Giáo viên dạy lớp Một, nỗi vất vả khó nói thành lời

06/10/2019 07:10
Phan Tuyết
(GDVN) - “Dành quá nhiều thời gian để dạy dỗ cũng chỉ với mỗi mong muốn duy nhất cuối năm em nào cũng biết đọc biết viết là quá vui mừng rồi".

Giáo viên tiểu học khá vất vả so với những bậc học khác nhưng giáo viên dạy lớp Một thì sự khó khăn, cực nhọc lại gấp đến chục lần.

Một tiết học ở lớp 1 tại thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận (Ảnh tác giả)
Một tiết học ở lớp 1 tại thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận (Ảnh tác giả)

Các cô không chỉ dạy kiến thức, kỹ năng mà liên tục phải dỗ dành, phải chăm chút cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ (ở trường bán trú) chẳng khác gì sự chăm bẵm những đứa con thơ của các bà mẹ.

Mỗi giờ ra chơi giáo viên lớp Một thường ngồi kèm cho học sinh yếu thế này (Ảnh tác giả)
Mỗi giờ ra chơi giáo viên lớp Một thường ngồi kèm cho học sinh yếu thế này (Ảnh tác giả)

Không có tình yêu thương thật sự sẽ chẳng bao giờ các cô có thể dạy được như thế.

Mọi việc đều đến tay cô

Giáo viên lớp Một thường phải đến trường trước nhiều đồng nghiệp từ 15-30 phút mỗi ngày để quét dọn vệ sinh lớp học chuẩn bị cho một buổi học mới.

Những ngày đầu năm học, các cô phải hướng dẫn học sinh từ cách đi vệ sinh, cách  làm vệ sinh cá nhân sao đúng cách, sao cho sạch.

Cực nhất là chuyện học sinh đi tè thậm chí đại tiện ngay trong lớp học vẫn là chuyện thường với những đứa trẻ đầu cấp.

Những lúc như thế, cô vừa xắn áo dài vừa lau chùi người cho các em, quét dọn phòng học để lớp ổn định học tập.

Cô liên tục phải vừa dạy, vừa dỗ. Không ít em tới trường nhưng suốt buổi học chỉ khóc và đòi về.

Dỗ học sinh yên lặng để học nhưng vẫn phải đảm bảo việc dạy học cho cả lớp, cho chính những học sinh ấy.

Cô mệt cũng chẳng dám nổi cáu, vì chỉ cần cô lớn tiếng nạt nộ chúng càng khóc lớn hơn.

Ở trường bán trú, vào bữa ăn cô phải bón cho những em lười ăn, những em chưa biết cầm đũa muỗm do gia đình không tự để các con tự xúc ăn.

Cô Vân, một giáo viên dạy lớp 1 tại thị xã La Gi cho biết: “Khổ nhất là các bé ăn và đánh đổ cơm canh ra lớp.

Giáo viên phải lau dọn thật kỹ để chiều vào học lớp không có mùi.

Giáo viên dạy lớp Một, nỗi vất vả khó nói thành lời ảnh 4
Xúc động giáo viên vùng biên trèo đèo lội suối vận động học sinh đến trường

Có những hôm cho trò ăn xong, lau dọn phòng học là đến ngay giờ dạy buổi chiều mà cô chưa được nghỉ ngơi tí nào”.  

“Ôm” trò suốt buổi học

Một lớp học ít nhất cũng có vài em học trước quên sau, vừa học xong lại xem như mới.

Những học sinh này, các cô luôn phải kèm tuyệt đối trong các giờ học, đặc biệt là giờ ra chơi.

Không khó khăn gì khi đi lượn một vòng quanh các lớp Một hình ảnh bắt gặp nhiều nhất là cô ngồi giữa đám học trò chậm tiến vây quanh.

Hết cho các em đánh vần lại cầm tay bày từng nét chữ. Ngày nào cũng thế, cô trò chẳng rời nhau.

Giáo viên chúng tôi cứ nói vui rằng “ôm” học sinh suốt ngày thế mà cũng chẳng tiến bộ là bao.

Nhưng nếu không dạy kiểu thế, những học sinh này chắc chắn chẳng bao giờ có thể đọc, viết được.

Niềm vui như vỡ òa sau bao ngày, một em học sinh cá biệt nào đó đã biết đọc, biết viết bình thường như bao bạn bè khác.

Phải nói rằng, không có tình yêu thương thật sự học sinh sẽ chẳng bao giờ có được sự lo lắng, chăm chút cho các em tận tình đến thế.

Tôi nhớ mãi câu nói của một đồng nghiệp: “Dành quá nhiều thời gian để dạy dỗ cũng chỉ với mỗi mong muốn duy nhất cuối năm em nào cũng biết đọc biết viết là quá vui mừng rồi".

Phan Tuyết