Long đong thân phận giáo viên lót đường
Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện những dòng tâm sự, những trạng thái về nghề giáo và nhất là đối với cấp bậc tiểu học.
Cô Nguyễn Thị Bông (sinh năm 1993), giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn Thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã chia sẻ nỗi lòng trên trang mạng cá nhân:
“Thấy đồng nghiệp chia sẻ nhiều quá mình cũng muốn góp vui. 4 năm ra trường đi dạy 4 trường 4 vùng miền khác nhau, mỗi năm chỉ 6 tháng của giáo viên thai sản... Ấy vậy mà luôn kiên cường với nghề”.
Cô Nguyễn Thị Bông chụp hình kỷ yếu cùng các học sinh ngày tổng kết. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Những cảm xúc đó, đã làm cho nhiều phụ huynh phải xót lòng khi nghĩ về thân phận của giáo viên. Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết nối được với cô Nguyễn Thị Bông.
Cô Bông nhớ lại cảm giác đứng trên bục giảng lắng đọng nhiều cảm xúc. Ở nơi đó, chỉ có tình yêu của cô giáo dành cho các em học sinh vô tư, hồn nhiên. Cô Bông Sen không thể diễn tả được hết cảm xúc của mình khi đến với các bạn trẻ con.
Cô Bông rất thích các học sinh gọi với biệt danh trìu mến là Bông Sen và được hòa mình cùng các em với những con số, con chữ ở trên lớp. Tình yêu trẻ con của cô Bông Sen đã nhận được sự ưu ái quan tâm đặc biệt của các phụ huynh.
Năm rồi, nhiều phụ huynh biết cô Bông Sen vẫn còn là giáo viên hợp đồng nên ngày chia tay, các phụ huynh đã chúc cô năm sau sẽ có việc làm ổn định.
Các phụ huynh đã hỗ trợ cho cô có nhiều kỷ niệm đẹp bên các em học sinh.
Trong quảng thời gian làm giáo viên, cô Bông Sen nhớ nhất là kể truyện cho các em nghe vào buổi trưa và ôm các em vào lòng để ngủ. Trẻ con thì lại rất thích được nghe những câu chuyện cổ tích.
Vậy là, cô Bông Sen phải chuẩn bị cho mình những mẫu c huyện mỗi ngày để dành cho các em.
Cô Nguyễn Thị Bông. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Lưu giữ ký ức tuổi thơ
Cuối năm học, cô đã bỏ tiền túi, tự tay gói 42 món quà để tặng cho các bé một cách cẩn thận. Những món quà không mang nặng giá trị vật chất nhưng đong đầy tấm lòng của cô giáo dành cho học sinh.
Món quà đó kèm với những cuốn sổ tay nhỏ bé, xinh xinh có lời nhận xét và kèm ký tên của cô dành cho từng em với những lời chúc.
Buổi chia tay hôm ấy, các bé đi ăn trưa cũng mang theo, đi ngủ cũng phải ôm chặt món quà nhỏ vì sợ mất. Nhiều em tuy được phụ huynh chăm lo đủ đầy về vật chất nhưng món quà ý nghĩa mà cô giáo trẻ dành cho các em thì khó mà tìm thấy được.
Thông qua món quà, cô muốn nhắn gửi và hướng dẫn các em nên sử dụng sổ tay để ghi lại những việc quan trọng của bản thân. Những việc các em cần phải nhớ mà không được lãng quên.
Nhiều em còn hào hứng xin cô số điện thoại để ghi vào sổ, để sau này các em lớn sẽ tìm về với cô.
Cẩn thận kẻo bị lừa trong kỳ thi viên chức, công chức |
Trong sổ, cô Bông Sen còn lưu lại những dòng chữ cho các em: “Trong thời gian qua đôi lúc cô hay nóng tính, la phạt các em. Cô hy vọng các em thông cảm và bỏ qua cho cô. Chúng ta sẽ lưu giữ những kỷ niệm đẹp về nhau nhé!”.
“Cô sẽ lưu giữ hình các em trên mạng, sau này các em lớn, biết sử dụng điện thoại có thể tìm cô và lấy kỷ niệm”, cô Bông Sen kể.
Đọc xong những dòng trên, nhiều em đã khóc òa lên rồi chạy đến ôm cô giữa lớp như không hề muốn chia ly.
Nhắc lại kỷ niệm về các bạn, cô Bông Sen vẫn chưa hết bùi ngùi với các em học sinh. Đi dạy được 4 năm, các em vẫn còn giữ mối liên lạc với các cô thông qua mạng xã hội Zalo.
Nhiều học sinh cô chủ nhiệm năm đầu tiên khi các em còn là học sinh cấp 3 đã mượn điện thoại của phụ huynh kết bạn qua số điện thoại với cô để hỏi thăm, chia sẻ với cô.
Cô Nguyễn Thị Bông cùng phụ huynh và các em học sinh. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Những lúc hè về, cô trò đều rãnh và là lúc các bạn thường xuyên liên lạc với cô nhất để nhớ lại kỷ niệm tuổi thơ. Có những bạn học sinh đã học đến lớp 7 nhưng vẫn không thể nào quên được cô giáo Bông Sen.
Cô nói, các em có trí nhớ rất tốt và nhiều kỷ niệm các em không thể nào quên được. Những câu chữ cô nói trên lớp đã khắc sâu trong tâm trí các em mà chính bản thân cô không hay biết.
Khi được hỏi về tương lai, nếu không còn cơ hội làm giáo viên tiểu học, cô sẽ làm gì?
Một cảm giác buồn bao trùm lấy cuộc trò chuyện và cô khẳng định sẽ theo đuổi ngành hoa vì cô Bông Sen rất thích làm hoa, trang trí.
Trong thâm tâm, cô vẫn luôn theo đuổi nghề dạy trẻ vì cô yêu sự hồn nhiên, vô tư của các em và ảnh hưởng từ người mẹ. Bóng dáng người mẹ dịu dàng trên bục giảng như một tượng đài khiến cô nghĩ về nghề giáo day dứt không thôi.
Cô Bông Sen tự tin, dù sở đâu và có khó khăn đến dường nào, cô vẫn có thể theo được nghề giáo.
Giọt nước mắt trong ngày lễ khai giảng
Năm tới, cô đã có hướng đi mới, ổn định hơn để chú tâm vào con đường cô đã chọn. Cô Bông Sen đã đậu vào một trường tư thục trên địa bàn tỉnh Bình Dương để tiếp tục sự nghiệp của mình.
Được nhận vào trường tư thục để dạy, cô nửa mừng nhưng cũng nửa lo. Môi trường mới, cách dạy mới và cô vẫn đặt niềm tin sẽ vượt qua được.
Cô Bông Sen nói trong sự hân hoan, đây sẽ là năm được ký hợp đồng và dạy đủ 9 tháng, trọn 2 học kỳ. Những năm rồi, cô chỉ được ký hợp đồng thời vụ, 6 tháng 1 lần.
Những phần quà nhỏ dành cho các em học sinh ngày tổng kết. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Cô Bông Sen không dấu kỹ năng giáo dục trẻ của bản thân, cô muốn chia sẻ với các đồng nghiệp về nghiệp vụ của mình. Cô nói, để rèn luyện được học sinh cá biệt trong lớp cần phải có sự tương tác giữa cô và trò.
Cô phải xem các em như những người bạn, những người cộng sự trong lớp để cảm hóa các em. Những em học sinh cá biệt thì nghịch phá và không chịu học nên cô thường nhờ đi phát tập cho các bạn.
Thế là, các em thấy được cô trọng dụng nên rất phấn khích. Cô khuyến khích các em nhiều hơn thay cho lời chỉ trích, thay cho những lời đe nẹt.
Nhiều em học sinh cá biệt chỉ vài tháng đã thay đổi hẳn tâm tính, nhưng cũng có những em phải mất rất lâu do thay đổi dần bản năng.
Hình phạt nặng hơn, cô bắt các em viết phạt vài trang giấy với các ký tự “+, -, x, :” trong tập. Sau mỗi trang chép phạt đó, các em phải mang về cho phụ huynh ký xác nhận như để nhắc nhở cùng phối hợp uốn nắn các em.
Năm tới đây được dạy ở trường mới, cô tự tin sẽ không còn những giọt nước mắt rơi vào ngày khai giảng mà thay vào đó sẽ là những nụ cười. Thân phận những giáo viên hợp đồng, giáo viên lót đường 6 tháng như những giọt nước mắt lăn dài gấu áo mỗi khi nghe tiếng trống trường.
Các giáo viên hợp đồng thời vụ đã cố giấu những giọt nước mắt vào trong để khoác lên mình tà áo dài đến lớp cùng các học sinh. Bởi danh chưa chính thì ngôn chưa thuận. Mang danh là giáo viên nhưng chưa được đối xử bình đẳng như những giáo viên dưới danh nghĩa viên chức.
Trong 4 năm đi dạy, cô Bông Sen đã thay đổi 4 ngôi trường và tương đương với 4 địa điểm khác nhau. Trường đầu tiên cô dạy ở Bình Định và trường tiểu học năm vừa qua ở Bình Dương.