Học sinh tự tử để phản ứng lại cách giáo dục của người lớn

24/10/2012 06:06
Độc giả: Xuân Phong
(GDVN) - Bên cạnh sự xót thương các em vô hạn, tôi còn rất buồn, buồn cho lứa tuổi "có lớn mà không có khôn". Phải chăng các em đang sống không có lý tưởng, ngày càng xem rẻ mạng sống của mình?
LTS: Mới đây dư luận không khỏi bàng hoàng khi nghe tin học trò dùng dao lam rạch tay để phản đối cô giáo, hai học trò khác vì làm mất tiền quỹ lớp đã tìm đến cái chết. TS Báo giáo dục Việt Nam xin đăng tải bài viết của độc giả Xuân Phong bàn luận về vấn đề này.

Chỉ trong một vài ngày, độc giả quan tâm đến giáo dục nước nhà đã vô cùng tiếc thương cho một số học sinh tự tử vì những lý do... vụn vặt.

Ngày 21/10, cả gia đình em Nguyễn Thị L. (học sinh lớp 10, Trường THPT Tiền Phong (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc) bàng hoàng khi phát hiện đứa con gái đã uống thuốc trừ cỏ để tự tử. Lá thư gửi cho bạn bè và thầy cô em viết có đoạn như sau: "Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em, đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch. Thầy ơi cho em xin lỗi vì đã để thầy nhắc”.
Trước đó, chỉ vì làm mất số tiền quỹ lớp hơn 600.000đ, em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 9/6, Trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM đã tìm đến cái chết.

Một trường hợp khác, vào sáng 16/10, ngay trong giờ học, một học sinh của Trường THPT Trần Kỳ Phong (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bất ngờ dùng dao lam rạch cổ tay làm gân tay bị đứt... vì không được phát biểu ý kiến. Đó là em T.T.T.Y., học sinh lớp 11B. Do gân tay bị đứt, máu chảy nhiều nên nhà trường lập tức chuyển em Y. vào Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Sơn cấp cứu. Sau khi được các y, bác sĩ nối lại gân tay, đến chiều cùng ngày, sức khoẻ của em này đã ổn định nhưng tinh thần còn hoảng loạn.

Sự ra đi, sự mất mát từ phía các em đã để lại nỗi đau xót vô tận cho gia đình, bạn bè. 

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Tuy không phải lần đầu tiên những sự việc đáng tiếc này xảy ra, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã có đến 3 vụ việc liên tiếp đã khiến dư luận hết sức đau lòng. Đây cũng như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, nhà trường để chúng ta cùng nhìn nhận lại nền giáo dục hiện tại, xem có những gì cần thiếu sót, nên bổ trợ...

Chúng ta có thể thấy rằng: Lý do học sinh tự tử là rất nhỏ như mất quỹ lớp; cô giáo không cho phát biểu. Những lý do này hoàn toàn có thể khắc phục được. Thế mà các em đã phải trả giá bằng cả sự sống của mình. Bên cạnh sự xót thương các em vô hạn, tôi còn rất buồn, buồn cho lứa tuổi "có lớn mà không có khôn". Phải chăng các em đang sống không có lý tưởng, ngày càng xem rẻ mạng sống của mình?
Nạn nhân của những vụ tự tử này đều là học sinh nữ, ngoan ngoãn, có học lực khá, giỏi. Có lẽ, là con gái, lại đang trong độ tuổi mới lớn, rất nhạy cảm nên dễ bị tổn thương? Chính vì vậy, một vài lý do nhỏ cũng đã khiến các em nghĩ mình đã bị “bôi nhọ”, một vài tiếng nói của người xung quanh đã khiến các em nghĩ đến mặc cảm tội lỗi, tự hành hạ bản thân mình.

Các em đang sống một cuộc sống quá đỗi yên bình, không quen bị trách phạt, không chấp nhận sự mất mát nên một vài khó khăn đã dẫn đến cú “sốc” khiến các em không thể vượt qua. Điều này là do hệ quả trong việc giáo dục từ phía nhà trường và gia đình. Người lớn đã coi trẻ em là “cái rốn” của vũ trụ, luôn chiều chuộng các em theo mọi ý muốn, nên nếu không vừa lòng học sinh dễ dẫn đến hành vi bất thường. Trong lúc cùng quẫn ấy, các em đã không thể nhận ra rằng những lý do tự tử là quá nhỏ, không quý bằng mạng sống của em, cha mẹ rất yêu các em, thầy cô, bạn bè rất thương các em. Nhưng một vài trường hợp đã nghĩ hoàn toàn ngược lại, tự giết mình để gây ra sự đau khổ cho những người thân quen, tự tử để thể hiện sự chống đối.

Sau những sự việc này, nhà trường cũng như gia đình cần kiểm điểm và xem xét lại. Bởi hành vi tự tử chỉ như một giọt nước làm tràn ly mà thôi. Trước khi dẫn đến tự tử, các em đã có những biểu hiện về nỗi buồn, sự chán nản để “báo động”, nếu không được quan tâm thì chỉ cần một tác động cuối cùng, dù rất đơn giản cũng khiến các em kết liễu tuổi thanh xuân của mình.
Trong giáo dục gia đình, vai trò tinh thần của cha mẹ ngày càng mờ nhạt. Nhiều cha mẹ chỉ cắm cúi làm lụng, lo cho con đủ ăn, đủ mặc mà không để ý đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ. Sự quan tâm ở đây cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu những áp lực về năng lực mà cha mẹ muốn con đạt được. Khi đến trường, thầy cô giáo cũng chỉ cắm cúi lo dạy để sao cho các em được điểm cao, trường lớp có thành tích. Hãy cứ thử nhìn học sinh mỗi ngày đến trường, các em ngày một còng lưng vì sách, mỏi mắt ù tai vì đọc và nghe, chẳng có thời gian nghỉ ngơi. Môn học thì quá nhiều, toàn kiến thức cao xa mà thiếu đi những môn dạy kỹ năng sống… Điều này là do giáo dục nước nhà chưa có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của nó.

Như vậy, tạo cho học sinh sức "đề kháng” để dũng cảm đối diện và vượt qua những vấp ngã đầu đời là điều hết sức cần thiết.
Độc giả: Xuân Phong