Giáo viên hạng I lo rớt xuống hạng II, khả năng đổ xô đi học thạc sĩ

23/02/2021 06:15
Đỗ Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp trong việc thực hiện Thông tư 03/2021.

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông tại các thông tư 01,02,03,04/2021.

Phải nói rằng các thông tư này ra đời là một tin vui với phần lớn giáo viên trên cả nước, cụ thể nhất là việc bỏ các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui ấy thì không ít giáo viên lại mang nhiều tâm tư, đặc biệt là các giáo viên Trung học cơ sở đã được xếp hạng I nhưng chưa có bằng thạc sĩ.

Tháng 09/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức dự thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I năm 2018 cho giáo viên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên cả nước.

Mục đích của kỳ thi này là nhằm để đánh giá, lựa chọn được đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của chức danh giáo viên hạng I các cấp học trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Qua đó, cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng I và có kế hoạch quản lý, sử dụng, thực hiện các quyền lợi cho đội ngũ này; khắc phục những bất hợp lý về cơ cấu chức danh nghề nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý viên chức.

Đồng thời động viên, khuyến khích đội ngũ giáo viên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.

Qua sáu tháng triển khai kế hoạch thi thăng hạng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức được 07 cụm thi thăng hạng trên cả nước (01 cụm thi cấp Trung học phổ thông, 06 cụm thi cấp Trung học cơ sở ), nhiều tỉnh thành không có thí sinh dự thi như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Đắc Nông, Kon Tum, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

Kỳ thi thăng hạng này được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rất chu đáo, nghiêm túc và diễn ra sau những tai tiếng của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình.

Nhiều giáo viên trung học cơ sở băn khoăn về cách xếp lương. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều giáo viên trung học cơ sở băn khoăn về cách xếp lương. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Ngoài điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ thì giáo viên Trung học cơ sở muốn dự thi thăng hạng I lúc đó là phải “Có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên hoặc đại học các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở ” và được Ủy ban nhân dân tỉnh cử tham gia dự thi".

Sau kỳ thi này, vào tháng 11/2019 những thí sinh thi đạt đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh bổ nhiệm vào chức danh giáo viên Trung học cơ sở hạng I (MS: V.07.04.10).

Tuy nhiên mới đây khi Thông tư 03/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở có quy định đối với giáo viên Trung học cơ sở hạng I phải Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên”.

Khoản 3 Điều 9 (Điều khoản chuyển tiếp) Chương IV (Điều khoản thi hành) Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT quy định:

"Trường hợp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) do chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mã số V.07.04.30) nên được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này sau khi đạt các tiêu chuẩn của hạng I (mã số V.07.04.30) thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) mà không phải thông qua kỳ thi hoặc xét thăng hạng."

Điều này đồng nghĩa với việc những giáo viên Trung học cơ sở hạng I hiện nay nếu chưa có bằng thạc sĩ sẽ được bổ nhiệm vào hạng II (rớt hạng).

Phần đông giáo viên Trung học cơ sở hạng I cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định như vậy là quá xem trọng về bằng cấp, làm khó cho giáo viên và dọn đường cho các trường đại học mở rộng tuyển sinh đào tạo thạc sĩ.

Trong khi đó có rất nhiều giáo viên Trung học cơ sở hạng I mặc dù có chưa có trình độ thạc sĩ nhưng có năng lực chuyên môn tốt, là giáo viên cốt cán cấp phòng, cấp sở nhiều năm nay cũng đành phải xuống hạng.

Ngược lại, nhiều giáo viên dù đã được công nhận là hạng I nhưng chưa có đủ các tiêu chuẩn về nghiệp vụ song họ sẽ nghiễm nhiên được bổ nhiệm sang hạng I do đủ trình độ.

Đây là một bất cập lớn nhất trong phân hạng giáo viên Trung học cơ sở theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.

Trước khi thông tư được ban hành, nhiều giáo viên đã gửi kiến nghị đến ban soạn thảo đề xuất nên bổ nhiệm tất cả giáo viên Trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) hiện nay vào chức danh nghề nghiệp giáo viên Trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30), song những ý kiến đó đã không được ghi nhận.

Từ đó cho thấy kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I năm 2018 cho giáo viên cấp Trung học cơ sở (chưa có trình độ thạc sĩ) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã hoàn toàn vô nghĩa.

Nhiều thầy cô cho rằng nếu biết trước điều này thì chắc chắn họ sẽ không tham gia kỳ thi này.

Vì nếu không thi thì khi Thông tư 03/2021 có hiệu lực thì họ và những giáo viên Trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.10) hiện tại cũng sẽ được bổ nhiệm sang hạng II (mã số V.07.04.30) với mức lương như hiện nay.

Trước khi Thông tư 03/2021 có hiệu lực và hướng dẫn thi hành, chúng tôi tiếp tục kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại việc thực hiện thông tư này.

Nên chăng đối với những người đã được bổ nhiệm vào giáo viên Trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) thì khi chuyển sang thực hiện thông tư mới nên đặc cách cho họ được bổ nhiệm sang giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) dù trình độ là đại học .

Còn quy định có trình độ là thạc sĩ theo thông tư mới sẽ là điều kiện để sau này giáo viên thi/xét thăng hạng.

Hầu hết giáo viên trung học cơ sở tham gia thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I năm 2018 ngoài việc được nâng ngạch để hưởng một mức lương cao hơn (dù có người được nâng không đáng kể), việc cần ưu tiên hàng đầu là để được sự ghi nhận, đề cao vai trò và tạo cơ hội của các cấp để giáo viên phấn đấu, cống hiến trong sự nghiệp giáo dục của mình.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có những hướng dẫn điều chỉnh cho phù hợp trong việc thực hiện Thông tư 03/2021, tạo động lực cho giáo viên Trung học cơ sở hạng I tiếp tục yên tâm phấn đấu công tác và kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I năm 2018 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức có ý nghĩa thiết thực của nó.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Hùng