Hi hữu ngôi trường xây xong 9 năm nhưng không có điện, nước

07/11/2011 07:29
Thu Hoè
(GDVN) - Trong khi nhiều trường học tù túng, chật chội, sĩ số vượt quá chuẩn thì lại có những trường học xây dựng xong rồi bỏ hoang chỉ vì "ba không"

Mò chữ trong bóng tối


Năm 2002, trường Tiểu học Phù Lương, ở xã Phù Lương, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh (người dân và học sinh ở đây vẫn quen gọi là trường Khu lẻ để phân biệt với trường Tiểu học xã) được xây dựng với mức kinh phí phê duyệt là 863 triệu đồng.

Theo đúng thiết kế, ngôi trường 2 tầng với 8 phòng học này sẽ có đầy đủ điện, nước, nhà vệ sinh, văn phòng giáo viên và những cơ sở vật chất thiết yếu nhất phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.

Tính đến năm học 2010 - 2011, trường Tiểu học Phù  Lương (khu lẻ) có gần 100 học sinh đang theo học, chia làm 3 khối  từ khối 1 đến khối 3, học cả ngày liên tục những ngày trong tuần. Trường chỉ có 4 thầy, cô giáo luân phiên nhau giảng dạy. Số phòng học sử dụng chỉ có 3 phòng của tầng 1. Tầng 2 hoàn toàn bỏ trống, không sử dụng đến.
tầng 2 hoàn toàn bỏ hoang, không sử dụng đến. (Ảnh T.H)
tầng 2 hoàn toàn bỏ hoang, không sử dụng đến. (Ảnh T.H)
Điều đặc biệt hơn là ngôi trường này đi vào hoạt động đã 9 năm nay nhưng không hề có điện, có nước và nhà vệ sinh. Trong khi người dân xã Phù Lương đã có điện dùng từ năm 1991 và trường tiểu học Phù Lương (khu tập trung, ở thôn Yên Đinh, xã Phù Lương) là trường chuẩn, có cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho việc giảng dạy và học tập.

Các em học sinh ở khu lẻ luôn phải học chay với các môn học trực quan cần được thực hành và phải chịu cảnh đến trường không điện, không nước, không có chỗ để “giải quyết”.

Một học sinh lớp 3A cho biết: “Mùa hè không có điện chúng cháu ngồi học nóng lắm, mùa đông thì mới 4 giờ đã tối không nhìn thấy chữ trên bảng rồi, khát nước cũng không có nước mà uống, buồn đi vệ sinh cũng không có chỗ…”

Nói đoạn em chỉ cho tôi khoảng đất rậm rạp cây cỏ ngay đầu hồi trường học, nơi mà các em thường xuyên rủ nhau đi "giải quyết" khi có nhu cầu.
Lớp học bàn ghễ cũ ọp ẹp, không điện thắp sáng, không có quạt và thiếu thốn về trang thiết bị dạy học
Lớp học bàn ghễ cũ ọp ẹp, không điện thắp sáng, không có quạt và thiếu thốn về trang thiết bị dạy học
Đi học như đánh vật

Không chỉ ở trong tình trạng “ba không”, mọi cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc học tập và giảng dạy của thầy và trò ở ngôi trường này đều thiếu thốn. Bàn ghế ọp ẹp cũ kĩ, không quạt điện, không bóng đèn thắp sáng… và không có bất cứ một thiết bị hỗ trợ nào cho việc giảng dạy và học tập.

Con đường đi vào trường là đường núi, dốc cao, mấp mô, khúc khủy đất đá, đến người lớn đi bộ lên cũng phải thở dốc, mệt bở hơi tai. Những ngày mưa thì con đường này trở nên lầy lội như ruộng cày bữa.
9 năm ròng ngôi trường khang trang này ở trong tình trạng "ba không". (Ảnh T.H)
9 năm ròng ngôi trường khang trang này ở trong tình trạng "ba không". (Ảnh T.H)

Khuôn viên trường học đổ đầy những đống đất lớn nhỏ do đây là khu vực người dân trong làng khai thác đất núi để bán cho những vùng lân cận… Việc đi lại, giảng dạy và học tập của thầy, trò trường Tiểu học Phù Lương (khu lẻ) hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Quyết định bỏ trường


Để khắc phục tình trạng này, các em học sinh khối 4 và khối 5 phải lên trường Tiểu học Phù Lương dành cho cả xã để học (cách thôn Hiền Lương 3 km) từ nhiều học kỳ trước.

 “Các em học sinh khối 4, 5 tương đối lớn. Các em có thể tự đến trường bằng xe đạp không nhất thiết cần đến sự đưa đón hàng ngày của gia đình. Chuyển lên khu tập trung học, các em sẽ có điều kiện, môi trường học tập tốt hơn với các môn học trực quan, môn học thực hành.Học sinh có điều kiện để đáp ứng được những yêu cầu kiến thức của chương trình theo khối học và cũng là để giảm tải cho khu lẻ khi mọi điều kiện cơ sở vất chất đều không có để phục vụ việc giảng dạy, học tập của cả thầy và trò”. Một cô giáo trường tiểu học Phù Lương, giảng dạy ở khu lẻ cho hay.

Do đường sá đi lại xa xôi, các em học sinh từ khối 1 đến khối 3 còn quá nhỏ, thêm vào đó, các bậc phụ huynh không có điều kiện đưa đón con em hàng ngày. Dó đó, đến năm học 2010 -2011, trường vẫn phải duy trì 3 khối học ở khu lẻ. Được biết, bắt đầu từ năm học 2012, toàn bộ học sinh, giáo viên ở khu lẻ sẽ được chuyển lên trường tiểu học xã để giáo viên và học sinh có điều kiện giảng dạy, học tập tốt hơn.
Bắt đầu từ năm học 2011 - 2012, trường Khu lẻ hoàn toàn bị bỏ hoang. (Ảnh T. H)
Bắt đầu từ năm học 2011 - 2012, trường Khu lẻ hoàn toàn bị bỏ hoang. (Ảnh T. H)
Thế nhưng, giải pháp chuyển toàn bộ học sinh và giáo viên ở khu lẻ lên khu tập trung không nhận được sự đồng tình cao từ các bậc phụ huynh.

Ông Nguyễn Văn Ngải, Hội trưởng Hội phụ huynh thôn Hiền Lương bức xúc: “Nếu như không có điều kiện để thành lập lớp đã đành, đằng này trường lớp đã xây xong lại bỏ không, hơn nữa số học sinh tiểu học trong làng lại khá đông. Chỉ vì lý do không có điện, có nước, cơ sở vật chất thiếu thốn mà bỏ đi trường lớp thì thật là vô lý?

Chuyển học sinh lên trường tiểu học xã học sẽ gây khó khăn cho cả học sinh và phụ huynh. Các cháu còn quá nhỏ, đường sá xa xôi sẽ rất vất vả trong đi lại. Thêm vào đó, hầu hết người dân trong làng không có điều kiện đưa đón con em hàng ngày… và điều đáng nói hơn là chúng ta đang lãng phí. Trong khi rất nhiều nơi không có trường lớp để học, chúng ta lại bỏ hoang trường lớp” - phụ huynh H. cho hay.

Nguyện vọng của học sinh và người dân trong làng là tiếp tục duy trì trường lớp. Thay vì chuyển lên khu tập trung, hãy đầu tư những cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho trường khu lẻ, như: sớm mắc điện, cải thiện cơ sở vất chất cho trường tiểu học về mọi mặt để các em học sinh được học tập trong một điều kiện tốt hơn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ sự việc và thông tin đến bạn đọc sớm nhất. Mời độc giả đón đọc!


Thu Hoè