Hình phạt "tàn khốc" ở ĐHCN TPHCM đã xô đổ ước mơ của con trai tôi

30/05/2012 11:30
Độc giả Lâm Quỳnh
(GDVN) - Cánh cửa trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đóng sập mơ ước của con trai tôi sau 12 năm "dùi mài kinh sử", chỉ bằng những luật lệ cứng nhắc và thiếu nhân văn.
Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải những thông tin phản ánh từ sinh viên Đại học CN TP.HCM về việc bị phạt học phí gấp đôi, hàng nghìn độc giả đã gửi phản hồi tỏ rõ sự bất bình với cách hành xử này. Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới bạn đọc một trong những lá thư của độc giả: Chồng mất từ khi tôi 27 tuổi, để lại tôi cùng cậu con trai tên Lâm mới chỉ học đến lớp 2 và mẹ già đau ốm liên miên. Từ đó, một mình tôi tần tảo nuôi cả gia đình. Tôi cả đời ở đợ, làm thuê đủ thứ việc từ giặt quần áo, lau chùi bệnh viện đến lượm xác chết, kiếm cơm ăn từng bữa nuôi con nhỏ, mẹ già. Tôi làm thuê từ việc này đến việc khác, từ gia đình này tới gia đình khác, nay đây mai đó. Mọi chi phí trong gia đình tôi đều trông chờ vào số tiền ít ỏi tôi làm thuê cùng mấy sào ruộng, nên gặp năm được mùa thì đỡ, năm mất mùa thì cả nhà chỉ biết ngồi ôm nhau khóc. Nghề của tôi là cái nghề ít ai để ý tới, chỉ có tôi tự để ý đến chính mình. Có lẽ, tôi là người mặc cảm. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhất của xã. Ở miền quê chiêm trũng, quanh năm bám vào nông nghiệp "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", cuộc sống trăm bề khó khăn này hiếm có gia đình nào đủ điều kiện cho con đi học Đại học. Vì vậy, con trai con gái trong làng lớn lên lại đi làm đồng, chăn trâu, cắt cỏ nên cái nghèo cứ nối tiếp cái nghèo. Con trai tôi có ước mơ học Đại học để thoát nghèo. Ngay từ nhỏ Lâm đã thích học các môn khoa học tự nhiên. Lâm thường mong mỗi khi trời mưa để được nhìn cầu vồng. Trong đôi mắt của một đứa trẻ, chiếc cầu nối giữa hai đường chân trời đầy màu sắc như một điều kỳ diệu. Tiếp xúc với môn vật lý, biết được cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng khi mặt trời khúc xạ và phản xạ qua các giọt nước mưa, con trai tôi đã thật sự yêu thích môn học này và đam mê ngành điện lực. Vì vậy, nó mơ ước được trở thành sinh viên khoa Công nghệ điện của Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều độc giả choáng váng vì mức phạt học phí "tàn khốc" ở ĐH Công nghiệp TP.HCM
Nhiều độc giả choáng váng vì mức phạt học phí "tàn khốc" ở ĐH Công nghiệp TP.HCM
Con tôi là người có ý thức tự học từ nhỏ, cũng bởi gia đình tôi nghèo, ăn còn mong đủ bữa nữa là học thêm, học nếm. Học lên cấp 3, các khoản tiền học thêm, sách vở cho con cứ tăng dần lên, gánh nặng đè lên vai ngày một nặng, thế nhưng tôi vẫn động viên con học tốt.  Sau 12 năm đèn sách miệt mài, lúc này là thời gian học sinh ôn luyện bận rộn nhất để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Thế nhưng, con vẫn sáng dậy sớm, tối thức khuya chong đèn miệt mài ôn luyện để trong ngày có khoảng 10 tiếng dành cho việc học. Bởi thương mẹ nên ban ngày con trai vừa đi học vừa xin làm thêm phụ hồ, rồi có khi học thâu đêm. Nhìn con trai ôn thi mà gầy còm, ốm yếu, tôi đau từng khúc ruột.
Tôi nói với con rằng, phải từ bỏ việc làm thêm để chú tâm vào học nhưng thằng bé không chịu. Nhìn ánh mắt cương trực của con trai, tôi hiểu nó đã thực sự trưởng thành. Với Lâm, việc đỗ Đại học có thể không phải là con đường duy nhất để lập thân, nhưng là một lối đi để thay đổi cuộc sống. Thấu hiểu ước mơ, mong muốn con thi đỗ Đại học để bằng người, học cho ngày mai đỡ khổ tôi luôn động viên Lâm học tập. Mặc dù đối với tôi, thi cử thực sự là gánh nặng, nhất là kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng là kỳ thi quan trọng và căng thẳng nhất. Nào là chuẩn bị tiền, chuẩn bị người đưa con đi thi, chuẩn bị chỗ ăn, chỗ nghỉ cho con… Gom góp, chắt chiu từ đầu năm con học lớp 12, tôi mới chỉ dành được hơn 1 triệu đồng. Tôi quyết định bán tấn lúa vừa thu hoạch đưa cậu con trai vào TP Hồ Chí Minh dự thi. Đó là chưa kể, sau khi vào trường Đại học thì chỉ tiền học phí hàng tháng đã là thứ quá sa xỉn đối với gia đình tôi. Nhưng tôi luôn hi vọng, bằng số tiền vay vốn cho sinh viên, tôi có thể "xoay sở" cho con trọn con đường học hành, để sau này sẽ có nghề nghiệp đoàng hoàng, đưa gia đình thoát khỏi nghèo khó. Những gì trong quá khứ tôi và chồng không làm được thì luôn mong muốn tạo điều kiện cho con thực hiện tiếp ước mơ thoát khỏi ruộng đồng. Trong một lần lên mạng tìm kiếm thông tin về Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, một trong những trường mà thằng bé đã nộp hồ sơ dự thi, tình cờ con trai tôi đọc được vụ việc sinh viên đang kêu trời vì nhà trường áp dụng hình phạt với những bạn nộp học phí muộn: Đóng tiền gấp đôi và phải học lại. Sau khi nghe con chia sẻ, tôi rất bất bình và nhất định không cho con tham dự thi trường đó mà hãy thay thế vào một trường khác mà con đã làm hồ sơ. Bởi dẫu biết rằng “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, đồng tiền đi sau là đồng tiền dại”, thế nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn không phải lúc nào cũng có đầy đủ số tiền lo cho con. Trong cuộc sống, có rất nhiều rủi ro có thể xảy đến, tôi lo sợ chỉ vì một lần đóng học phí chậm con sẽ không có cơ hội tiếp tục học. Nếu như thế thì bao công sức, tiền bạc bỏ ra đã trở thành công cốc. Lâm đồng ý nhưng từ đó tôi nhận thấy nỗi buồn sâu trong mắt con khi ngôi trường con từng mơ ước giờ đã xa khỏi tầm tay. Tôi cũng rất đau khổ khi mình là người lớn mà không thể làm gì để giúp đỡ con. Biết cái phận mình nghèo, tôi không thể không tủi thân. Trong khi gia đình tôi phải dành dụm cả năm, bán cả tấn thóc mãi mới đủ tiền cho con lên thành phố dự thi thì những gia đình khác lại có xe riêng đưa đón con, thuê nhà nghỉ sang trọng cho con được yên tĩnh, thoải mái. Cánh cửa trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đóng sập mơ ước của con trai tôi sau 12 năm "dùi mài kinh sử", chỉ bằng những luật lệ cứng nhắc và thiếu nhân văn. Tôi biết, phận mình bé nhỏ khó có thể thay đổi được điều gì to lớn sau bài viết này. Nhưng khi viết những dòng chia sẻ này, tôi rất mong có thể chia sẻ những điều khó khăn trong cuộc sống cũng như mong muốn của tôi gửi đến những người làm giáo dục để làm sao có thể tạo điều kiện cho con tôi nói riêng và học sinh nói chung có môi trường học tập và phát triển.

Độc giả Lâm Quỳnh