Giáo viên hợp đồng Bắc Ninh đề nghị làm rõ trách nhiệm của Sở Nội vụ

04/08/2020 06:11
Nam Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh giao Sở giáo dục và các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung hồ sơ các trường hợp giáo viên hợp đồng được đặc cách.

148 giáo viên hợp đồng tỉnh Bắc Ninh đã vượt qua kỳ thi tuyển dụng đặc cách bao gồm 2 vòng: vòng 1 – vòng hồ sơ và vòng 2- thi chuyên môn thì bất ngờ Sở Nội vụ không công nhận kết quả.

Giải thích với Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng phòng Công chức, viên chức thuộc Sở Nội vụ Bắc Ninh cho biết:

Hiện nay còn 148 giáo viên hợp đồng đang chờ Sở Nội vụ phê duyệt hồ sơ đặc cách.

Số giáo viên này có hợp đồng lao động làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015 và tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Năm học 2018-2019 Ủy ban Nhân dân tỉnh có công văn số 405 trong đó nêu: “chấm dứt các hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ ở các đơn vị giáo dục, sau khi kết thúc đợt thi tuyển viên chức năm 2017 (chậm nhất ngày 31/5/2018)”.

Do vậy từ năm học 2018-2019 đến nay, các trường tại Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chuyển sang ký hợp đồng khoán việc làm công tác tại các trường học.

Thực tế ở Bắc Ninh là vậy, trong khi đó tại công văn 5378 của Bộ Nội vụ ghi rõ điều kiện giáo viên hợp đồng được xét tuyển đặc cách:

“Đối tượng được xét tuyển đặc cách là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm, giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập, đã có thời gian ký hợp đồng lao động có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm công việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng”.

Như vậy vướng mắc của 148 trường hợp giáo viên hợp đồng trên nằm ở điểm: Theo công văn 5378 yêu cầu giáo viên phải là những người đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm…

Trong khi đó từ năm 2018-2019, số giáo viên này được chuyển về hợp đồng khoán kinh phí.

Sở Nội vụ đã có công văn gửi Bộ Nội vụ xin chỉ đạo hướng tháo gỡ vướng mắc. Ngay khi Bộ Nội vụ có chỉ đạo, Sở Nội vụ sẽ làm hết sức vì quyền lợi của giáo viên hợp đồng.

Công văn 364 của Sở Nội vụ Bắc Ninh không công nhận kết quả thi tuyển đặc cách của 148 giáo viên hợp đồng (Ảnh:N.D)

Công văn 364 của Sở Nội vụ Bắc Ninh không công nhận kết quả thi tuyển đặc cách của 148 giáo viên hợp đồng (Ảnh:N.D)

Ngày 6/7/2020, Bộ Nội vụ có công văn số 3336/BNV-CCVC: Về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng tại tỉnh Bắc Ninh.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng để quyết định việc tuyển dụng đặc cách đối với nhóm đối tượng này theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

Ngay sau khi Bộ Nội vụ có công văn 3336, ngày 8/7/2020, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Tân - Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Ninh, ông Tân cho biết:

"Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh đã nhận được công văn chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ trình phương án đến Ủy ban Nhân dân tỉnh. Sau khi có chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh có chỉ đạo, Sở Nội vụ sẽ có phương án công nhận kết quả đặc cách cho giáo viên trên tinh thần tạo điều kiện hết mức cho giáo viên."

Tuy nhiên đến thời điểm này (4/8/2020), tại tỉnh Bắc Ninh, 148 giáo viên hợp đồng đã vượt qua 2 vòng thi sát hạch nhưng không được công nhận kết quả vẫn mòn mỏi chờ đợi phương án chính thức từ Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Vì thế nhiều giáo viên cảm thấy rất sốt ruột đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và công việc của thầy cô.

Công văn chỉ đạo của Bộ Nội vụ vấn đề giáo viên hợp đồng Bắc Ninh (Ảnh:N.D)

Công văn chỉ đạo của Bộ Nội vụ vấn đề giáo viên hợp đồng Bắc Ninh (Ảnh:N.D)

Mới nhất, ngày 27/7/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh có công văn số 66/TB-UBND: Thông báo “Kết luận của đồng chí Nguyễn Hữu Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tại Hội nghị triển khai kế hoạch thi tuyển giáo viên 2020”.

Đối với việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước:

Xác định đối tượng được xét tuyển đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ tại các Công văn số 5378 ngày 5/11/2019, 1589 ngày 27/3/2020, 2624 ngày 26/5/2020 và 3336 ngày 6/7/2020.

Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát trường hợp đã nộp hồ sơ và bổ sung các trường hợp mới thuộc đối tượng tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ 31/12/2015 trở về trước theo quy định.

Trường hợp giáo viên đã nộp hồ sơ xét tuyển đặc cách giáo viên nhưng không đủ điều kiện tuyển dụng, cho phép bổ sung vào danh sách đăng ký và bổ sung chỉ tiêu thi tuyển giáo viên năm 2020.

Với những chỉ đạo nêu trên của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, 148 giáo viên hợp đồng đã vượt qua kỳ thi sát hạch sẽ phải đợi kết quả chính thức thêm một thời gian nữa để biết họ có được công nhận kết quả hay không?

Chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về vấn đề giáo viên hợp đồng (Ảnh:N.D)

Chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh về vấn đề giáo viên hợp đồng (Ảnh:N.D)

Cô giáo N.H.V, giáo viên hợp đồng huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) chia sẻ: “Có 2 vấn đề mà 148 giáo viên hợp đồng tỉnh Bắc Ninh mong muốn Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Nội vụ làm rõ.

Thứ nhất, đối với kết quả của 148 giáo viên đã vượt qua 2 vòng sát hạch được Sở giáo dục và Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố công nhận; kết quả đó có được công nhận hay không khi chúng tôi đã phải trải qua 2 vòng thi rất nghiêm ngặt, quy củ?.

Thứ hai, làm rõ trách nhiệm tham mưu của Sở Nội vụ khi không tham mưu hiệu quả ngay từ đầu để các địa phương tổ chức một kỳ thi viên chức rất tốn kém, làm mất thời gian của giáo viên, mất tiền của.

Nếu chúng tôi không được công nhận kết quả tại sao lại tổ chức thi ngay từ đầu mà không hủy kỳ thi đó đi?”.

Nam Dương