Giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát vẫn mòn mỏi chờ được đặc cách

26/05/2020 06:08
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Văn phòng Chính Phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định xem xét, giải quyết vấn đề đặc cách cho giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát tồn đọng thời gian qua.

Phản ánh đến Giáo dục điện tử Việt Nam, nhiều giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) cho biết: Họ mong ngóng vấn đề xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng sẽ được Phòng giáo dục và đào tạo huyện Phù Cát giải quyết trước tháng 5/2020.

Trước đó, như đã đưa tin, sau khi có công văn số 5378 của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ tỉnh Bình Định đã ban hành văn bản số 1624/SNV-CCVC; Ủy ban Nhân dân tỉnh có công văn số 7450/UBND-NC ngày 5/12/2019: Về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.

Thực hiện theo chỉ đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định cùng Ủy ban Nhân dân các huyện trong tỉnh như An Nhơn, Hoài Nhơn đều có công văn hướng dẫn thực hiện cụ thể và hàng trăm giáo viên hợp đồng trước 2015 được lập danh sách gửi Sở Nội Vụ xét tuyển đặc cách.

Tại huyện Phù Cát, Ủy ban Nhân dân huyện chẳng những không có thông báo hướng dẫn thực hiện xét đặc cách mà còn thẳng tay cắt hết các loại hợp đồng của giáo viên (dài hạn, ngắn hạn, thỉnh giảng…).

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của giáo viên mà còn khiến cho các thầy cô mất đi cơ hội được xét tuyển đặc cách theo đúng tinh thần công văn 5378 của Bộ Nội vụ.

Theo kiến giải của ông Nguyễn Tấn Hưng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Cát: Huyện Phù Cát sẽ không thực hiện việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng lao động và đóng Bảo hiểm xã hội trước 2015 vì hết vị trí việc làm.

Với những thông tin phản ánh nêu trên được đăng tải trên Giáo dục Việt Nam, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã có văn bản số 756/UBND-VX về việc: Báo Giáo dục Việt Nam phản ánh thông tin: Hàng trăm giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát bức xúc vì bị dồn vào…ngõ cụt.

Theo văn bản trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh nội dung thông tin Báo Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, khẩn trương làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với các tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có), trả lời Báo Giáo dục Việt Nam, báo cáo kết quả cho Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh trước ngày 20/02/2020, đồng thời gửi báo cáo cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông để theo dõi, tổng hợp.

Mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định đã trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát tuy nhiên đến thời điểm này giữa các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Điều này khiến những giáo viên kể trên tiếp tục gửi đơn kêu cứu Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định.

Văn phòng Chính phủ chỉ đạo giải quyết việc đặc cách cho giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát

Văn phòng Chính phủ chỉ đạo giải quyết việc đặc cách cho giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát

Trong đơn kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ: Về việc trả lời đơn của Ủy ban Nhân dân huyện Phù Cát và Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Phù Cát, thầy giáo Phạm Tấn Lực bày tỏ nguyện vọng chung của giáo viên hợp đồng trên toàn huyện:

Chúng tôi viết đơn này để trình bày sự việc với quý cơ quan và đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và quý cơ quan có thẩm quyền xem xét lại, kiểm tra và can thiệp giúp chúng tôi bảo vệ quyền lợi cho tôi cũng như nhiều giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Phù Cát. (Vấn đề này tôi và các giáo viên hợp đồng trước 2015 trên địa bàn huyện Phù Cát bắt đầu có ý kiến xem xét từ khi Ủy ban Nhân dân tỉnh ra công văn 7450 ngày 5/12/2019 cho đến nay vẫn chưa được giải quyết).

Sau khi nhận được đơn của kiến nghị của giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát, Văn phòng Chính phủ đã có chỉ đạo:

Văn phòng Chính phủ nhận được đơn, thư của một số công dân tỉnh Bình Định gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ. Qua kiểm tra nội dung, có 31 đơn, thư thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định.

Văn phòng Chính phủ chuyển số đơn thư trên (danh sách kèm theo) đến Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định để chỉ đạo việc kiểm tra, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả để giải quyết.

Thầy giáo Phạm Tấn Lực chia sẻ: “Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân tỉnh đáng lý ra chúng tôi phải được thực hiện xét đặc cách.

Thế nhưng huyện Phù Cát không làm và lý do đưa ra là hết vị trí việc làm. Tuy nhiên trên thực tế cách tính chỉ tiêu của Phòng giáo dục huyện quy đổi từ số học sinh, số lớp học ra con số giáo viên.

Thực tế có những môn thừa giáo viên và có những môn thiếu giáo viên. Do vậy chúng tôi đề nghị Phòng giáo dục huyện Phù Cát phải có phương án rà soát, thống kê và thực hiện xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định.

Vì thế chúng tôi mong Phòng giáo dục và đào tạo huyện Phù Cát sẽ đặc cách cho giáo viên hợp đồng và giải quyết vấn đề này trước tháng 5/2020 để chúng tôi yên tâm công tác”.

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Phù Cát thời gian qua bị phanh phui nhiều sai phạm trong công tác quản lý (Ảnh minh họa:tienphong.vn)

Phòng giáo dục và đào tạo huyện Phù Cát thời gian qua bị phanh phui nhiều sai phạm trong công tác quản lý (Ảnh minh họa:tienphong.vn)

Như vậy đã trải qua hơn 3 tháng kêu cứu, gần 100 giáo viên hợp đồng huyện Phù Cát vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng cho việc xét đặc cách theo công văn 5378.

Điều này đã làm mất đi cơ hội việc làm của gần 100 giáo viên, theo đó nhiều giáo viên đã bị cắt hợp đồng rơi vào tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó việc khiến nhiều giáo viên cảm thấy bức xúc là trong khi các huyện khác (tỉnh Bình Định) đã hoàn thành xong công tác xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng thì sự việc tại huyện Phù Cát vẫn kéo dài từ tháng 9/2019 đến tháng 5/2020 mà vẫn chưa có phương án thực hiện.

Vấn đề xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng theo công văn 5378 cũng đang là vấn đề nóng tại nhiều địa phương trên cả nước trong đó có Thành phố Hà Nội.

Vũ Ninh