Học sinh lớp 9 tỉnh Bình Thuận mỏi mòn đợi thi vào 10

04/06/2019 06:16
Đỗ Quyên
(GDVN) - Chỉ một số ít thầy cô giáo có thu nhập cao từ việc dạy thêm và một số trung tâm dạy thêm thì muốn kéo dài thời gian chờ thi càng lâu càng tốt.

Thời gian này, học sinh ở nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Thế nhưng học sinh lớp 9 của tỉnh Bình Thuận hiện vẫn đang trong thời gian miệt mài ôn tập và mỏi mòn chờ tới ngày thi tận 10-11/7 mới diễn ra.

Học sinh thi vào lớp 10 ở Bình Thuận còn hơn một tháng ôn tập (Ảnh minh họa: TTXVN).
Học sinh thi vào lớp 10 ở Bình Thuận còn hơn một tháng ôn tập (Ảnh minh họa: TTXVN).

Có thể nói tỉnh Bình Thuận tổ chức kỳ thi tuyển vào lớp 10 thuộc diện muộn nhất so với nhiều địa phương khác trong nước.

Điều này không mang lại niềm vui cho học sinh như cách nói của một số vị cán bộ (có nhiều thời gian ôn tập) mà mang lại cảm giác nặng nề, áp lực cho các em, mang thêm gánh nặng về kinh tế cho những gia đình nghèo.

Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên lại không có được những ngày hè đáng ra họ được hưởng mà vẫn phải ngày ngày đến trường để ôn tập cho học sinh.

Gánh nặng của nhiều gia đình nghèo

Chúng tôi cũng đã có dịp tiếp xúc với một số gia đình phụ huynh có con năm nay thi vào 10 và được biết, các em học và ôn tập cả năm ở trường đã là quá đủ.

Thí sinh tươi rói trong ngày thi cuối cùng của kỳ tuyển sinh vào lớp 10

Nay kết thúc năm học, phải kéo dài thêm hơn cả tháng ôn tập nữa dẫn đến học sinh mệt mà gia đình các em cũng đuối.

Có trường tổ chức ôn tập kiểu tập trung, trường thì không, tự học sinh đi tìm thầy cô giáo để học ôn tập.

Mức học phí thường dao động cho việc ôn tập hơn 1 tháng (nhiều giáo viên gọi là 1 khóa), ít nhất là 400 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/học sinh/khóa học.

Nếu học riêng theo từng nhóm, mức học phí lên đến hàng triệu đồng.

Có gia đình cho biết, vì muốn con có kết quả cao nên đã cho các em đi học ôn theo dạng kèm.

Có một số giáo viên dạy trung học phổ thông đảm nhận việc dạy ôn tập nhưng học phí cao hơn rất nhiều mặt bằng chung.

Đặc biệt có những giáo viên được mọi người truyền tai nhau là dạy hay trúng tủ thì mức học phí lên đến 3 triệu đồng/khóa/môn.

Dù không dư giả gì, có phụ huynh nói cũng phải cắn răng cho con theo ôn tập.

Khát khao được thi sớm

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi gặp không ít học sinh lớp 9 đang đi học ôn để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Các thí sinh ở An Giang bắt đầu kỳ thi tuyển sinh 10

Điều chúng tôi ghi nhận, có nhiều em rất muốn được tỉnh tổ chức thi sớm như nhiều địa phương khác vì:

Vừa mới học chương trình lớp 9 xong nên thi ngay, kiến thức còn nhớ nhiều.

Thời gian ôn tập quá dài gây cảm giác hồi hộp, mệt mỏi.

Nói thời gian ôn tập quá dài vì cả năm học, nhiều trường đã tổ chức ôn tập cho khối 9 theo kiểu sáng học chính khóa, chiều học phụ đạo.

Bởi thế, tổ chức thi vào 10 cho các em vào thời gian đầu tháng 6 như một số nơi là khá phù hợp.

Thế nhưng năm nào cũng thế, gần giữa tháng 7 tỉnh Bình Thuận mới tổ chức kỳ thi vào 10.

Lúc này, nhà trường cũng đã kết thúc năm học nhưng học sinh lớp 9 vẫn phải ngày ngày đi học thêm hơn 1 tháng nữa.

Một số giáo viên cho biết, dù dạy ôn tập thi cho các em cũng có thêm khoản tiền thu nhập nhưng nhiều thầy cô vẫn không thích.

Vì cả năm đi dạy vất vả, trông chờ nghỉ 2 tháng hè nhưng phải lo dạy ôn tập, chấm thi hết cả tháng 7.

Chỉ một số ít thầy cô giáo có thu nhập khủng từ việc dạy thêm và một số trung tâm dạy thêm thì muốn kéo dài thời gian thi càng lâu càng tốt.

Xét về mọi mặt thì thi tuyển vào 10 muộn như tỉnh Bình Thuận đang mang lại nhiều bất lợi cho cả người dạy và người học.

Bởi vậy, câu hỏi "Vì sao tỉnh Bình Thuận bao năm nay vẫn duy trì thời gian tổ chức kỳ thi muộn như vậy?' nhưng vẫn chưa có câu trả lời.

Đỗ Quyên