Học sinh nghỉ học vì Covid-19, sao không dạy học trên truyền hình, phát thanh?

17/02/2020 10:18
Thùy Linh
(GDVN) - Nghỉ vì dịch Covid-19, học trò vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, không có Internet, không có máy tính, không có điện thoại thông minh thì các em học thế nào?

Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố đều cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 23/2 và thậm chí theo công văn hỏa tốc của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các tỉnh, thành xem xét cho nghỉ học hết tháng 2 để tránh dịch Covid-19. 

Khi học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch, nhiều trường ở các tỉnh thành đã tiến hành học online, giao bài tập về nhà cho các học sinh tuy nhiên hình thức học online chỉ thực hiện được ở nơi có Internet, có máy tính xách tay, có điện thoại thông minh, Ipad.

Vậy đối với những học trò vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi không có Internet, không có máy tính xách tay, Ipad, không có điện thoại thông minh thì các em rất thiệt thòi để tiếp nhận kiến thức trong giai đoạn này. 

Những điều này đặt ra một vấn đề rằng, đã đến lúc toàn xã hội cần phải chung sức với ngành giáo dục tìm giải pháp vĩ mô chủ động đối phó với mọi diễn biến xấu có thể của đại dịch Covid-19 hơn là chỉ thụ động cho học sinh-sinh viên nghỉ học chờ hết dịch.

Bởi lẽ, đến nay chưa biết khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc, nếu chúng ta cứ thụ động thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học của trẻ đặc biệt là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đề xuất trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 thì các tỉnh thành nên chủ động chuyển sang dạy học trên đài phát thanh, truyền hình địa phương áp dụng cho đại trà học sinh. (Ảnh: Tùng Dương)
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đề xuất trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 thì các tỉnh thành nên chủ động chuyển sang dạy học trên đài phát thanh, truyền hình địa phương áp dụng cho đại trà học sinh. (Ảnh: Tùng Dương)

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất trong thời gian học sinh nghỉ này thì các tỉnh thành nên chủ động chuyển sang dạy học trên đài phát thanh, truyền hình địa phương áp dụng cho đại trà học sinh.

Chia sẻ thêm về đề xuất này, ông Khuyến cho rằng, trước đây, chúng ta đã thực hiện dạy học trên truyền hình và bây giờ kênh VTV7 vẫn duy trì việc này tuy rằng thời gian không nhiều. 

Hiện cả nước, ta có nhiều kênh truyền hình từ trung ương đến địa phương, 63 tỉnh thành là có 63 kênh truyền hình, phát thanh, đây chính là lợi thế để chúng ta triển khai dạy học. 

“Theo tôi, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình, đài phát thanh cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.

Khi các kênh truyền hình, đài phát thanh cùng tham gia, có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố. 

Các sở Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi, tiêu biểu lên dạy trên truyền hình. Khi đó, học sinh ở nhà hoặc vài ba em học chung một lớp cùng ngồi học được”, ông Khuyến nói. 

Học sinh ở nông thôn học thế nào trong mùa dịch Covid-19?

Khi phóng viên đặt ra tình huống, trong trường hợp có chỗ nào học sinh chưa hiểu, sẽ không hỏi ngay được các thầy cô giáo dạy trên truyền hình thì được ông Khuyến cho rằng, khi đó, việc hỏi và đáp sẽ được thực hiện trên điện thoại.

Hơn nữa, khi có vài ba em cùng ngồi học, ai chưa hiểu thì được bạn bên cạnh giải thích giúp. Có một điều hay ở giảng dạy trên truyền hình, đó là nội dung giảng bài được lưu lại. Vì thế, học sinh có thể vào đường link của đài truyền hình để nghe giảng lại.

Tuy nhiên, theo vị này, khi giảng dạy trên truyền hình, phát thanh thì bắt buộc các đài phát thanh, truyền hình phải rút bớt những chương trình khác đi ví như chương trình chuyên khảo….

Tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là “chống dịch như chống giặc” do đó, các đài nên cắt bớt một số chương trình chưa thực sự cần chiếu, phát trong giai đoạn này vì đây là lúc cần ưu tiên cho việc học của học sinh, sinh viên hơn cả. 

Muốn làm được như vậy thì những người đứng đầu ngành và đứng đầu các địa phương cần sớm ra quyết định để các đài phát thanh-truyền hình phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai và đi vào hoạt động. 

Hiện nay, đài truyền hình đã có sẵn phòng thu, họ chỉ cần thay đổi chương trình phát; các sở Giáo dục và Đào tạo thì sẵn sàng cử giáo viên bộ môn đến để dạy và công bố các lịch phát sóng để học sinh biết, theo học do đó nếu được chấp thuận thì “tôi cho rằng ngay ngày mai là có thể triển khai dạy học trên truyền hình, phát thanh ở 63 tỉnh thành”, ông Khuyến nhấn mạnh. 

Thùy Linh