Học trực tuyến cực quá, công nhân Bình Dương nóng lòng mong trường sớm mở cửa

17/10/2021 06:40
Hữu Đức
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thất nghiệp gần 4 tháng, phải gồng gánh nào tiền ăn, tiền trọ, giờ thì tiền bạc đã cạn kiệt mà không thể nào đi làm lại được vì phải hỗ trợ con học online.

Chán nản với cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, chị Nguyễn Thị Đẹt cùng chồng là anh Huỳnh Công Nông mang theo 2 con nhỏ rời mảnh đất An Giang đến Bình Dương mưu sinh với hy vọng cải thiện kinh tế của gia đình.

Nhờ có người quen giới thiệu nên 2 vợ chồng nhanh chóng tìm được việc, chị Đẹt được nhận vào làm công nhân tại một công ty thuộc địa bàn phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, còn chồng cũng làm công nhân ở gần đó.

Chị Đẹt cho biết: “Hai vợ chồng thất nghiệp gần 4 tháng, phải gồng gánh nào tiền ăn, tiền trọ mấy tháng liền, giờ thì tiền bạc đã cạn kiệt mà không thể nào đi làm lại được vì phải ở nhà chỉ dẫn cho con học online. Vì mắc 2 đứa, đứa nhỏ 2 tuổi, đứa lớn 6 tuổi. Cực nhất là đứa lớn năm nay mới vào lớp 1, việc học online rất khó khăn với bé nên tôi phải ngồi bên cạnh để hướng dẫn cho bé, với lại phải luôn ngồi đó trông chừng nhắc nhở thì con mới duy trì tập trung được”.

Chị Nguyễn Thị Đẹt đang hỗ trợ con trai học online tại phòng trọ. Ảnh: Hữu Đức

Chị Nguyễn Thị Đẹt đang hỗ trợ con trai học online tại phòng trọ. Ảnh: Hữu Đức

“Bình thường nếu đi làm, 2 vợ chồng còn dư được một ít, còn bây giờ thì có một mình chồng đi làm mà lương công nhân chỉ 6-7 triệu đồng, không đủ nuôi 4 miệng ăn, lấy đâu ra tiền mà tích lũy. Bây giờ, chỉ có cách là mong trường tiểu học và nhà trẻ sớm mở cửa lại để cho 2 đứa con em quay lại trường”, chị Đẹt chia sẻ.

Tương tự, 2 vợ chồng anh Trần Văn Phước, ở nhà trọ tại khu phố Tân Hóa, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng rơi vào cảnh khốn khó.

Trước khi có dịch, anh Phước làm công nhân ở cùng trong phường, vợ của anh làm công nhân ở cách nhà trọ vài km.

Tổng tiền lương của hai vợ chồng chỉ hơn 12 triệu đồng, nhờ tiêu xài tiết kiệm nên hai vợ chồng còn thừa một ít tiền để dành. Nhưng sau 3 tháng thất nghiệp do đợt dịch COVID- 19 vừa qua, 2 vợ chồng tiếp tục trắng tay.

Anh Phước cho hay: “Đứa con lớn đã học lớp 6 rồi nên tự học online được, chỉ có đứa nhỏ mới vào lớp 1 chưa biết gì nên tôi phải nghỉ làm ở nhà kèm cho bé học, rất cực. Hy vọng tình hình dịch được kiểm soát thật tốt, nhà trường đảm bảo đủ các điều kiện an toàn để đón các em học sinh quay trở lại trường. Chỉ có như vậy thì mới phần giảm bớt khó khăn vất vả cho những đôi vợ chồng đi làm công nhân xa quê như chúng tôi.”

Có nhiều trường hợp khác rất mong muốn con em mình có thể sớm trở lại trường học để giảm bớt cơ cực cho bậc phụ huynh. Thế nhưng, họ vẫn còn lo lắng liên quan việc đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch cho con em.

Em Trần Thiên Kim (con gái anh Phước) đang học online. Ảnh: Hữu Đức

Em Trần Thiên Kim (con gái anh Phước) đang học online. Ảnh: Hữu Đức

Trường hợp chị Nguyễn Thị Thu Huyền là một ví dụ. Chị Huyền đang làm công nhân và ở nhà trọ tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, có 2 con đang học tiểu học, một đứa học lớp 5 và đứa còn lại học lớp 2.

Mặc dù kinh tế gia đình khó khăn do bản thân không đi làm được nhưng chị vẫn chấp nhận chờ đợi khi nào an toàn tuyệt đối mới cho con đi học bình thường lại.

Lý do mà chị đưa ra là do hiện nay con của chị chưa được tiêm vaccine, trường học chưa đảm bảo an toàn vì mới được trả lại sau thời gian làm khu cách ly.

Điều quan trọng nhất khiến chị lo lắng, đó là con chị mới học lớp 2, chưa thể tự ý thức tuân thủ 5K như người lớn được.

Chia sẻ về vấn đề liên quan đến việc cho học sinh quay lại trường, cô Vương Trần Huyền Trân - Phó Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thuận Giao (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) rất ủng hộ quan điểm sớm cho các em học sinh được đi học bình thường lại.

Theo cô Trân, việc duy trì học online kéo dài, ngoài việc tạo ra gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình phụ huynh là công nhân mà còn không mang lại hiệu quả cao trong học tập và phát sinh nhiều bất cập.

“Có tình trạng một số người giả danh hack địa chỉ vào để chiếu hình ảnh bậy bạ. Họ lấy tên trùng với học sinh để vào lớp, giáo viên phát hiện tên trùng nên yêu cầu họ mở camera thì họ không mở mà out ra luôn.

Để khắc phục tình trạng này, nhà trường có hướng giải quyết là yêu cầu giáo viên khóa tính năng chia sẻ màn hình với khóa tính năng chat trên hộp thoại. Nhưng làm như vậy cũng không ổn lắm vì quá trình dạy, giáo viên cần tương tác với học sinh liên tục để theo dõi học sinh.

Chưa hết, có trường hợp máy vi tính của học sinh bị hết pin trong lúc học, giáo viên nhận thấy việc vừa sạc vừa dùng rất nguy hiểm nên cho học sinh tạm thời ngưng học, điều này dẫn đến tình trạng học sinh không tham gia học đầy đủ.

Đối với giáo viên, dù các thầy cô đã cố gắng nhưng không thể nào tránh khỏi tâm lý mệt mỏi, thiếu sáng tạo trong quá trình dạy học.

Nếu thời điểm tháng 11 này, học sinh chưa thể quay lại trường để học bình thường trở lại thì nhà trường dự kiến sẽ cho học sinh học cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật để thầy cô tranh thủ bổ trợ thêm những phần nội dung khó cho học sinh. Biết rằng điều này sẽ tạo ra khó khăn không nhỏ, nhưng không thể để các em thiết hụt kiến thức.

Chưa kể, sắp tới, công tác kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh qua online cũng rất khó đảm bảo chính xác, công bằng”, cô Trân lý giải.

Riêng về việc vệ sinh trường lớp, cô Trân cho rằng phụ huynh có thể an tâm bởi hiện nay, tất cả các trường đều được quán triệt là khi nhận bàn giao trường lớp phải lập tức tiến hành khâu vệ sinh, khử khuẩn, diệt trùng trường lớp rất kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn trước khi đón học sinh.

Về công tác tiêm phòng vaccine cho học sinh, cô Trân cho hay phía nhà trường cũng đã lập danh sách các trường hợp học sinh đủ điều kiện tiêm vaccine theo quy định và đã gửi về Sở giáo dục để lên kế hoạch tiêm ngừa khi được phân bổ vaccine.

Ở một diễn biến khác, hiện tỉnh Bình Dương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, mỗi ngày còn từ 300-500 ca mắc, chủ yếu trong khu vực phong tỏa. Tính đến tối 14/10, Bình Dương đã có 91/91 xã phường đạt "vùng xanh", hiện chỉ còn 1 khu phố ''vùng cam'' và 15 khu phố, ấp là "vùng vàng". Tỉnh Bình Dương đã tiêm 3,25 triệu liều vaccine trong đó, 2,29 triệu mũi 1 và 958.000 mũi 2.

Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị Sở Y tế triển khai thực hiện các hướng dẫn của Bộ Y tế đối với việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế; hướng dẫn các địa phương cập nhật thông tin, dữ liệu để xác định cấp độ dịch.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh sẽ xem xét quyết định các tiêu chí phân loại và cấp độ dịch linh hoạt với diễn biến dịch, độ bao phủ vaccine. Từ đó, tỉnh Bình Dương có cơ sở để cho phép các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là giáo dục được hoạt động trở lại.

Hữu Đức