Hội nghị đầu năm triền miên cả ngày, nên không?

11/10/2020 06:18
Mai Hoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cần mạnh dạn bỏ đi những công đoạn rườm rà, hình thức, lối mòn mà từ trước đến nay phải thực hiện để đổi mới các cuộc họp, các hội nghị...

Tháng 9 là tháng bận rộn nhất với tất cả giáo viên. Đó là việc đón học sinh, ổn định nề nếp, phân loại học sinh để có biện pháp phối hợp giáo dục.

Đầu năm trường nào cũng phải tổ chức các hội nghị (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: th-hvinh3.huongtra.thuathienhue.edu.vn.)

Đầu năm trường nào cũng phải tổ chức các hội nghị (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: th-hvinh3.huongtra.thuathienhue.edu.vn.)

Thầy cô phải giảng dạy và ôn tập cho các em lấy lại kiến thức do thời gian nghỉ học quá dài. Và, đặc biệt trong năm học này, thầy cô giáo phải dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu chương trình mới phục vụ tốt cho việc giảng dạy.

Dù bận rộn nhưng cũng vui vì đó là cái bận của công việc, cái bận của nghề để giúp học sinh nâng cao kiến thức.

Thế nhưng, bên cạnh sự bận rộn hạnh phúc là sự chán nản, mệt mỏi vì giáo viên phải trải qua những cuộc họp, những hội nghị được tổ chức liên miên và dài lê thê vào đầu mỗi năm học mới.

Hàng chục cuộc họp, hội nghị được triển khai trong một tháng

Ngoài những cuộc họp theo quy định như họp tổ chuyên môn, họp chuyên môn cấp, họp hội đồng, họp liên tịch, họp chi bộ là các cuộc họp và hội nghị đầu năm.

Đó là, cuộc họp phụ huynh ở lớp, Hội nghị cha mẹ học sinh trường, Hội nghị chi Đoàn thanh niên, Hội nghị liên Đội, nhưng mất nhiều thời gian nhất phải kể đến 2 Hội nghị Cán bộ - Công chức- Viên chức và Hội nghị Công đoàn cơ sở.

Hội nghị công nhân viên chức và Hội nghị Công đoàn cơ sở triền miên suốt một ngày nên không?

Năm nào cũng tổ chức Hội nghị công nhân viên chức và Hội nghị Công đoàn cơ sở (5 năm tổ chức đại hội một lần).

Có trường, tổ chức gộp 2 hội nghị chung một buổi sáng. Người ta phân chia thời gian mỗi hội nghị khoảng 2 tiếng đồng hồ. Ví như, Hội nghị Công đoàn từ 7 giờ đến 9 giờ, Hội nghị Cán bộ - Công chức- Viên chức từ 9 giờ đến 11 giờ 30 phút.

Nhưng nhiều trường học hiện nay lại tổ chức 2 hội nghị này suốt cả một ngày gây cho người lao động nhiều mệt mỏi.

Điểm chung của các hội nghị là đọc bảng báo cáo tổng kết năm học trước, phương hướng nhiệm vụ cho năm học này, báo cáo tổng kết phong trào thi đua, công khai tài chính, bầu bán (nếu có) và phần góp ý của giáo viên...

Mất thời gian nhất là người đọc phải đọc nhiều trang bảng báo cáo, người nghe phải ngồi nghe những điều mình đã biết, đã nghe trong cuộc họp tổng kết cuối năm.

Có những bảng báo cáo được viết mới nhưng không ít bảng báo cáo năm nào cũng y chang nhau từng mục, từng câu (chỉ khác số liệu biến động). Vì thế, người nghe cũng chán nản, mệt mỏi nên nghe đó và bỏ đó cũng chẳng đọng lại là bao.

Phần phát biểu ý kiến xây dựng lẽ ra phải sôi nổi, rôm rả nhất nhưng hầu như không nhiều người có ý kiến dù bên lề cuộc họp không ít người tỏ ra bức xúc.

Một số đồng nghiệp của chúng tôi cho biết, hầu như ít ai có ý kiến góp ý, ai có ý kiến cũng chủ yếu là những lời khen để làm đẹp lòng cấp trên.

Được gì ở những hội nghị thế này?

Nếu hỏi tất cả giáo viên, được gì sau những hội nghị thế này? Những câu trả lời thật lòng nhất là chẳng được gì hoặc được vui chơi, ăn uống.

Thường thì sau mỗi hội nghị, nhiều trường học sẽ tổ chức cho giáo viên đi liên hoan, sang hơn nữa là tổ chức thêm một số hoạt động vui chơi, ca hát.

Trường không tổ chức ăn uống cũng bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên chút tiền trà nước.

Người lao động nói không được gì thế nên cũng chẳng chờ đợi gì ở những hội nghị như thế này. Người lao động nói không được gì nhưng Ban giám hiệu lại hoàn toàn ngược lại.

Vì sao lại thế? Vì thông qua hội nghị công nhân viên chức, hội nghĩ sẽ thống nhất các chỉ tiêu thi đua cho nhà trường đã đưa ra trước đó. Khi những chỉ tiêu đã đi vào nghị quyết đó chính là pháp lệnh để các giáo viên thực thi.

Năm nào cũng như năm nấy, các hội nghị như thế vẫn cứ đều đặn diễn ra chiếm không ít thời gian và công sức của nhà giáo.

Vậy, làm thế nào để những hội nghị vẫn diễn ra nhưng không gây nhàm chán, mệt mỏi?

Tổ chức gọn nhẹ bằng cách tránh đọc những bảng báo cáo, bảng phương hướng dài dòng, lê thê.

Bỏ qua những bước hình thức như trình tự có sẵn, nào là như tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đoàn chủ tịch…xong đâu đấy, đến phần đọc các bảng báo cáo, phương hướng, biện pháp…

Tránh nhàm chán, các hội nghị cần tổ chức hiệp thương, làm ngắn gọn trong buổi họp hội đồng là đủ.

Tất cả các cuộc họp, hội nghị mục đích cuối cùng hướng tới vẫn là nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập của học sinh.

Bởi thế, chúng ta hãy mạnh dạn bỏ đi những công đoạn rườm rà, hình thức, lối mòn mà từ trước đến nay phải thực hiện để đổi mới các cuộc họp, các hội nghị sao cho phần trình bày thật ngắn gọn, xúc tích nhưng vẫn rất hiệu quả.

Mai Hoa