Khoảng 350 nghìn thí sinh trượt đại học

08/08/2014 12:24
Xuân Trung
(GDVN) - Theo số liệu thông báo từ Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thống kê từ các mức điểm xét tuyển đầu vào thì cả nước có khoảng 350 nghìn thí sinh trượt đại học.

Trong buổi họp báo công bố các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào đại học, cao đẳng sáng nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết sau khi thống nhất được tiêu chí đầu vào đại học nhìn chung phổ điểm khối D dịch sang phải (điểm cao), dịch chuyển cao nhất là 3 điểm đối với các khối A, A1 và B. Trong khi đó khối C, D phổ điểm tương tự như những năm trước.

Nhận xét của Thứ trưởng Ga, phổ điểm có đường cong đều, điều đó thuận lợi cho việc lấy đầu vào của các trường đại học, cao đẳng. Năm 2014 lượng hồ sơ giảm 20% so với năm trước (nhưng vẫn đạt 1.050.000 nghìn thí sinh nằm trong diện xét tuyển). 

Khoảng 350 nghìn thí sinh trượt đại học ảnh 1

Buổi họp báo công bố các tiêu chí xác định đầu vào đại học, cao đẳng 2014. Ảnh Xuân Trung

Trong buổi họp sáng của của Hội đồng xác định tiêu chí đầu vào đại học, cao đẳng đã thảo luận và thống nhất đưa ra mức đảm bảo chất lượng cơ bản, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng mức tối thiểu để học được ở đại học phải đạt từ 15 điểm trở lên (mỗi môn 5 điểm), tuy nhiên sau khi phân tích kỹ phổ điểm, mức điểm để học đại học sẽ có ba mức.

Mức thấp nhất của các khối B là 14 điểm, A, A1, C, D là 13 điểm. Mức hai ứng với trung vị của phổ điểm, khối B là 15 điểm, các khối còn lại là 14 điểm. Mức cao nhất cho các khối lấy tương ứng là : 18 điểm, còn lại các khối 17 điểm (với mức điểm này có khoảng 25-30% số thí sinh đạt được).

Với mức tiêu chí tối thiểu để học được ở đại học thống kê cho thấy có khoảng 60% thí sinh đạt được mức này, tương đương với 650 nghìn thí sinh, trong khi đó chỉ tiêu là 350 nghìn, như vậy có khoảng 350 nghìn thí sinh khác trượt đại học.

Theo phân tích của Thứ trưởng Ga, với nguồn dôi dư như khoảng 350 nghìn thí sinh thì nguồn xét tuyển sẽ thoải mái hơn. 

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, với ba mức “điểm sàn” cho các khối để thấy được các trường tốp trên sẽ chọn mức tiêu chí cao nhất (mức điểm cao nhất), trường trung bình sẽ chọn mức ở giữa (mức hai), các trường mới thành lập và đang trên đà phát triển có thể chọn mức 3 để tuyển. Ông Ga cũng lưu ý các trường nên cân nhắc mức điểm xét tuyển đầu vào giữa một bên là chỉ tiêu và uy tín chất lượng của trường mình để tuyển sinh phù hợp.

Với các mức tiêu chí xác định đầu vào này các trường sẽ căn cứ vào phổ điểm, chỉ tiêu để lựa chọn cho ngành đào tạo mức điểm phù hợp. Các trường sẽ tuyển từ trên xuống dưới cho tới hết chỉ tiêu. Ông Ga cũng cho biết, với việc tuyển sinh này các em đạt điểm ở mức tối thiểu chưa chắc đã đỗ đại học, ngược lại những em trên mức cao nhất cũng có thế trượt đại học. 

Hệ cao đẳng năm nay mức điểm được giữ nguyên như những năm trước đó và chỉ có một mức điểm. Theo đó, khối B là 11 điểm, các khối còn lại (A, A1, C, D) là 10 điểm. 

Thông tin được biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang trong quá trình xây dựng quy định về xếp hạng các trường đại học để tiếp tới phân hạng các trường. Vậy, nhiều câu hỏi bày tỏ băn khoăn rằng khi chưa có sự phân tầng đại học thì việc đưa ra ba tiêu chí để xác định đầu vào có ý nghĩa gì không?

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, với các mức tiêu chí được công bố các trường sẽ cân nhắc đối với từng ngành của trường đó để đưa ra mức tiêu chí phù hợp. Điều đó cũng nói lên đẳng cấp của các trường, của ngành đào tạo, tạo động lực bên trong để các trường cố gắng và thí sinh cũng sẽ lựa chọn cho mình những ngành, trường phù hợp hơn.

Ông Ga cũng cho biết thêm, mọi thay đổi trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (tuyển sinh theo khối) năm tới sẽ cần phải chờ những điều thay đổi trong kỳ thi quốc gia THPT, khối thi sẽ không còn và các trường có toàn quyền quyết định cách thức tuyển sinh. 

Xuân Trung