Khi ban giám hiệu đã ham dạy buổi 2 để thu tiền, cả thày lẫn trò đều mệt mỏi

14/12/2020 06:01
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có tổ chức thanh tra để chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định dạy buổi 2 cũng khó mà tìm ra kẻ hở. Cách duy nhất chỉ là sự đoàn kết của phụ huynh trong trường...

Sau một loạt bài viết phản ánh về việc dạy buổi 2 tại nhiều trường trung học hiện nay, chúng tôi bất ngờ nhận được lời chia sẻ của không ít giáo viên đang dạy tại một số trường trung học phổ thông kể về những góc khuất, áp lực, nỗi khổ tâm cùng với sự oan ức khi trường học nơi ấy triển khai dạy buổi 2 đại trà cho học sinh toàn trường.

Nhiều trường lấy ý kiến phụ huynh để tổ chức dạy buổi 2 (Ảnh: TT/giaoduc.net.vn)

Nhiều trường lấy ý kiến phụ huynh để tổ chức dạy buổi 2 (Ảnh: TT/giaoduc.net.vn)

Những “chiêu” ép học sinh phải tham gia học buổi 2

a/ Ban đại diện phụ huynh, cánh tay nối dài của hiệu trưởng

Đầu năm học, nhà trường họp Ban đại diện cha mẹ học sinh trường bàn về việc triển khai dạy buổi 2. Ban đại diện phụ huynh trường luôn nhất trí với nhà trường và đã triển khai trong cuộc họp phụ huynh cuối và đầu năm học.

Theo cô giáo A. (xin được giấu tên) dù biết nhiều phụ huynh không muốn con học cả ngày nhưng cũng không dám phản đối vì tâm lý không muốn con bị nhà trường để ý.

Phụ huynh thường im lặng, và đương nhiên biên bản sẽ được ghi phụ huynh thống nhất với kế hoạch của nhà trường.

b/ Phân thời khóa biểu tiết dạy tăng cường và tiết chính khóa đan xen

Để huy động 100% học sinh phải tham gia học buổi 2, một số trường trung học phân thời khóa biểu buổi sáng và buổi chiều đan xen nhau. Vì thế, dù không muốn học sinh cũng không thể nghỉ học.

Tin nhắn của một giáo viên trung học (Ảnh tác giả)

Tin nhắn của một giáo viên trung học (Ảnh tác giả)

Buộc đi học buổi 2 nhưng tối về các em còn phải đi học thêm 1-2 ca mới về. Vì theo lời một số em, muốn học nâng cao để thi vào trường tốp đầu không thể học đại trà chung với cả lớp, càng không thể học với giáo viên không đủ năng lực dạy học chuyên sâu.

c/ Giao chỉ tiêu về từng lớp, cột trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm

Khi đã có biên bản thống nhất của phụ huynh trong cuộc họp của các lớp, nhà trường bắt đầu cột trách nhiệm vào giáo viên chủ nhiệm.

Lớp nào không đăng ký đi học đủ 100%, không thu đủ tiền, giáo viên chủ nhiệm sẽ bị nhắc nhở thường xuyên.

Vì uy tín, vì không muốn mất lòng Ban giám hiệu, một số giáo viên đổ áp lực lên đầu học sinh. Có thầy cô giáo vận động học sinh đi học một cách nhẹ nhàng, cũng có thầy cô lại dùng mệnh lệnh. Học sinh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đăng ký theo học đầy đủ.

Nỗi khổ của nhiều thầy cô giáo

Nếu như ở Bình Thuận, cả năm học buổi 2 (6 môn) học phí chỉ phải đóng 1.200.000đ/học sinh thì tại Đồng Nai, có trường thu học phí buổi 2 một học kỳ đã là 1.440.000đ, cả năm là 2.880.000đ/học sinh.

a/Giáo viên chủ nhiệm trở thành “chủ nợ”

Giáo viên một trường trung học tại tỉnh Đồng Nai nói rằng nhà trường bắt giáo viên chúng tôi thu tiền. Thế nên, mỗi ngày lên lớp, thay vì vào dạy luôn giáo viên phải dành thời gian nhắc nhở học sinh đóng tiền và thu tiền của những em mang nộp.

Tin nhắn của giáo viên một trường trung học (Ảnh tác giả)

Tin nhắn của giáo viên một trường trung học (Ảnh tác giả)

Có phải thu được một lần là xong, các em thường đóng lai rai suốt tuần hoặc cả tháng. Em đóng luôn học kỳ, cả năm còn đỡ, nhiều gia đình khó khăn nên chỉ đóng theo tháng. Thế là, giáo viên cũng phải thu tiền lai rai cả tháng.

Cũng có những học sinh, tham gia học buổi 2 đầy đủ nhưng lại cứ “quên” đóng tiền báo hại thầy cô giáo luôn phải đóng vai “chủ nợ” để đòi tiền. Trò bị đòi xấu hổ, mặc cảm, thầy đi đòi cũng chẳng sung sướng gì vì nếu không đòi được thầy cô cũng không thể yên với nhà trường.

b/ Thầy cô bị mắng oan

Cô giáo A. nói rằng bản thân không ủng hộ kiểu dạy học buổi 2 thế này, không đồng tình với việc thu học phí quá cao và phản đối việc buộc giáo viên đi dạy phải thu tiền. Nhưng rút cuộc, muốn yên ổn giảng dạy cũng phải làm theo quy định của nhà trường.

Thế là, thầy cô nghe không ít lời ca thán từ phụ huynh, từ học sinh. Nhiều người cho rằng thầy cô thu tiền cho mình nên mới ép học sinh đi học thêm.

Nhưng có biết đâu, thù lao trả cho công giảng dạy của giáo viên cũng khá ít. Một tiết dạy chỉ khoảng 180 ngàn đồng. Một tháng mỗi người dạy từ 10 đến 20 tiết thì mỗi tháng chỉ được vài triệu đồng, nhiều nhất cũng gần 4 triệu đồng.

Trong khi, người được nhận nhiều tiền nhất lại chính là Ban giám hiệu nhà trường (gấp dăm lần giáo viên giảng dạy), sau đó đến kế toán, thủ quỹ…

Cách nào dẹp được việc lợi dụng dạy buổi 2 để tăng thu nhập?

Công văn số: 7291/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về việc tổ chức dạy buổi 2 cũng đã quy định rõ chỉ được tổ chức dạy khi phụ huynh, học sinh thật sự có nhu cầu và phải hoàn toàn tự nguyện.

Nhiều trường học nếu về thanh tra cũng sẽ trưng ra đầy đủ những bằng chứng nhà trường tổ chức buổi 2 đúng quy định như có đơn cùng chữ ký của phụ huynh xin cho con được học buổi 2, có biên bản cuộc họp Ban đại diện phụ huynh trường, biên bản thống nhất của phụ huynh các lớp.

Vì thế, có tổ chức thanh tra để chấn chỉnh tình trạng vi phạm quy định dạy buổi 2 cũng khó mà tìm ra kẻ hở. Cách duy nhất chỉ là sự đoàn kết của phụ huynh trong trường khi kiên quyết phản đối việc tổ chức buổi 2 không hiệu quả.

Sự đoàn kết của giáo viên khi thấy học sinh chịu khổ và bản thân mình phải chịu áp lực để cùng nhau có ý kiến. Nhưng xem ra, chính thầy cô cũng sợ bị cấp trên để ý thì thật khó dẹp bỏ chuyện dạy buổi 2 không hiệu quả lắm thay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Phan Tuyết