàn thể giáo viên và tạo điều kiện cho giáo viên đăng ký học các lớp bồi dưỡng chứng chỉ đúng đối tượng.

Giáo viên biên chế trước 2015 canh cánh lo rớt hạng vì thiếu chứng chỉ ảnh 1 Nhiều giáo viên lo lắng về các loại chứng chỉ quy định cho giáo viên. (Ảnh minh họa: A.N)

Những giáo viên nào không cần chứng chỉ vẫn đủ chuẩn?

Theo các Thông tư liên tịch số: 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV có 4 nhóm giáo viên sau đây thì không cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp vẫn đủ chuẩn:

(1) Giáo viên mầm non hạng IV

(2) Giáo viên tiểu học hạng IV

(3) Giáo viên trung học cơ sở hạng III

(4) Giáo viên trung học phổ thông hạng III.

Tất cả 8 nhóm giáo viên còn lại có yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của mỗi hạng.

Nghĩa là khi giáo viên có nhu cầu xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên các hạng trong 8 nhóm này thì phải tham gia học để có chứng chỉ bồi dưỡng theo đúng tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp.

Riêng chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ giáo viên nào cũng phải có; chứng chỉ ngoại ngữ mỗi hạng có yêu cầu riêng, phù hợp với hạng nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Hiện nay, giáo viên đã được tuyển dụng trước năm 2015 đều đã được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, đã có mã số viên chức theo quy định của Thông tư liên tịch Số: 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV. [1]

Vậy không đủ chứng chỉ giáo viên biên chế trước 01/11/2015 có bị rớt hạng?

Không có quy định cho xuống hạng giáo viên đã tuyển dụng trước 2015

Điều khoản áp dụng (Điều 11) của các thông tư liên tịch BNV-BGDĐT số 20, 21, 22, 23 năm 2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông đều quy định:

"Viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Quyết định số 202/TCCP-VC ; Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư liên tịch này thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở được bổ nhiệm."

Các thông tư trên không có quy định nào về việc cho xuống hạng với các giáo viên đã được bổ nhiệm vào các hạng ngạch theo quy định tại Quyết định 202/TCCP-VP và Quyết định 61/2005/QĐ-BNV.

Giáo viên có thể đi học nếu có nhu cầu, và cơ quan quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện. Tuy nhiên, thực tế 2 bộ đang sửa các thông tư về mã số, tiêu chuẩn chức danh giáo viên.

Với chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị Bộ Nội vụ được thay thế bằng “chứng chỉ/chứng nhận bồi dưỡng thường xuyên”. [2]

Với chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hứa trước Quốc hội sẽ thay đổi để không còn làm khó giáo viên.[3]

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.[4]

Việc tổ chức bồi dưỡng, thi, cấp chứng chỉ đã được dư luận phản ánh là đem lại lợi ích không nhỏ cho nhà tổ chức, gây khó cho giáo viên.

Ngoài ra, các chứng chỉ quy định cũng thiếu tính thực tiễn trong giáo dục.

Trong bối cảnh như trên, cơ quan quản lý ra văn bản kiểm tra, rà soát, đăng ký học các lớp chứng chỉ liệu có phù hợp với thực tế hay mục đích nào khác? Chẳng khác nào “chuyến tàu vét” buộc giáo viên phải học chứng chỉ để thu lợi.

Thầy cô giáo hãy bình tĩnh, cân nhắc có nên học hay không, đừng vì ép buộc, thiếu thông tin mà phải thắt lưng buộc bụng, ngậm bồ hòn đi học, mua bực tức cho mình.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat-binh-luan-gop-y/28243/04-nhom-giao-vien-khong-can-co-chung-chi-boi-duong-theo-tieu-chuan-chuc-danh

[2] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-de-xuat-thay-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-bang-chung-chi-gi-post211251.gd

[3] https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-le-vinh-tan-cam-ket-sua-quy-dinh-ve-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-764542.ldo

[4] https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1490

Lê Mai