Hơn 2000 giáo viên hợp đồng ở Hải Dương đã "có cơm ăn" đến tháng 5 năm nay

08/02/2018 07:23
ĐỖ HOÀNG
(GDVN) - Hàng nghìn giáo viên hợp đồng vượt chỉ tiêu đã được tỉnh Hải Dương giải quyết trả lương tới hết tháng 5/2018 sau khi bị “treo” lương do kho bạc dừng chi trả.

Ngày 7/2, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương, cho biết tỉnh này đã có văn bản chỉ đạo các sở ngành, địa phương liên quan thực hiện việc chi trả lương, phụ cấp cho giáo viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập đến hết 31/5 (thời điểm kết thúc năm học 2017-2018).

Hàng nghìn giáo viên bị “treo” lương

Trước đó, từ tháng 9/2017 tới tháng 1/2018, tại Hải Dương có hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập bị dừng trả lương.

Lý do mà Kho bạc Nhà nước tỉnh Hải Dương dừng chi trả lương cho giáo viên hợp đồng này là do thực hiện theo Thông tư 39 của Bộ Tài chính về chế độ kiểm soát thanh toán các khoản chi, lương giáo viên  trả căn cứ vào chỉ tiêu được giao.

Hàng nghìn giáo viên hợp đồng vượt chỉ tiêu đã được tỉnh Hải Dương chỉ đạo trả lương. Ảnh Đỗ Hoàng
Hàng nghìn giáo viên hợp đồng vượt chỉ tiêu đã được tỉnh Hải Dương chỉ đạo trả lương. Ảnh Đỗ Hoàng

Theo đó, những đơn vị ký hợp đồng với lao động vượt chỉ tiêu biên chế được giao thì Kho bạc Nhà nước tỉnh Hải Dương không thanh toán tiền lương với lao động vượt biên chế. 

Trong năm học 2017-2018, tỉnh Hải Dương giao tổng chỉ tiêu cho ngành giáo dục là 21.737, tuy nhiên, tổng số giáo viên sử dụng thực tế tại các cơ sở giáo dục công lập là 23.817 người (trong đó có 19.344 biên chế), vượt 2080 lao động hợp đồng so với chỉ tiêu tỉnh giao.

Như vậy, số 2080 lao động hợp đồng vượt chỉ tiêu này bị dừng thanh toán lương vì thuộc diện vượt chỉ tiêu được giao.

Để giải quyết tình trạng này, trước đó, ngày 7/12/2017, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã có văn bản số 3707/UBND-VP cho phép thanh toán các khoản lương, phụ cấp cho giáo viên ký hợp đồng vượt chỉ tiêu tại các cơ sở mầm non, phổ thông công lập đến hết năm 2017.

Hơn 2000 giáo viên hợp đồng ở Hải Dương đã "có cơm ăn" đến tháng 5 năm nay ảnh 2Cô giáo bí mật viết thư xin Hải Dương dừng thuê công ty dạy kĩ năng sống

Tuy nhiên, bước sang năm 2018, các giáo viên này lại rơi vào tình trạng bị “treo” lương. Một loạt các cơ sở giáo dục đã có báo cáo kiến nghị gửi Sở giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương sớm giải quyết vướng mắc về lương, phụ cấp đối với giáo viên hợp đồng.

Thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngày 31/1, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương tiếp tục có văn bản gia hạn thời gian thực hiện việc trả lương cho giáo viên tới hết năm học 2017-2018.

Sắp xếp lại đội ngũ giáo viên

Tình trạng giáo viên hợp đồng vượt chỉ tiêu bị treo lương có nguyên nhân do tỉnh Hải Dương giao chỉ tiêu giáo viên cho các cấp học thấp hơn so với định mức của các bộ ngành liên quan cũng như nhu cầu thực tế.

Ở bậc mầm non, theo Thông tư liên tịch số 06/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ (định mức giáo viên mầm non học 2 buổi/ ngày từ 2,2-2,5 giáo viên/ lớp) thì Hải Dương cần hơn 9.100 giáo viên mầm non, trong khi đó tỉnh Hải Dương chỉ giao chỉ tiêu hơn 7.100 giáo viên.

Tương tự, ở bậc tiểu học, theo quy định của Thông tư 16/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (học 2 buổi/ ngày định mức 1,5 giáo viên/ lớp) thì Hải Dương cần hơn 7.700 giáo viên, trong khi tỉnh chỉ giao chỉ tiêu hơn 6.900 giáo viên.

Từ việc giao thiếu chỉ tiêu so với nhu cầu thực tế và định biên, các cơ sở giáo dục muốn đảm bảo chương trình học 2 buổi/ ngày buộc phải ký hợp đồng lao động với các giáo viên.

Hơn 2000 giáo viên hợp đồng ở Hải Dương đã "có cơm ăn" đến tháng 5 năm nay ảnh 3Cả nghìn giáo viên bị nợ lương, Hải Dương thuê bên ngoài vào dạy làm gì?

Ông Đỗ Duy Hưng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cho biết, Sở này đã có văn bản gửi các địa phương và cơ sở giáo dục yêu cầu sau tết nguyên đán sẽ thực hiện sắp xếp, phân công lại đội ngũ giáo viên.

Cụ thể sẽ bố trí theo mô hình liên cấp, liên tường tiểu học, trung học cơ sở đối với giáo viên các môn âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, ngoại ngữ và nhân viên thư viện, kế toán, văn thư, thủ quỹ, y tế.

Theo ông Hưng, để không còn tình trạng “treo” lương, ảnh hưởng tới đời sống giáo viên, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện tự chủ của các đơn vị theo Nghị định 16/2015 của Chính phủ.

Các đơn vị sẽ phải xây dựng được định mức kinh tế, mức giá dịch vụ cho một suất học.

Trên cơ sở đó, ngoài phần kinh phí cấp từ ngân sách, các đơn vị phải xác định được phần kinh phí tự chủ.

Các đơn vị sẽ xác định số lượng lao động cần thiết tương ứng với phần kinh phí tự chủ.

ĐỖ HOÀNG