Dù khó khăn thế nào, anh cũng không được yêu cầu em bỏ nghề dạy học

20/11/2020 06:30
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là giao ước của cô Phan Thị Bích Ngọc với người chồng trước khi cưới, bởi cô quyết tâm theo đuổi đến cùng ước mơ của mình.

Đã hơn 26 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô Phan Thị Bích Ngọc (sinh năm 1972), giáo viên Trường Tiểu học Kế Sách 1 (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) vẫn luôn dành tình yêu, bầu nhiệt huyết cho công việc như thuở mới bước vào nghề.

Dạy học là một nghề đặc biệt thiêng liêng, cao quý, gắn với biết bao kỷ niệm, dấu ấn khó quên trong cuộc đời. Để rồi mỗi khi nhớ lại hành trình ấy, cô lại không thể che giấu những cảm xúc nghẹn ngào, những dòng nước mắt tuôn rơi vì xúc động.

Lòng yêu nghề giúp tôi đi qua bao gian khó

Sinh ra trong một gia đình trí thức ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, từ nhỏ, cô Phan Thị Bích Ngọc đã nuôi ước mơ sau này lớn lên sẽ trở thành cô giáo. Thế nhưng, khi người mẹ sớm qua đời, cô đành gác lại giấc mơ để phụ giúp cha nuôi các em ăn học.

“Thời buổi khó khăn gạo đong từng bữa, trong khi anh chị đã có gia đình riêng, một mình cha phải nuôi 4 người con ăn học thực sự quá vất vả.

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi nghỉ học và theo anh Hai vào làm việc, phụ bán hàng tại căng tin của một trường học”, cô Ngọc nghẹn ngào chia sẻ về ký ức xưa.

Cạnh bên căng tin là lớp học, mỗi ngày được nhìn các em học sinh ê a học chữ, được nghe thầy cô giáo giảng bài, cô Ngọc khi ấy lại càng khát khao được đứng trên bục giảng.

Cô Phan Thị Bích Ngọc dành trọn tình yêu, lòng nhiệt thành với sự nghiệp trồng người. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Phan Thị Bích Ngọc dành trọn tình yêu, lòng nhiệt thành với sự nghiệp trồng người. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Tôi lại nhớ tới cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy chủ nhiệm mình năm lớp 10, thời gian làm việc tại căng tin trường học, cô cũng dạy học ở đó, cô thường xuyên an ủi giúp đỡ tôi. Chính tâm tình của của cô chủ nhiệm đầy nhân ái là tấm gương để tôi học hỏi, noi theo và càng khát khao hơn với nghề giáo”, cô Ngọc tâm sự.

Rồi một ngày, có thông báo về chương trình đào tạo sư phạm ngay tại huyện nhà, trước cơ hội có thể vừa học, vừa làm, cô Ngọc quyết định thắp sáng lại ước mơ ngày nào.

Dẫu cuộc sống muôn vàn khó khăn, vừa học tập vừa phải cáng đáng lo cho gia đình, cô vẫn không bao giờ từ bỏ. Cứ sau mỗi buổi học, cô lại đẩy xe nước mía rong ruổi khắp nơi bán để kiếm thêm tiền.

Năm 1994, cô Phan Thị Bích Ngọc chính thức trở thành giáo viên tiểu học, được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Kế Sách 1 - nơi gắn với những năm tháng tuổi học trò của mình.

Một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời cô Ngọc là giao ước với người chồng trước khi cưới. Cô Ngọc kể lại: “Cuộc sống khi ấy vẫn khó khăn nhiều lắm, lương giáo viên ba cọc ba đồng ngày đó không ít giáo viên vì hoàn cảnh sống mà phải gác lại đam mê để tìm một công việc khác.

Điều tôi lo sợ là sau khi kết hôn, vì nghèo khó mà chồng bắt mình nghỉ dạy để chọn một con đường khác.

Mình đã giao ước với anh rằng: Có thương nhau mới nên duyên vợ chồng, em không đòi hỏi điều gì cả, chỉ mong sau này dù khó khăn, vất vả thế nào, anh cũng không được yêu cầu em bỏ nghề dạy học.

Thật hạnh phúc biết bao vì anh đã luôn luôn ủng hộ và tiếp thêm động lực để mình theo đuổi con đường sự nghiệp cao quý này”.

Cô Ngọc là một trong những nhà giáo tiêu biểu 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Ngọc là một trong những nhà giáo tiêu biểu 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Để có thể theo đuổi đến cùng nghề giáo, cô lại tiếp tục vừa đi dạy, vừa làm thêm công việc bán văn phòng phẩm để cùng gia đình đi qua những tháng ngày khó khăn nhất.

Ý thức sâu sắc về trách nhiệm với nghề, sau khi trở thành giáo viên, cô Phan Thị Bích Ngọc vẫn không ngừng phấn đấu, rèn luyện và học tập.

“Khi con gái còn nhỏ, tôi phải bế con lên xin ở ký túc xá của trường để theo học Đại học. Đó là những năm tháng không thể nào quên, mình phải nhờ cháu họ trông con những ngày tới lớp, vất vả lắm nhưng tình yêu nghề giúp mình vượt qua tất cả”, cô Ngọc tâm sự.

Người lái đò hạnh phúc là được học trò yêu mến

Bằng tất cả tình yêu, lòng nhiệt thành dành cho nghề dạy học, những đóng góp, cống hiến của cô Phan Thị Bích Ngọc đã được ghi nhận, cô là một trong 183 nhà giáo tiêu biểu năm 2020 được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh.

Gần 27 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô đã gặt hái được nhiều thành tích từ cấp trường tới cấp Quốc gia. Đặc biệt, năm 2007, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen với danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi Tiểu học cấp Quốc gia”.

Nói về những thành tích của mình, cô Ngọc cho rằng những bằng khen mà mình nhận được là động lực để cô làm tốt vai trò, trách nhiệm của một giáo viên.

Cô Ngọc (bên phải) luôn chia sẻ tình yêu thương với học trò và những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Ngọc (bên phải) luôn chia sẻ tình yêu thương với học trò và những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Bích Ngọc tâm sự: “Thành công trong sự nghiệp của tôi không phải là bảng thành tích mà chính là những tình cảm mến yêu học trò dành cho mình. Tôi cảm thấy mình là người lái đò hạnh phúc nhất, tôi cảm nhận sâu sắc về sự cao quý, thiêng liêng của nghề dạy học.

Nghề nào cũng có ý nghĩa riêng nhưng với nghề giáo có nhiều điều đặc biệt. Bởi giáo viên chính là người trực tiếp truyền cảm hứng, khơi dậy ngọn lửa tâm hồn, định hướng cho các em biết cách nuôi dưỡng ước mơ, cách để sống đẹp, sống có ý nghĩa”.

Chính vì vậy, cô luôn theo đuổi con đường giáo dục bằng tình thương, cô tâm niệm rằng, tấm lòng chân thành của mình sẽ chạm đến trái tim học trò, khơi dậy năng lực của từng học sinh, giúp các em tích cực nỗ lực, tiến bộ trong học tập và trở thành người có ích.

Nhiệm vụ của người lái đò không đơn thuần là đưa học sinh đến với bến bờ tri thức. Quan trọng hơn, trên hành trình ấy, thầy cô phải là người giúp các em biết yêu thương và được yêu thương, được hạnh phúc khi tới trường.

“Tôi luôn chú ý, tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống của mỗi học sinh để thực sự hiểu học trò mình. Đối với những em hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, mình phải kịp thời động viên, sẻ chia và quan tâm các em nhiều hơn.

Đối với học sinh có diễn biến phức tạp về tâm lý, tôi phải tìm hiểu rõ nguyên nhân, gần gũi, chia sẻ, giải tỏa những vấn đề trong cảm xúc của học trò. Nhờ vậy, các em có hành trình thay đổi tích cực”, cô Ngọc chia sẻ.

Không chỉ nặng lòng với sự nghiệp giáo dục, cô Phan Thị Bích Ngọc còn tham gia các hoạt động thiện nguyện, làm cầu nối sẻ chia với những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống.

Cô chia sẻ: “Mùa hè vừa rồi, tôi nhận được thông tin về một em học sinh dân tộc Khmer bị ung thư máu những không có tiền chạy chữa. Dù không phải học sinh trường mình nhưng biết về hoàn cảnh của em, tôi không thể cầm lòng.

Tôi đã kết nối với các mạnh thường quân để giúp em có tiền chạy chữa. Đến bây giờ, em đã khỏi bệnh. Với tôi, đó cũng là niềm hạnh phúc, hạnh phúc đến từ những điều giản đơn, bình dị nhất”.

Nếu ở trường, cô Ngọc là người lái đò hạnh phúc thì trong cuộc sống, cô cũng tự nhận mình là một người hạnh phúc, hạnh phúc được ươm mầm từ chính những hành động của cô khi gieo yêu thương cho cuộc đời.

Phạm Minh