Hơn 88% học sinh khối 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh học trực tuyến

29/04/2020 06:37
Phương Linh
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Có khoảng hơn 55.800 học sinh khối lớp 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh tham gia học trực tuyến, chiếm hơn 88,3% tổng số học sinh khối 12 của thành phố.

Đó là báo cáo về tình hình học sinh học tập trực tuyến, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Báo cáo 1177/BC-GDĐT-KHTC, do ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ký hôm 23/4/2020, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố.

Theo đó, học sinh thành phố, cũng như học sinh cả nước trong thời gian qua được học tập trực tiếp tại trường. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học đã được các trường áp dụng trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa phổ biến.

Tại gia đình, phần lớn các em học sinh không trang bị các thiết bị đầu cuối, hạ tầng mạng để học trực tuyến.

Việc kiểm tra, đánh giá, nhất là thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa đổi mới nhiều, nên học sinh chủ yếu học là để chủ yếu hoàn thành tốt các bài thi theo sự hướng dẫn của giáo viên.

Giáo viên dạy học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 (ảnh minh họa: Báo Đồng Nai)
Giáo viên dạy học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19 (ảnh minh họa: Báo Đồng Nai)

Do vậy, khả năng tự học còn hạn chế, học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập do yêu cầu của giáo viên là chính. Khi tham gia học trực tuyến tại nhà, giáo viên khó giám sát quá trình học tập của học sinh, nên chất lượng học tập của học sinh cũng vì thế bị giảm đi.

Từ các khó khăn này, cùng với việc học sinh khi nghỉ học đã không cư trú tại thành phố (khó liên lạc với nhà trường, hoặc thiếu các điều kiện học tập) việc học tập, trao đổi kiến thức với nhau trở nên khó khăn hơn. Vì thế, việc tiếp thu kiến thức của học sinh trong cùng lớp không đồng đều.

Đối với khối giáo dục thường xuyên: Tỷ lệ học viên cấp trung học cơ sở tham gia học trực tuyến đạt khoảng 65%, tỷ lệ học viên cấp trung học phổ thông tham gia học trực tuyến đạt 83%.

Tính đến ngày 5/4/2020, có 461/483 trường trung học trên toàn địa bàn có thực hiện việc dạy học trực tuyến.

Trong đó, khối 12 học trực tuyến đạt tỷ lệ cao nhất là khoảng 88,3% trên tổng số học sinh khối 12 (hơn 55.800 học sinh), tiếp đó là học sinh khối 11 đạt hơn 81,8% (hơn 60.400 học sinh).

Ba khối 6, 7, 8 có tỷ lệ học sinh học trực tuyến đều trên 55% trên tổng số học sinh của từng khối, còn hai khối 9, 10 đều đạt tỷ lệ trên 70%.

Các trường chủ yếu dạy học trực tuyến tập trung vào các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Văn, Anh và Giáo dục Công dân.

Các môn học còn lại như Giáo dục thể chất, Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học cũng được tổ chức dạy học trực tuyến, nhưng không nhiều. Một số trường trung học tổ chức dạy học trực tuyến tất cả các môn học.

Nhiều trường dạy trực tuyến cho học sinh cuối cấp, nhiều trường dạy trực tuyến cho các khối lớp của trường. Các công cụ và phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến cũng được nhà trường áp dụng đa dạng.

Đối với bậc tiểu học: Do tuổi còn nhỏ, chưa thực sự phù hợp với việc học tập trực tuyến (đặc biệt là các khối lớp 1, 2, 3 khi không có sự hỗ trợ của phụ huynh). Việc duy trì nề nếp, kỷ cương học tập ở nhà đối với học sinh nhỏ cũng gặp những khó khăn nhất định.

Khoảng 15 – 20% học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến, do không có mặt ở thành phố, di chuyển đi các tỉnh lân cận theo cha mẹ.

Dự kiến sẽ có một bộ phận không nhỏ học sinh không trở lại trường, do cha mẹ bị mất việc ở thành phố (sẽ theo học tại các tỉnh, thành phố khác).

Dự kiến, sẽ có một bộ phận nhỏ học sinh lớp 1 gặp khó khăn để đạt yêu cầu đọc thông, viết thạo vào cuối năm học.

Sở cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức dạy học trên truyền hình, cho học sinh khối 9 và 12.

Đến ngày 15/4/2020, sẽ hoàn thành ghi hình các chuyên đề dạy học trên truyền hình, với khối 9 là 45 tiết (Văn, Toán, Anh), lớp 12 là 48 tiết (Văn, Toán, Anh, Sinh, Lý, Hóa).

Các môn Sử, Địa và Giáo dục Công dân cũng sẽ tiếp tục được ghi hình, triển khai dạy học trên truyền hình HTV cho đến khi học sinh đi học trở lại.

Ngoài các bài giảng nói trên, Sở cũng đã gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo các nội dung dạy học đã thực hiện, để tham gia Kênh truyền hình học tập quốc gia (VTV7), phổ biến lịch phát hình của VTV đến các cơ sở giáo dục, để tổ chức việc học qua truyền hình.

Phương Linh