Hội thảo “Khởi nghiệp trên thủ đô kháng chiến”

07/10/2020 16:01
Trúc Diệp
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 6/10, Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo với chủ đề “Khởi nghiệp trên Thủ đô kháng chiến”.

Dự Hội thảo có ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Tiến sĩ Phạm Quốc Chính – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, Phó trưởng ban Ban Tổ chức ngày hội; các chuyên gia, diễn giả trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng đông đảo sinh viên tiêu biểu của Đại học Thái Nguyên.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Đây là hoạt động nằm trong “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2020” và xuất phát từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp đã, đang diễn ra và phát triển ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Có thể nói, hoạt đông khởi nghiệp đổi mới sáng tại của tỉnh Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, sự đồng hành của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc đề dẫn tại Hội thảo, Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, điều này đã giúp cho chất lượng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng nâng cao và đi dần vào thực chất theo hướng đầu tư chuyên sâu thay vì chỉ chú trọng vào phong trào.

Tuy nhiên, số ý tưởng khởi nghiệp được hỗ trợ và triển khai trong thực tế vẫn còn hạn chế, chất lượng chưa cao. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành còn ít.

Việc kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp còn yếu. Đặc biệt là chưa tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn”.

Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.

Tiến sĩ Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu là các nhà quản lý, các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp đã tập trung thảo luận, làm rõ nhiều nội dung xoay quanh chủ đề về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong đó có nhiều ý kiến nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên Đại học Thái Nguyên như: “Thanh niên đối với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Vai trò tiên phong và động lực mới phát triển kinh tế - xã hội”; “Định hướng nghề nghiệp và sự đồng hành giữa doanh nghiệp và nhà cung ứng nguồn nhân lực”; “Khởi nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0”; ‘Chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp của một nhà sáng chế”…

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ tại hội thảo.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ tại hội thảo.

Về vai trò tiên phong của thanh niên trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ: “Với tinh thần dấn thân, dám nghĩ dám làm, thanh niên chính là bộ phận quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt, việc tạo tinh thần khởi nghiệp cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thông qua các hoạt động về ý tưởng sáng tạo, triển lãm, trưng bày sản phẩm… sẽ giúp các bạn trẻ sớm hình thành ý tưởng sáng tạo, góp phần tiếp cận khởi nghiệp và hình thành ý tưởng sáng tạo chất lượng”.

Để tạo điều kiện cho các ý tưởng khởi nghiệp có cơ hội phát triển và đứng vững, ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch Hikari Group - kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn sản xuất và thương mại Hikari Việt Nam cho rằng: “Doanh nghiệp đóng vai trò giống như một nền tảng, một mô hình để các bạn khởi nghiệp có thể học hỏi, cũng có thể là một nhà tài trợ đồng hành cùng với startup, như vậy nếu như những người khởi nghiệp có sự đồng hành của doanh nghiệp thì việc khởi nghiệp sẽ bền vững, chắc chắn và có kết quả khả thi hơn rất nhiều”.

Ông Cường cũng cho rằng, lý do “chết yểu” của một số ý tưởng khởi nghiệp chủ yếu là do các startup còn bị hạn chế về ý tưởng, hạn chế về nguồn vốn và chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản trị và vận hành sau khi khởi nghiệp.

Với kinh nghiệm của một nhà quản ký giáo dục, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên lại chỉ ra 3 yếu tố giúp các start-up thành công ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Đầu tiên, muốn khởi nghiệp phải có ý tưởng. Thứ hai, cần đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp vào nhà trường, đặc biệt cần đưa chuyên gia là những người đã thành công từ các dự án khởi nghiệp để truyền cảm hứng cho sinh viên.

Thứ ba, muốn khởi nghiệp thành công thì cần phải có có 4 yếu tố, đó là năng lực sáng tạo, vốn kinh doanh, lòng kiên trì đam mê và kiến thức về quản lý.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại Hội thảo.

Cũng theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Công, với thế mạnh có đội ngũ cán bộ viên chức gần 4000 người, trong đó có 2.621 cán bộ giảng dạy, 154 giáo sư, phó giáo sư, 712 tiến sĩ có trình độ cao ở nhiều lĩnh vực, trong những năm qua Đại học Thái Nguyên đã đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo.

Đại học sẽ là một trong những không gian sáng tạo mở, hỗ trợ và là “bà đỡ” và “bệ phóng” cho những ý tưởng sáng tạo cho mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt cho các bạn thanh niên đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tới.

Đại diện lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, các nhà quản lý, các chuyên gia startup giao lưu cùng các đại biểu tham dự chương trình.

Đại diện lãnh đạo Đại học Thái Nguyên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên, các nhà quản lý, các chuyên gia startup giao lưu cùng các đại biểu tham dự chương trình.

Sau thời gian phát động, Ban Tổ chức chương trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2020 đã nhận được tổng cộng 132 ý tưởng/dự án bao gồm các lĩnh vực tham gia dự thi: Kinh tế, Y dược, Quản trị kinh doanh, Nông nghiệp, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học…

Ban giám khảo vòng sơ loại đã tiến hành chấm và lựa chọn được 16 ý tưởng/dự án tham gia vòng chung kết cấp tỉnh (trong đó có 12 ý tưởng của sinh viên, nhà khoa học đến từ Đại học Thái Nguyên).

Chiều 6.10 diễn ra chung kết cuộc thi để lựa chọn những ý tưởng xuất sắc và khả thi nhất để trao giải, đưa ý tưởng đến với thực tế, ứng dụng vào cuộc sống.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại chương trình.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại chương trình.

Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, Ban Tổ chức chương trình đã giới thiệu với người xem 18 gian hàng trưng bày sản phẩm của các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được lựa chọn từ hơn 130 ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Thái Nguyên năm 2020” ở các lĩnh vực: Kinh tế, y dược, quản trị kinh doanh, nông nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học…

Trúc Diệp