Hàng ngàn thí sinh ĐH bị điểm 0 lịch sử: Thủ phạm là đề thi?

03/08/2011 00:33
(GDVN) - Giữa đề thi và đáp án của Bộ Giáo dục và Đào tạo ở môn Sử có sự "vênh" nhau khiến nhiều thí sinh bị trượt oan đại học.

(GDVN) – Từ góc nhìn của người trong nghề, trực tiếp tham gia chấm thi môn Sử năm nay, PGS, TS Đỗ Thanh Bình, chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Người phản biện không đủ trình độ để nhận thức cái sai của đề và đáp án. Thứ nữa, không đủ trình độ để bác lại ý kiến của người ra đề. Quy trình ra đề của mình thì đúng, rất chặt chẽ nhưng vấn đề chọn ai cho đúng thì cần phải xem xét”.

Đề nhiều sạn

Là người đã từng giữ cương vị chỉ đạo hội đồng chấm thi và nằm trong Hội đồng chấm môn Lịch sử nhiều năm, GS, TS Đỗ Thanh Bình lấy làm thất vọng cho cách ra đề năm nay của Bộ Giáo dục. Theo GS Bình, sau khi xem đề thi môn Lịch sử và đáp án, nhiều thầy cô ở trường phổ thông và cả đại học đều sửng sốt và ngỡ ngàng. “Tôi cho rằng điểm Lịch sử thấp năm nay là do chúng ta bắt chưa đúng bệnh. Chúng ta phải nhìn vào tình hình cụ thể. Nếu chúng ta cứ đổ lỗi cho thầy cô, cho sách  giáo khoa (SGK) là không khách quan. Tôi nghĩ vấn đề ở đề thi” GS Bình cho biết.

grg
GS,TS Đỗ Thanh Bình bức xúc với cách ra đề của Bộ năm nay. Ảnh Xuân Trung

GS Bình cũng bức xúc rằng, trong cả 5 câu hỏi của đề Sử năm nay đều có vấn đề, không chuẩn về từ ngữ. GS Bình dẫn chứng: “Ngay tại Câu hỏi I: Phân tích nguyên nhân tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Tôi cho rằng không ai hỏi nguyên nhân đi tìm đường cứu nước, mà phải là “phân tích bối cảnh đi tìm đường cứu nước” thì mới chuẩn.

Còn nguyên nhân, thường là nguyên nhân của một cuộc khởi nghĩa, của một cuộc cách mạng. Nguyên nhân thành công, nguyên nhân thất bại. Chính câu hỏi này làm học sinh lạc hướng. Trong khi đó, đáp án lại là bối cảnh” GS Bình tỏ ra thất vọng với cách ra đề kiểu này.

Trong khi đề thi hỏi chưa chuẩn về từ ngữ, thì đáp án lại đưa ra có sự “vênh” nhau khiến nhiều giáo viên chấm thi cả phổ thông và đại học phải “ngậm ngùi” nhìn vào ba lem của Bộ để chấm, mặc dù biết đó là đáp án chưa đúng.

Trong các câu hỏi của đề Sử năm nay, câu khiến cho giáo viên chấm thi băn khoăn nhiều nhất vẫn là câu III: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975), nhân dân Việt Nam đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút” bằng thắng lợi nào? Nêu tác động của thắng lợi đó đối vơi sự phát triển của cách mạng miền Nam.

GS, TS Đỗ Thanh Bình lí giải: “Một nguyên tắc ra đề thi là không đựơc để cho học sinh hiểu nhiều cách khác nhau. Câu hỏi này để cho học sinh hiểu nhiều cách khác nhau.

Điều thứ hai, hầu hết các thầy trong khoa Lịch sử của tôi và các thầy dạy phổ thông chấm thi đều đưa ra đáp án là “sự kiện Điện Biên Phủ trên không năm 1972” mới là đúng. Trong khi đó, đáp án là “ký hiệp định Paris”.

Nói đến thắng lợi nào, học sinh sẽ nghĩ đến thắng lợi quân sự. Theo ý kiến tôi, sự kiện Điện Biên Phủ trên không mới đúng. Ký hiệp định Paris chỉ là khâu cuối cùng. Nhưng theo đáp án thì học sinh làm như thế sẽ bị điểm không. Năm nay, các thầy cô chấm môn Sử rất nhanh vì chỉ cần nhìn bài nếu không phải hiệp định Paris tức là thí sinh không có điểm” GS Bình bức xúc.

Thí sinh trượt oan

Trong quá trình chấm thi môn Sử năm nay, GS, TS Đỗ Thanh Bình cho biết, mặc dù biết là thí sinh làm đúng ý của câu hỏi, nhưng trong đáp án của Bộ không có vẫn phải cho điểm không. “Lâu nay, chúng ta chấm theo 3 chung là không có thảo luận. Ngay quy chế của Bộ cũng yêu cầu chấm theo đáp án của Bộ. Chúng tôi rất muốn sửa để cứu các thí sinh nhưng không được sửa” GS Bình chia sẻ.

ffgfgfd
Theo GS Bình, nhiều thí sinh bị trượt oan do đề thi và đáp án của Bộ có độ "vênh" nhau. Ảnh Xuân Trung

Tuy nhiên, khi giải thích về việc vẫn có thí sinh đạt điểm cao môn Sử năm nay, GS Bình xót xa nói: “Tôi cho rằng những thí sinh hiểu đúng đề thì điểm thấp. Còn “ăn may” thì sẽ điểm cao”.

Theo GS,TS Đỗ Thanh Bình, Bộ Giáo dục hô hào đổi mới trong các dạy, cách học và cách ra đề, nhưng xét trên thực tế, hướng đổi mới là đúng. Nhưng đối với Lịch sử, phải trên cơ sở sự kiện lịch sử, rồi mới có phần nâng cao. Đề mở của lịch sử là trình bày sự kiện rồi nêu nhận xét, hoặc nêu ý nghĩa của sự kiện đó.

GS,TS Đỗ Thanh Bình cũng cho biết thêm, trong quá trình chấm thi, chủ yếu học sinh viết lạc đi so với đáp án, chứ không phải học sinh để giấy trắng. GS Bình tâm sự rằng, những lúc chấm phải bài thi của thí sinh có cùng suy nghĩ của người chấm, bản thân ông rất lấy làm tiếc vì thí sinh này trượt oan.

Qua đây, GS Bình cũng thông tin, hiện trường Đại học Sư phạm Hà Nội có khá nhiều thí sinh điểm thấp môn Sử, nguyên nhân không phải do các em học yếu mà do đề thi và đáp án của Bộ chưa chuẩn, khiến các em bị điểm 0 oan: “Hiệu trưởng trường tôi yêu cầu phải có ý kiến gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng tôi nghĩ, có kiến nghị thì chỉ để rút kinh nghiệm năm sau, chứ Bộ sẽ không cho chấm lại, không thay đổi đáp án” GS Bình cho biết.

Xuân Trung

{iarelatednews articleid='9068,8853,8775,8701,7671,6961,1372,9411,9330,9247,9242'}

alt