Giáo viên đang trong lộ trình nâng chuẩn phấn đấu thế nào đi nữa cũng chưa đạt?

02/06/2021 06:25
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ cần cần có sự điều chỉnh phù hợp, tiêu chí nào chưa đạt thì xếp riêng tiêu chí ấy mà không bị khống chế kết quả xếp loại chung.

Sau khi giáo viên các trường tiểu học, trung học ở địa phương tôi công tác tổ chức đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp, kết quả được gửi đi thì ngay lập tức bị gửi trả lại và yêu cầu đánh giá lại vì các trường đã thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo của thông tư quy định.

Chỉ một tiêu chí xếp Chưa đạt (trong vô số tiêu chí xếp Khá và Tốt) thì xếp loại chung cũng bị khống chế Chưa đạt

Chỉ một tiêu chí xếp Chưa đạt (trong vô số tiêu chí xếp Khá và Tốt) thì xếp loại chung cũng bị khống chế Chưa đạt

Giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở hiện có bằng trung cấp, cao đẳng đều nằm trong diện phải đánh giá lại.

Lý do, theo Luật Giáo dục 2019, những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định phải đánh giá “Chưa đạt” ở tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân. Và tiêu chí này sẽ khống chế xếp loại chung của giáo viên ấy.

Đây chính là điều làm nhiều thầy cô giáo tâm tư xen lẫn cảm giác bức xúc, buồn và chán nản. Bởi, biết bao công lao phấn đấu rèn luyện trong cả năm học, chỉ một tiêu chí trong rất nhiều tiêu chí chưa đạt thì tất cả cũng hóa không.

Một tiêu chí chưa đạt, tất cả sẽ bằng không

Thông tư số: 20/2018/TT-BGDĐT về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông quy định:

Điều 5. Tiêu chuẩn 2. Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ quy định:

Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

1. Tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân

a) Mức đạt: Đạt chuẩn trình độ đào tạo và hoàn thành đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn theo quy định; có kế hoạch thường xuyên học tập, bồi dưỡng phát triển chuyên môn bản thân;

b) Mức khá: Chủ động nghiên cứu, cập nhật kịp thời yêu cầu đổi mới về kiến thức chuyên môn; vận dụng sáng tạo, phù hợp các hình thức, phương pháp và lựa chọn nội dung học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân;

c) Mức tốt: Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển chuyên môn của bản thân nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Những giáo viên có trình độ trung cấp, cao đẳng bị xếp Chưa đạt tiêu chí 3. Phát triển chuyên môn bản thân cũng là điều hợp lý theo quy định chuẩn trình độ đào tạo. Điều đáng nói ở đây là quy định hướng dẫn khi xếp loại đánh giá của thông tư:

d) Chưa đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên: Có tiêu chí được đánh giá chưa đạt (tiêu chí được đánh giá chưa đạt khi không đáp ứng yêu cầu mức đạt của tiêu chí đó).

Vậy là, chỉ mỗi tiêu chí chưa đạt này thì giáo viên sẽ bị xếp loại chung là Chưa đạt dù các tiêu chí khác luôn được xếp ở mức Tốt và Khá.

Nhiều giáo viên lớn tuổi và nhiều thầy cô đang học đại học

Trong số những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo dục 2019, một số ít là giáo viên lớn tuổi (còn khoảng 5 năm nữa là về hưu) nên không đi học, còn lại khá nhiều các thầy cô giáo đang theo học đại học nhưng chưa có bằng.

Nếu Tiêu chuẩn 2 của Điều 5 là Phát triển chuyên môn nghiệp vụ, có yêu cầu giáo viên phải:

Nắm vững chuyên môn và thành thạo nghiệp vụ; thường xuyên cập nhật, nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Thì những thầy cô giáo đang học đại học bằng tiền túi của mình cũng cần được ghi nhận là đang nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Vì những lý do này, có nên xếp loại Chưa đạt hay không?

Nâng chuẩn phải có lộ trình, vì một tiêu chí chuẩn bằng cấp mà công lao nỗ lực của cả năm học bằng không

Cô giáo T. O., giáo viên Trường Tiểu học ở La Gi cho biết: “Chỉ vì một tiêu chí chưa đạt mà xếp loại chung của giáo viên “Chưa đạt” quả thật quá nặng nề. Với giáo viên mà bị xếp loại “Chưa đạt” cảm thấy thế nào ấy.

Cả một năm giáo viên phấn đấu, rèn luyện, nhiều thầy cô giáo tiêu chí nào cũng đảm bảo mức Tốt và Khá nhưng rốt cuộc xếp loại chung là Chưa đạt thấy không hợp lý”.

Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) là Tổ trưởng chuyên môn một trường tiểu học tại La Gi luôn được đồng nghiệp nhận xét là năng nổ, giỏi giang, tận tâm với học sinh. Tuy nhiên, mới tốt nghiệp cao đẳng nên cũng bị xếp loại chưa đạt về chuẩn nghề nghiệp.

Trò chuyện với chúng tôi, cô H. nói: “Xếp loại thế, bao nhiệt huyết cố gắng bỗng chốc tan biến hết”.

Không riêng gì cô H. một số thầy cô giáo hiện đã theo học đại học nhưng do tình hình Covid chưa thi tốt nghiệp và một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng đang trong thời gian hoàn thiện bằng cũng bị xếp loại Chưa đạt.

Thầy giáo D. buồn rầu chia sẻ: “Mình còn 4 năm nữa về hưu, tuổi này thì học đại học làm gì nữa. Bởi thế, nếu cứ xếp loại theo thông tư này thì xác định luôn năm nào cũng xếp loại Chưa đạt. Chỉ là xếp loại thôi chứ năng lực mình dạy học trò có thua ai?”

Dù thấy nhiều điều chưa thật sự hợp lý nhưng đã là quy định thì buộc phải theo. Mong muốn của giáo viên lúc này, Bộ cần cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp.

Thứ nhất, tiêu chí nào chưa đạt thì xếp riêng tiêu chí ấy mà không bị khống chế kết quả xếp loại chung.

Thứ hai, cần xem xét giáo viên sắp về hưu, những giáo viên đang học đại học để làm căn cứ để xét.

Thứ ba, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71/2020/NĐ-CP quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở từ 1/7/2020 đến 31/12/2030.

Các thầy cô nằm trong đối tượng nân chuẩn theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP mà chưa được bố trí học nâng chuẩn, chưa hết thời hạn nâng chuẩn mà cả năm nỗ lực bị đánh giá chưa đạt chỉ vì bằng cấp, liệu có thỏa đáng?

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thế hướng dẫn các địa phương về đánh giá giáo viên đang trong lộ trình nâng chuẩn, làm sao để vừa động viên tinh thần tự học của nhiều thầy cô giáo, vừa ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của giáo viên trong suốt một năm học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết