Hướng nghiệp cho học trò rất tốt nhưng nhiều khi giáo viên bó tay với con mình

25/11/2020 06:28
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có giáo viên giúp học trò định hướng nghề nghiệp rất tốt, nhưng với con mình thì “Bụt chùa nhà không thiêng”, đành bó tay.

Ngoài dạy kiến thức, kỹ năng cho học sinh, giáo viên còn có một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là khơi dậy, bồi dưỡng năng lực, phẩm chất cho học trò.

Qua đó, thầy cô giáo giúp học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai của mình. Chọn được đúng nghề phù hợp với mình, là hạnh phúc của mỗi người lao động và là hạnh phúc của thầy cô giáo.

Vì vậy không ít đồng nghiệp của người viết cho rằng mình dạy học, nếu không giúp con chọn đúng nghề là thất bại lớn nhất của người làm cha mẹ, người làm thầy cô giáo.

Thực tế hiện nay, kinh tế xã hội nước ta đang phát triển nhanh, mạnh, có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp được mở ra cho thế hệ trẻ, thế nhưng nhiều thầy cô vẫn muốn con mình theo nghề giáo bởi theo họ, nghề giáo lương thấp, ba cọc ba đồng nhưng thích hợp với con gái. Cứ đi dạy, kiếm được tấm chồng đảm bảo kinh tế cho là sướng, đi dạy cho vui, không lo kinh tế là sướng nhất, chẳng nghề gì bằng.

Vì vậy, không ít người có con gái từ nhỏ dã định hướng cho con lớn lên đi theo nghề giáo.

Giáo viên có nên định hướng cho con theo nghề dạy học? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên có nên định hướng cho con theo nghề dạy học? (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên có nên định hướng, ép buộc con theo nghề?

Để trả lời câu hỏi này, mỗi người cần trả lời được câu hỏi chọn nghề cho con hay chọn nghề con cho mình?

Bất cứ bậc cha mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất mà mình có thể làm được cho con cái. Cái quý giá của mỗi người không có gì hơn chính là độc lập tự do.

Vì vậy hãy dành cho con mình được tự do chọn nghề mình thích, được tự do phát huy hết năng lực, phẩm chất của nó.

Thế nhưng không có nghĩa là buông bỏ, hãy giúp con nhận ra điểm yếu, điểm mạnh, của bản thân; cùng con cái tìm hiểu các ngành nghề khác, giúp con thấy được cái hay, cái phù hợp với sở thích của con mình.

Thực tế, có giáo viên giúp học trò định hướng nghề nghiệp rất tốt, nhưng với con mình thì “Bụt chùa nhà không thiêng”, đành bó tay.

Nếu mong ước con mình nối nghiệp nghề giáo nói riêng và giúp học sinh nói chung, hãy chân thành, cởi mở hướng nghiệp cho con chọn nghề theo một số nguyên tắc sau:

Chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và mong ước của bản thân. Đây lại là nguyên tắc quan trọng nhất khi chọn nghề, vì có sở thích sẽ có hứng thú, mới có đam mê để vượt qua mọi khó khăn, để thành công trong nghề đã chọn; nghề giáo càng cần yếu tố này.

Chọn ngành nghề mà mình có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu để làm tốt nghề đó. Xét xem tính cách, sức khoẻ, điều kiện gia đình đáp ứng được chi phí đào tạo... của mình có phù hợp không.

Chọn ngành, chọn nghề khi đã tìm hiểu, có hiểu biết đầy đủ về ngành, nghề đó.

Ngày nay chỉ cần vài cú kích chuột chúng ta đã có thể có vô vàn kiến thức về một ngành, một nghề nào đó, hãy hỏi những người khác, nhà trường... để hiểu rõ hơn.

Tuyệt đối không chọn nghề mà xã hội không còn nhu cầu, hoặc nhu cầu... thấp, ra trường không có việc làm là coi như không có nghề.

Chọn nghề phù hợp với mình, có tương lai, như chúng ta mua được đôi giày đi êm chân, chúng ta có thể đi suốt cuộc đời với nghề đó.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, có một nghề mình yêu quý, có một nghề mình đạt đến trình độ tinh thông, điêu luyện, thì sẽ đạt được thành công và vinh quang là mong ước của bất cứ ai, của bất cứ bậc cha mẹ nào với con mình.

Yêu quý nghề giáo và muốn con nối nghiệp, hãy phân tích cho con cái hay cái đẹp của nghề và cả yêu cầu, đòi hỏi phẩm chất năng lực, khó khăn thách thức phải vượt qua, và quan trọng nhất là để chúng tự lựa chọn, đừng ép.

Sơn Quang Huyến