Hàng chục giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm ở Quảng Nam kêu cứu

14/10/2019 06:34
AN NGUYÊN
(GDVN) - Nhiều giáo viên hợp đồng đã đứng lớp gần 10 năm nhưng không được đóng bảo hiểm nên không nằm trong diện xét tuyển đặc cách.

Mới đây, hàng chục giáo viên hợp đồng ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng với mong muốn được bảo vệ các quyền lợi trong đợt xét tuyển giáo viên sắp tới.

Danh sách những giáo viên hợp đồng nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Ảnh: AN
Danh sách những giáo viên hợp đồng nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Ảnh: AN

Theo đó, những người là giáo viên, nhân viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội của huyện Thăng Bình hiện đang công tác tại các trường phổ thông, mầm non trên địa bàn huyện.

Theo trình bày thì những giáo viên, nhân viên này đã có nhiều năm công tác, cống hiến cho các đơn vị trường học trên địa bàn.

Có những giáo viên đã công tác liên tục suốt 5 năm, 7 năm và cũng có những giáo viên bước qua năm thứ 9 nhưng vẫn chưa được tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Gần 3000 giáo viên hợp đồng tại Hà Nội không ai đủ điều kiện xét đặc cách

“Bản thân chúng tôi luôn chịu thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp của mình.

Vậy theo Luật Bảo hiểm xã hội thì bản thân những người như chúng tôi có chịu nhiều thiệt thòi hay không?", cô NTBP. (giáo viên) phản ánh.

Những giáo viên này cũng viện dẫn các quy định của pháp luật là căn cứ theo Điều 2 luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về đối tượng áp dụng như sau:

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng;

Kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 2, Điều 124 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ ngày 1/1/2018, thêm 2 đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, gồm:

Mức lương chạm đáy nhiều giáo viên vẫn quyết bám nghề vì đâu?

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

Theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2012: Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất, mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc.

Thời gian thử việc tối đa: Không quá 60 ngày (đối với công việc cần trình độ từ cao đẳng trở lên); Không quá 30 ngày (đối với công việc cần trình độ trung cấp);

Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác. Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP nêu rõ:

Trong thời hạn 3 ngày trước khi kết thúc thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc, nếu đạt yêu cầu thì kết thúc thời gian thử việc người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động ngay với người lao động.

Nếu không đạt yêu cầu, người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng thử việc.

Điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không ký hợp đồng lao động với người lao động, sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 02 -05 triệu đồng.

Điều 96 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ nguyên tắc trả lương cho người lao động: Trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn.

Trường hợp đặc biệt do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được trả chậm quá 01 tháng.

"Chúng tôi căn cứ các khoản, điều Luật trên và chúng tôi nhận thấy liệu các sở ban ngành giáo dục có được tự ý thay đổi quyết định đó hay không?

Nếu căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội và Luật lao động vậy sao những năm qua huyện Thăng Bình không đóng Bảo hiểm xã hội cho chúng tôi? Và những năm công tác của chúng tôi thì số tiền bảo hiểm đã đi về đâu?", các giáo viên phản ánh trong đơn.

Sắp đến tỉnh Quảng Nam sẽ xét đặc cách cho những giáo viên đã được đóng bảo hiểm xã hội vào thẳng biên chế.

Do đó, những giáo viên này băn khoăn không biết "số phận" họ sẽ ra sao, bởi nếu chiếu theo quy định giáo viên hợp đồng được đóng bảo hiểm xã hội mới thuộc diện xét tuyển đặc cách.

Liên quan đến vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục có bài phản ánh về những nguyện vọng của giáo viên cũng như phương án xử lý của cơ quan chức năng.

AN NGUYÊN