Hơn 30 năm, cô giáo vẫn say đắm nghề nuôi dạy trẻ

24/11/2016 09:01
Nhật Minh
(GDVN) - Từ khi học cấp 2 tại mảnh đất Cà Mau, cô Hoa đã nuôi ước mơ được làm giáo viên mầm non – cái nghề vốn được cho là rất cực rất khổ.

LTS: Bên cạnh vụ bạo hành trẻ mầm non như những"vết đen" của ngành giáo dục, còn nhiều lắm những gương sáng là những giáo viên yêu trẻ như con.

Tác giả Nhật Minh có gửi bài viết chia sẻ câu chuyện của cô giáo Lâm Hạnh Hoa ở Cà Mau với hơn 30 năm gắn bó, tận tụy với nghề nuôi dạy trẻ.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Hơn 30 năm kể từ ngày chập chững bước vào nghề, cô giáo Lâm Hạnh Hoa vẫn luôn tâm huyết với nghề giáo viên mầm non.

Ước mơ từ thuở bé

Từ khi học cấp 2 tại mảnh đất Cà Mau, cô Hoa đã có ước mơ được làm giáo viên mầm non – cái nghề vốn được cho là rất cực rất khổ.

Cô Hoa kể lại, thời điểm đó, đất nước đang quyết liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, hằng ngày vừa đi học, vừa phải trốn giặc.

Cô giáo Lâm Hạnh Hoa dành tình yêu thương vô bờ bến cho trẻ nhỏ. Ảnh: Nhật Minh.
Cô giáo Lâm Hạnh Hoa dành tình yêu thương vô bờ bến cho trẻ nhỏ. Ảnh: Nhật Minh.

Đó là những lúc khó khăn nhất trong hành trình đi tìm con chữ và cái nghề nuôi dạy trẻ cũng bén duyên từ đó.

Với niềm đam mê hát múa, sau giờ học cô cùng những bạn trong lớp thành lập đội thiếu niên tiền phong, do cô làm đội trưởng.

Nói vậy cho oai chứ cô cũng chỉ là tập hợp các bạn lại để vui chơi ca hát.

Cứ tối tối là đốt đèn trước sân để thi thố, tham gia những trò chơi, rồi dần quen thành nếp.

Cô kể: “Có lần nhìn lũ trẻ chơi đùa, ca hát, thấy thương tụi nó lắm. Mỗi lần ra chợ cùng với mẹ là phải ghé trường Mầm non để xem tụi nhỏ ca hát.

Những lúc vắng giáo viên, thế là cô vào lớp đóng vai cô giáo, được tụi nhỏ ôm vào lòng, dành trọn niềm yêu thương.

Khi về, cô nguyện với lòng phải quyết tâm theo đuổi nghề mình yêu thích”.

Thời gian trôi qua thật nhanh, năm 18 tuổi cô lập gia đình ở huyện Phú Tân.

Tuổi đời còn trẻ, cô rất khát khao được cống hiến công sức của mình cho địa phương, cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà.

Vì cả một đời gia đình cô đã là nông dân, nên cô quyết tìm đường sáng cho tương lai.

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, năm 1984, cô Lâm Hạnh Hoa theo học tập trung tại trường Sư Phạm Bạc Liêu, chuyên ngành sư phạm giáo dục Mầm non.

Cô kể về những lúc khó khăn trong quá trình học: “Đi học một tháng mới được đi lên chiếc xe mua bằng công lệnh, nhiều lúc lên xe hết chỗ ngồi phải đứng đu trên vòng tròn.

Một tháng chỉ về thăm con có một lần, lúc đó xa gia đình, rồi xa con.

Gia đình nói, con yêu nghề thì con phải đi học, để mai mốt về không có nghề cứ lại trường mầm non nhìn tụi nhỏ múa hát”.

Thế là ước mơ của cô đã thành hiện thực, sau một năm theo học, năm 1985, cô trở về tỉnh nhà, với bao niềm tin đang chào đón.

Khó khăn bắt đầu với người giáo viên trẻ  

Hơn 30 năm, cô giáo vẫn say đắm nghề nuôi dạy trẻ ảnh 2

Chiếc tủ kỳ diệu của các cô giáo mầm non

(GDVN) - Do trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, các cô giáo tại Hậu Giang đã phát minh ra mô hình "Chiếc tủ kỳ diệu" để các bé thêm hứng thú đến trường.

Nhận nhiệm vụ trong năm đó, cô Hoa về trường Mẫu giáo Bông Hồng công tác, lúc đó trường có 5 điểm lẻ.

Và cô về ở điểm lẻ cuối cùng thuộc vùng ven, đường kinh xáng Phụng Hiệp giáp với xã Tân Thành.

Khởi đầu khó khăn khi ban đầu lớp chỉ có 5 trẻ, hằng ngày để có học sinh theo học, thì cô phải đi vận động từng nhà, đồng hành cùng trẻ đến trường.

Bằng sự nỗ lực của cô, từ từ lớp đã có 27 trẻ, và dần đi vào ổn định. Cô Lâm Hạnh Hoa tâm sự: “Lúc đó khó khăn nhất là về cơ sở vật chất, trường không có bàn, không ghế, không đồ dùng, chỉ có phòng học thôi”.

Chập chững bước vào nghề, mọi thứ điều thiếu thốn, đối với người giáo viên mầm non thì các đồ đùng, các đồ chơi cho trẻ… là rất quan trọng.

Khi đó, ba mẹ cô đã giúp cô làm đồ dùng từ những vật dụng có sẵn, khi thì “gáo dừa”, lúc thì những thanh tre…

Nhiều lúc vì quá khó khăn, cô đã có suy nghĩ chùn bước, nhưng gia đình là nguồn động lực để cô phấn đấu vượt qua.

Cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, Cô Hoa tâm sự “Đã gần tuổi nghĩ hưu nhưng công việc là thói quen cô không thể thiếu hằng ngày”. Ảnh: Nhật Minh.
Cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, Cô Hoa tâm sự “Đã gần tuổi nghĩ hưu nhưng công việc là thói quen cô không thể thiếu hằng ngày”. Ảnh: Nhật Minh.

 Tâm niệm nghề nghiệp

Hơn 30 năm trong nghề, hiện cô Lâm Hạnh Hoa đang là Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Tràm.

Giờ đây, cô đã có được nhiều kinh nghiệm chuyên môn, lẫn kinh nghiệm quản lý.

Cô chia sẻ: “Là giáo viên mầm non thì được phụ huynh tin yêu mình, phải coi mình là người mẹ của trẻ, phải chăm sóc thương yêu trẻ như con ruột của mình.

Là một giáo viên thì cái tâm phải đặt lên hàng đầu.

Về kinh nghiệm quản lý thì mình phải là người bản lĩnh, phải có năng lực chuyên môn vững vàng, từ đó tạo mối đoàn kết, nhất trí thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ”.

Trong chương trình giáo dục mầm non, hằng ngày tại lớp học, các trẻ được giáo viên phân chia nề nếp, thói quen sinh hoạt, nội quy tại lớp, bắt buộc các trẻ phải tuân theo.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cách dạy dỗ đối với những trẻ “cá biệt”, “quậy phá” là điều không những cô mà đội ngũ giáo viên trăn trở.

Cô Hoa chia sẻ thêm: “Trẻ cá biệt thì phải có cách dạy của trẻ.

Thứ nhất là phải thương yêu trẻ nhưng bên cạnh phải có biện pháp, phải quan tâm thật nhiều, rồi phải khen ngợi trẻ kịp thời”.

Cô còn thông tin thêm, theo phương pháp dạy mới của bậc học Mầm non thì trong chương trình giảng dạy mới, phải lấy trẻ làm trung tâm và dạy theo hướng phát triển, vận động theo nhân cách của trẻ.

Hơn 30 năm, cô giáo vẫn say đắm nghề nuôi dạy trẻ ảnh 4

Lớp mầm non trên căn nhà dột nát, đi mượn

Nhiều người cho rằng, dạy trẻ mầm non rất cực khổ, nhưng đối với cô Lâm Hạnh Hoa là một niềm khát khao cháy bỏng.

Yêu nghề, mến trẻ, cô luôn coi trẻ như con và coi đó là niềm tin cho thế hệ mai sau.

Cô Hoa trải lòng: “Nghề giáo viên mầm non là nơi đặt nền móng đầu tiên và những kiến thức đầu đời cho trẻ, được dạy trẻ là niềm động lực để thực hiện mơ ước của mình”.

Về trường Mầm non Hương Tràm 4 năm qua, cô Hoa đã nỗ lực không ngừng trong việc xây dựng lại trường lớp và đội ngũ giáo viên còn non trẻ.

Dù ở cương vị nào cô vẫn vậy, vẫn phong thái “mực thước”, giản dị, làm việc bằng cả tâm huyết của mình.

Cô luôn tâm niệm cũng như chia sẻ với đội ngũ giáo viên, dù trên cương vị nào, làm việc phải có cái tâm, học tập và làm theo Bác là một hành trình dài.

Đặc biệt trau dồi nhân cách để hoàn thiện cả về đức, tài là rất quan trọng trong nghề dạy trẻ mầm non.

Nhờ sự cống hiến cho sự nghiệp trồng người của cô, sau suốt 4 năm cô gây dựng, ​hiện Trường Mầm non Hương Tràm đã đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1.

Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô là đi đến đâu, làm việc gì đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cô đã được bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và rất nhiều thành tích suất sắc khác trong công tác giáo dục.

Sắp tới ngày 20/11 năm nay, cô Lâm Hạnh Hoa vinh dự là gương mặt tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục của tỉnh Cà Mau, cô xứng đáng là người mẹ thứ hai của trẻ - một người mẹ dịu hiền.

Sự phấn đấu không biết mệt mỏi của cô, sự tín nhiệm của Phòng giáo dục TP Cà Mau ghi nhận.

Từ năm 1989 đến năm 1997 cô đảm nhận chức Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Hồng.

Từ năm 1997 đến năm 2001, cô là phó hiệu trưởng trường Hoa Hồng.

Từ năm 2001 đến năm 2012 cô là hiệu trưởng trường Hoa Hồng.

Hiện nay, cô là Hiệu trưởng Trường Mầm non Hương Tràm.

Cô là người có công rất lớn trong việc xây dựng Trường Mầm non Hương Tràm đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 đầu tiên trong khu vực ĐBSCL.​

Nhật Minh