Hải Phòng: Bị tố lạm thu, hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Lại Xuân nói gì?

06/08/2020 07:11
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Bùi Khánh Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lại Xuân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã phản hồi những kiến nghị của phụ huynh về một số khoản thu tại trường.

Như Giáo dục Việt Nam thông tin, nhiều phụ huynh có con, em đang học tập tại Trường Trung học cơ sở Lại Xuân (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho rằng, một số khoản thu chi tại trường chưa công khai, minh bạch và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ.

Sau khi tiếp nhận phản ánh, ông Bùi Khánh Hòa, Hiệu trưởng nhà trường đã có cuộc làm việc với Giáo dục Việt Nam để thông tin về những kiến nghị của phụ huynh.

Phụ huynh hiểu chưa đúng bản chất các khoản thu?

Cụ thể, đối với nội dung nhà trường thu tiền dạy thêm học thêm của học sinh năm học 2018-2019 là 7.500 đồng/tiết, trong khi đó quy định mức thu đối với trường ngoại thành là 7.000 đồng/tiết học.

Ông Hòa cho biết, Trường Trung học cơ sở Lại Xuân thực hiện thu tiền dạy thêm học thêm theo đúng quy định là 7.000 đồng/tiết học.

Mỗi tuần học sinh được học 4 tiết, tính ra mỗi tháng học sinh phải đóng 112.000 đồng/môn học.

Khi phụ huynh nộp tiền cho con, đáng lẽ phụ huynh chỉ phải đóng đúng số tiền trên nhưng có nhiều người đóng thành 120.000 đồng và không lấy lại tiền thừa (thừa 8.000 đồng tương ứng với 500 đồng/tiết học).

Từ thực tế này, ngay đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch vận động phụ huynh ủng hộ số tiền thừa đó để xây dựng quỹ hỗ trợ chất lượng, phục vụ khen thưởng cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lại Xuân lên tiếng về nội dung phản ánh các khoản thu tại nhà trường (Ảnh: phụ huynh cung cấp)

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lại Xuân lên tiếng về nội dung phản ánh các khoản thu tại nhà trường (Ảnh: phụ huynh cung cấp)

“Kế hoạch vận động này được chúng tôi đưa ra xin ý kiến các bậc phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh toàn trường.

Trong năm học 2018-2019, nhà trường đã vận động được hơn 100 triệu đồng từ số tiền thừa phụ huynh đóng tiền dạy thêm học thêm để xây dựng quỹ hỗ trợ chất lượng.

Số tiền đó, chúng tôi chi khen thưởng học sinh có thành tích xuất sắc, hỗ trợ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập”, ông Hòa giải thích.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lại Xuân cũng khẳng định, nhà trường không thu 7.500 đồng tiền dạy thêm học thêm như phụ huynh phản ánh.

Đối với thông tin, 17 giáo viên chủ nhiệm đã hoàn thiện hồ sơ chứng từ thanh toán cho thủ quỹ, kế toán tiền học thêm năm 2018-2019 là 8 tháng.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà nhà trường chi nộp về kho bạc số tiền này chỉ có 6 tháng.

Nội dung này, ông Bùi Khánh Hòa cho rằng, ở trường ngoại thành, không phải bậc phụ huynh nào cũng đóng một lúc đủ 8 tháng tiền dạy học thêm cho con.

Theo quy định, nhà trường phải nộp đủ 8 tháng tiền dạy thêm học thêm vào kho bạc nhà nước, nhưng có nhiều trường hợp phụ huynh đến cuối năm mới đóng đủ 8 tháng tiền học.

Chính vì vậy, nhà trường nộp trước 6 tháng và đợi gom đủ số tiền phụ huynh còn thiếu, sau đó mới nộp tiếp vào kho bạc.

Phụ huynh phản ánh, cuối học kỳ 1 năm học 2019-2020, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lại Xuân đã vận động mỗi phụ huynh đóng 200.000 đồng để ủng hộ quỹ hỗ trợ xét tốt nghiệp đối với học sinh lớp 9.

Toàn trường có 153 học sinh thì tổng số tiền thu được là hơn 30 triệu đồng, trong khi đó theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không có khoản thu nào có tên “Quỹ hỗ trợ xét tốt nghiệp”.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lại Xuân cho rằng, khoản quỹ hỗ trợ xét tốt nghiệp thực chất là lệ phí phục vụ hồ sơ cho học sinh.

Các khoản lệ phí gồm: tiền làm ảnh, lệ phí cấp bằng, phí làm giấy chứng nhận tốt nghiệp, mua phiếu tuyển sinh.

“Nhà trường lập quỹ giúp các phụ huynh làm hồ sơ tốt nghiệp trung học cơ sở cho con em họ.

Sau khi tổng kết các chi phí, nhà trường sẽ quyết toán và trả lại tiền thừa cho phụ huynh”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cũng phủ nhận, không có khoản thu 270.000 đồng/học sinh tiền làm hồ sơ thi vào lớp 10 năm học 2020-2021 như nội dung đơn phụ huynh phản ánh.

Theo ông Hòa, số tiền 270.000 đồng bản chất là tiền ôn thi cho học sinh lớp 9 có nguyện vọng thi vào lớp 10.

“Giữa tháng 5/2020, nhà trường xây dựng kế hoạch ôn thi 3 môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh (tổng số 240 tiết) cho học sinh lớp 9 có nguyện vọng thi vào lớp 10. Học sinh đăng ký ôn thi phải nộp số tổng tiền ôn thi 3 môn là 1.680.000 đồng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học tập của học sinh bị gián đoạn nên nhà trường đã tăng số tiết ôn thi từ 240 tiết lên thành 280 tiết (học sinh phải đóng 1.950.000 đồng).

Việc thay đổi kế hoạch ôn thi hoàn toàn xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng của học sinh và đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh.

Song, khi học sinh quay trở lại trường học tập sau thời gian dài nghỉ dịch, việc ôn tập bị gián đoạn do có nhiều ngày nghỉ (tổng kết, làm hồ sơ thi đua, khen thưởng…), nên giáo viên chỉ ôn được 256 tiết.

Nhà trường đã tính toán và trả lại số tiền 150.000 đồng tương ứng với số tiết còn thiếu cho phụ huynh”, ông Hòa thông tin.

Hiệu trưởng nhận khuyết điểm

Cũng theo phản ánh của phụ huynh, theo công văn số 803 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian kết thúc năm học 2019-2020 trước ngày 15/7/2020.

Tuy nhiên, hiệu trưởng đã chỉ đạo cho tất cả các môn (Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa Lý, Âm nhạc, Mỹ Thuật, Sinh học, Hóa, Vật lý, Công nghệ) tổ chức kiểm tra học kỳ vào ngày 15/5/2020.

Sau khi kiểm tra học kỳ, các môn này kết thúc chương trình, trong khi các môn này vẫn còn rất nhiều tiết dạy trong chương trình chưa được dạy.

Các giáo viên bộ môn trên mặc dù không dạy trên lớp nhưng vẫn được ghi vào sổ kế hoạch giảng dạy và sổ đầu bài trên lớp bình thường.

Những tiết học của những môn học trên được thay bằng thời khóa biểu của 3 môn: Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh.

Về nội dung này, ông Bùi Khánh Hòa cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhà trường chỉ đạo học giãn cách, học trực tuyến kết hợp với học trên lớp nên không có việc cắt xén chương trình học.

Hơn nữa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng có văn bản chỉ đạo: thời gian kết thúc năm học từ ngày 25/6 đến 15/7 và nhà trường đã thực hiện nghiêm túc việc này.

Về việc xảy ra tại đợt kiểm tra học kì 2 năm học 2019-2020, đối với các bộ môn của khối 6,7,8, phụ huynh phản ánh hiệu trưởng đã tự ý ra đề kiểm tra học kì mà không thông qua tổ nhóm chuyên môn và giáo viên bộ môn.

Hậu quả, đề kiểm tra có nhiều câu hỏi rơi vào phần tinh giản và giảm tải, không có trong đề cương ôn tập của giáo viên đã triển khai cho học sinh (cụ thể môn Lịch sử 8, Toán 8).

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lại Xuân thừa nhận: “Trong đề thi môn Lịch sử lớp 8 có phần câu hỏi nằm trong phần giảm tải kiến thức.Việc này khiến cho học sinh không làm được bài, chất lượng thấp kém, phụ huynh học sinh rất bức xúc.

Tuy nhiên, nhà trường sau đó đã điều chỉnh và đề thi không ảnh hưởng tới kết quả học tập của học sinh.

Nhà trường đã tổ chức rút kinh nghiệm trong cuộc họp hội đồng trường, họp tổ nhóm chuyên môn”.

Ông Bùi Khánh Hòa thẳng thắn cho biết, ông đã nghiêm túc rút kinh nghiệm vì nóng tính nên đã có những phát ngôn gây bức xúc trong giáo viên.

“Vì nôn nóng trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao và vì chất lượng của nhà trường nên tôi nhiều lúc đã nhắc nhở, phê bình các giáo viên. Tôi cũng đã nhìn nhận lại và rút kinh nghiệm về việc này”, ông Hòa chia sẻ.

Ông Bùi Khánh Hòa cũng mong muốn các cơ quan chức năng khi làm việc về các nội dung trên sẽ nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan sự việc bởi, ông Hòa cho rằng những việc làm trên không xuất phát từ động cơ cá nhân mà chỉ vì tập thể nhà trường.

LÃ TIẾN