Giáo viên nào học đủ 9 modul chương trình mới, đề nghị Bộ bỏ chứng chỉ chức danh

14/02/2021 06:13
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên có nhu cầu thăng hạng vừa học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vừa bồi dưỡng các modul chương trình mới có nhiều nội dung trùng lặp, chồng chéo.

Nhiều năm qua, việc yêu cầu giáo viên thăng hạng phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhận được đông đảo sự quan tâm của giáo viên.

Trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hầu hết giáo viên đều phản đối chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, bởi nội dung bồi dưỡng các chuyên đề không có gì mới, nhưng người học phải mất thời gian, công sức, tiền bạc một cách vô bổ.

Tiếp đến, năm học 2020-2021, giáo viên phải lần lượt bồi dưỡng hàng loạt modul cho Chương trình giáo dục phổ thông mới – cũng có nhiều nội dung chồng chéo, trùng lặp với một số chuyên đề của chứng chỉ chức danh nghề nghiệp khiến người học quá tải, mệt mỏi.

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Giaoducthoidai.vn)

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Giaoducthoidai.vn)

Nội dung 10 chuyên đề bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp

Chuyên đề 1: “Lí luận về Nhà nước và hành chính Nhà nước”; Chuyên đề 2: “Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo”;

Chuyên đề 3: “Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Chuyên đề 4: “Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường”;

Chuyên đề 5: “Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường”; Chuyên đề 6: “Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên”;

Chuyên đề 7: “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh”; Chuyên đề 8: “Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường”;

Chuyên đề 9: “Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên”; Chuyên đề 10: “Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển”.

Nội dung 9 modul bồi dưỡng Chương trình giáo dục phổ thông mới

Modul 1: “Hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”; Modul 2: “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông;

Modul 3: “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”; Modul 4: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông;

Modul 5: “Tư vấn và hỗ trợ học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông trong hoạt động giáo dục và dạy học”; Modul 6: “Xây dựng văn hóa nhà trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”;

Modul 7: “Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường ở trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”; Modul 8: “Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”.

Modul 9: “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”;

Một số nội dung chồng chéo giữa chuyên đề bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp và các modul Chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ nhất, Chuyên đề 4: “Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường” trùng với Modul 5: “Tư vấn và hỗ trợ học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông trong hoạt động giáo dục và dạy học”;

Modul 7: “Thực hiện và xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường ở trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” và Modul 8: “Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”.

Thứ hai, Chuyên đề 7: “Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh” trùng với Modul 2: “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông” và Modul 3: “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.

Thứ ba, Chuyên đề 8: “Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường” trùng với Modul 3: “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”.

Thứ tư, Chuyên đề 9: “Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên trùng với Modul 4: “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”.

Thứ năm, Chuyên đề 10: “Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển” trùng với Modul 6: “Xây dựng văn hóa nhà trường tiểu học/trung học cơ sở/trung học phổ thông”.

Một vài kiến nghị, đề xuất

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi xin có một vài đề xuất như sau:

Thứ nhất, giáo viên đã tham gia bồi dưỡng đầy đủ 9 modul của Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) và được cấp chứng chỉ của toàn khóa học thì không phải học thêm chứng chỉ chức chỉ chức danh nghề nghiệp (nếu có nhu cầu thăng hạng).

Chẳng hạn như, giáo viên đã học xong Modul 2 và Modul 3 nhưng phải học thêm Chuyên đề 7 (một trong 10 chuyên đề bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp) là không cần thiết, bởi nội dung trùng lặp về dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Thứ hai, Điều 33 (chế độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức) Luật Viên chức (2019) có nội dung quy định về hình thức đào tạo, bồi dưỡng viên chức gồm: “Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ quản lý; Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; Bồi dưỡng nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, kỹ năng phục vụ hoạt động nghề nghiệp.”

Như thế, giáo viên có thể tự học, tự bổ túc kiến thức sao cho phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghề nghiệp, chứ không nhất thiết phải trải qua thời gian đào tạo 3 tháng (240 tiết, 10 chuyên đề) để được cấp chứng chỉ.

Thứ ba, cùng với việc bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì các Bộ, ngành liên quan cũng nên xem xét bỏ luôn chứng chỉ ngoại ngữ và tin học khi giáo viên tham gia thi/xét thăng hạng.

Khi giáo viên giữ hạng cao hơn, yêu cầu về trình độ Tin học cũng rất cần thiết, nhưng phải thể hiện qua khả năng sử dụng công nghệ thông tin của giáo viên, chứ không phải ở chứng chỉ cho đủ thủ tục.

Riêng ngoại ngữ, giáo viên giữ hạng cao hơn (trừ giáo viên dạy ngoại ngữ) cũng không mấy ai sử dụng sử dụng tiếng nước ngoài vào công việc. Giáo viên không hề thiếu các tài liệu tham khảo – ngoại trừ những người viết bài báo khoa học chuyên ngành, nhưng số này cũng rất hiếm.

Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu hình thức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp làm sao cho hợp lí, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy ở chương trình mới.

Bởi chất lượng chuyên môn có tiến triển hay không, rõ ràng không phụ thuộc vào chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giay-phep-con-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-bo-giao-duc-can-lam-gi-post215603.gd

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lieu-giao-vien-co-thoat-canh-mot-co-hai-chung-chi-nghe-nghiep-post211292.gd

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-de-xuat-thay-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-bang-chung-chi-gi-post211251.gd

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-muon-thay-chung-chi-boi-duong-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-post211210.gd

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/neu-giao-vien-ca-nuoc-hoc-chung-chi-nghe-nghiep-se-phai-bo-ra-2-2-nghin-ti-dong-post211223.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn và quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên