Đưa con đến trường là gia đình đã hoàn toàn giáo phó các em cho nhà trường, cho giáo viên.
Hằng ngày đến trường giáo viên luôn có hàng chục nỗi lo vì học sinh (Ảnh minh họa Phan Tuyết) |
Một ngày bên các em, chính thầy cô là người vất vả nhất. Có biết bao mối lo thường trực bên mình.
Triền miên nỗi lo cho trò
Mỗi em có những nỗi lo, mối bận tâm khác. Học sinh khá giỏi thầy cô lo bồi dưỡng để học giỏi hơn. Học sinh yếu kém, thầy cô lo kèm cặp cho mỗi ngày một tiến bộ.
Em nghịch ngợm, thiếu lễ phép thầy cô lo uốn nắn, răn dạy.
Em hiền lành nhưng nhút nhát, thầy cô lại khuyến khích biết tự tin, biết nêu chính kiến.
Lo từng giờ học sao cho hiệu quả nhất, phải giảng dạy sao cho các em hứng thú, hiểu bài.
Lo từng lời ăn tiếng nói của trò cho lễ phép, lịch sự. Lo từng cử chỉ, hành vi sao cho chuẩn mực, làm sao để uốn nắn các em từ những điều nhỏ nhất.
Bên cạnh đó, còn hàng chục nỗi lo khác như giờ ra chơi làm sao để các em an toàn? Đặc biệt là học sinh mẫu giáo, tiểu học, lứa tuổi nhỏ hiếu động dù thầy cô dặn dò đó nhưng rồi lại quên ngay đó.
Nào chạy nhảy, leo trèo, rượt đuổi nhau té ngã. Nào cà khịa xích mích rồi chửi lộn đánh nhau, nhẹ thì trầy da tróc vảy, nặng thì thương tích đầy mình…
Cuối ngày, khi trao con cho cha mẹ các em thầy cô mới tạm dứt nỗi lo của một ngày và những nỗi lo ấy lại đến vào ngày mới tiếp theo.
|
Vì những nỗi lo luôn thường nhật, thế nên sao có thể tránh khỏi có đôi lúc thầy cô nóng giận, lớn tiếng la mắng hay trách phạt các em.
Phụ huynh cảm thông cũng cho đó là chuyện bình thường vì thầy cô đang vì các em mà dạy dỗ.
Và chính mình đôi khi còn không chịu nỗi sự lì lợm, khó bảo của tuổi ẩm ương.
Người không cảm thông sẵn sàng lớn tiếng trách mắng lại thầy cô:
“Cô có quyền gì mà mắng nó? Tại sao cô dám đánh con tôi? Cô thầy có đẻ nó ra đâu mà thấy xót…”.
Và sau đó, là thái độ thiếu tôn trọng thậm chí xúc phạm đến giáo viên cả thể xác lẫn tinh thần.
Hãy cười với thầy cô mỗi sớm mai đưa con vào lớp và đón con về nhà
Chăm lo cho học sinh luôn là bổn phận và trách nhiệm của mỗi giáo viên.
Thế nhưng thầy cô chỉ đến lớp dạy hết tiết xong rồi về mà chẳng cần quan tâm, để ý nhiều đến các em cũng chẳng ai nói gì được.
Nhưng trách nhiệm của lương tâm, trách nhiệm của một nhà giáo họ không thể sống vô tâm như thế được.
Nhiều nhà giáo lấy sự tiến bộ của trò làm niềm vui, lấy thành công của trò làm mục đích phấn đấu, lấy sự trưởng thành của trò làm thành công của mình.
Phần lớn, thầy cô cho đi sự quan tâm, lòng nhiệt huyết, trí tuệ và công sức của mình nhưng lại chẳng mong sự đền đáp bằng vật chất từ phụ huynh.
Chỉ cần một lời hỏi han ân cần, một nụ cười khi gặp mặt hay lời cảm ơn sau mỗi lần đón con về, thầy cô đã thấy vui biết nhường nào.
Vui vì mình được tôn trọng, vui vì công sức bỏ ra được ghi nhận.
Thế nhưng vẫn còn không ít phụ huynh đến nụ cười với giáo viên cũng tiếc.
Đón con, họ xăm xoi xem có vết bầm nào trên da?
Sốt sắng hỏi con: “Hôm nay, cô (thầy) có đánh con không?
Có điều gì phật lòng sẵn sàng lớn tiếng trước mặt con:
“Cô(thầy) mày dám làm thế? Để mai tao vào trường sẽ biết tay”.
Gọi cô (thầy) là còn may, có phụ huynh còn gọi bà cô, ông thầy thậm chí con này, con nọ hay ông già kia, thằng cha ấy…
Thầy cô cũng là con người thế nên cũng chẳng phải lúc nào cũng đúng. Mình lo cho con, cô thầy cũng đang lo cho trò thì cớ sao không thể ngồi lại với nhau để giãi bày cho thấu đáo?
To tiếng chì chiết thầy cô thì thiệt thòi lớn nhất vẫn là con trẻ.
Hãy hỏi con nhiều hơn: "Hôm nay con học được gì?" "Con có vui không?"
Cha mẹ hãy mở lòng, hãy cười với thầy cô của con mình nhiều hơn vào mỗi sớm mai khi cho con vào lớp và mỗi chiều khi đón con về nhà.
Chỉ là nụ cười thôi nhưng sẽ là sức mạnh để lòng nhiệt huyết và những cố gắng của cô thầy không bị mất lửa.