Khoa học tự nhiên là trọng tâm của giáo dục đào tạo trong thế kỷ 21?

04/10/2012 06:00
Châu Long(Theo USA Today)
(GDVN) - Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã dự kiến rằng từ năm 2008 tới 2018, số lượng ngành nghề trên các lĩnh vực khoa học toán học, kỹ thuật, công nghệ sẽ tăng khoảng 17%, trong khi các ngành nghề thuộc lĩnh vực khác chỉ tăng khoảng dưới 10%.
Lớp Sinh học nâng cao kỳ thứ 5 của cô Meg Wiggin - giáo viên Trường trung học Woodside thuộc bang Virginia (Mỹ) bắt đầu vào một buổi sáng với 27 học sinh trong một căn phòng khá chật hẹp. Một phần ba trong số các em đang là sinh viên năm thứ hai của một trường cao đẳng hay đại học và khá ít bạn từng học môn này khi còn là học sinh trung học. Số còn lại bao gồm học sinh cấp 3, nhiều em nhỏ tuổi hơn cũng theo học lớp này.
Việc một số lượng lớn học sinh của trường Woodside đăng ký học các môn khoa học nâng cao tương đối khó so với khả năng nhận thức của các em ở độ tuổi này có khiến mặt bằng điểm kiểm tra khảo sát và đánh giá bị hạ xuống thấp hơn, với nhiều điểm 1, điểm 2 (từ điểm 3 trở lên đã có thể được coi là điểm đạt yêu cầu).

Tuy nhiên, cô Meg và đồng nghiệp đều cho rằng, điều này không phải là một vấn đề đáng lo ngại. Cô chia sẻ: “Mọi người cần cố gắng làm những điều tốt, có ý nghĩa và thường không dễ dàng. Chúng ta càng thuyết phục được nhiều học trò thử sức với những môn học hóc búa hơn bình thường thì xã hội càng có triển vọng trở nên tươi sáng hơn”.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

HỘP THƯ TỐ CÁO TIÊU CỰC GIÁO DỤC

Trường Woodside là một địa chỉ đào tạo có tiếng, cách Đông nam Richmond một giờ chạy xe. Đây là một trong những trường học đang nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận đối với toán học và các môn khoa học nâng cao để bắt kịp với những trường học có tầm ảnh hưởng ở các thành phố lớn.
Xu hướng tập trung vào các môn khoa học tự nhiên kể trên bắt đầu từ việc một số chuyên gia dự đoán rằng trong tương lai gần, sẽ có nhiều nghề mới dựa trên toán học và các kỹ năng khoa học. Năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã dự kiến rằng từ năm 2008 tới 2018, số lượng ngành nghề trên các lĩnh vực khoa học toán học, kỹ thuật, công nghệ sẽ tăng khoảng 17%, trong khi các ngành nghề thuộc lĩnh vực khác chỉ tăng khoảng dưới 10%.

Tuần qua, tại Washington, Phó Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Inc - ông Brad Smith đã tiết lộ kế hoạch tái thiết hệ thống Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học K-12 của Mỹ. Ông cho biết, ngành công nghệ khổng lồ của nước này đang thiếu tới 6.000 nhân công, một nửa trong số đó thuộc các lĩnh vực như kỹ thuật hay nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, số liệu mới đây từ Bộ Giáo dục Mỹ cho thấy một hiện thực khách quan rằng việc tiếp cận tới toán học và các bộ môn khoa học nâng cao đối với học sinh, sinh viên trên cả nước còn khá nhiều chênh lệch.

Nhiều nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng việc phát triển các kỹ năng khoa học và toán học tại Mỹ còn đang tiến triển khá chậm chạp. Theo đánh giá toàn quốc về tiến trình giáo dục của Bộ Giáo dục Mỹ, năm 2011, chỉ 35% học sinh lớp 8 học chuyên sâu về toán, đối với các môn khoa học khác, con số này dừng lại ở mức 35%. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ - ông Arne Duncan cho rằng: “Việc tăng cường quan tâm đối với vấn đề này là một định hướng tích cực. Những thành tựu hiện có của học sinh, sinh viên vẫn chưa thể giúp các em đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức của thế kỷ 21”.
Quay lại với câu chuyện về Trường trung học Woodside, đây là một ví dụ hy hữu về một ngôi trường dạy các môn khoa học nâng cao theo mô hình các đội tuyển thể thao. Trường mở các lớp giành cho mọi học viên mà không yêu cầu điểm đầu vào, đào tạo cả học viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Cô Meg chia sẻ rằng, rất nhiều học sinh không biết tới các môn khoa học nâng cao, hoặc nghĩ rằng chỉ những người tài giỏi, chuẩn bị học tại Havard mới học nổi. Thực tế thì không phải như vậy.

Hiệu trưởng Sean Callender nói rằng, mỗi dịp gặp mặt, thảo luận với các bậc phụ huynh, ông đều khẳng định các lớp học khoa học nâng cao nên là mục tiêu lớn hơn để mỗi học sinh phát huy hết nội lực của bản thân. Các giáo viên trong trường cũng khuyến khích học sinh tham gia lớp học phụ đạo vào thứ 6 và thứ 7 hàng tuần để quen với sự khắt khe và độ khó của môn học.

Bên cạnh đó, trường Woodside còn thu phí của kỳ thi cuối năm, khiến học sinh khó mà bỏ dở giữa chừng khi đã đăng ký học. Việc rút lại các khoản phí yêu cầu có đầy đủ chữ ký của phụ huynh, giáo viên, và chỉ được thông qua sau khi học sinh tham gia đủ 3 buổi học. Và kể cả sau đó, phụ huynh vẫn phải gặp cố vấn của trường để xác nhận việc cho phép con em không học bộ môn này nữa. Trên thực tế thì hiếm khi xảy ra trường hợp này. Cố vấn Kathy DiMarino chia sẻ rằng sau khi tham gia lớp học phụ đạo, rất nhiều học sinh nhận ra mình hoàn toàn có thể tiếp tục theo các khóa học sau.

Từ năm 2006 tới nay, 75% học sinh trường Woodside đã đăng ký học toán và khoa học nâng cao. Và dù chưa phải là ngôi trường cao trung hàng đầu bang Virginia, nhưng những thành tích mà học sinh trường này đạt được quả thực rất đáng tự hào.
Câu chuyện về việc giảng dạy môn Toán và Khoa học nâng cao tại trường Woodside cũng như mối quan tâm đối với nhóm ngành khoa học, toán học, công nghệ và kỹ thuật tại Mỹ cũng đang là xu hướng chung trên toàn thế giới. Đây là một dấu hiệu tích cực đối với sự phát triển của thế giới hiện đại. Tuy nhiên không ít người cũng băn khoăn với câu hỏi: Liệu những ngành học thuộc lĩnh vực xã hội có dần trở nên bị mờ nhạt và kém được đầu tư trong giáo dục hay không?
Châu Long(Theo USA Today)