Không phải giáo viên nào cũng phải vất vả đi học để bổ sung văn bằng, chứng chỉ

13/07/2019 08:17
NHẬT DUY
(GDVN) - Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, sinh viên sư phạm chịu khó học để hoàn thiện bằng cấp, chứng chỉ thì sau này khi ra trường sẽ đỡ vất vả đi rất nhiều.

Thời gian gần đây, chúng ta thấy rất nhiều giáo viên lên tiếng về chuyện phải đi học nâng cao, học chứng chỉ và thực tế chuyện này đang xảy ra trong ngành giáo dục.

Việc học nâng cao hay học thêm các chứng chỉ cũng đang thể hiện rất nhiều bất cập và tốn kém cho giáo viên. Tuy nhiên, nếu khi còn ngồi trên giảng đường đại học, sinh viên sư phạm chịu khó học hành để hoàn thiện bằng cấp thì sau này khi ra trường sẽ đỡ vất vả đi rất nhiều.

Bởi, khi còn là sinh viên thì rảnh rang, chỉ chuyên tâm học hành, khi ra trường bận trăm công nghìn việc, chuyện trường lớp, chuyện gia đình, tuổi tác, cộng thêm chi phí tiền bạc nữa nên việc học hành càng thêm khó khăn.

Nhiều giáo viên phải khổ sở đi học vào những dịp hè (Ảnh minh họa: VOV.vn)
Nhiều giáo viên phải khổ sở đi học vào những dịp hè (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Có những thầy cô hàng chục năm không cần phải bổ sung chứng chỉ nào

Nhiều bạn bè thời đại học của chúng tôi ra trường và sau đó xin vào giảng dạy tại các trường phổ thông ở nhiều địa phương trên cả nước. Sau hàng chục năm công tác trong ngành giáo dục dù họ đã thấy rất nhiều đồng nghiệp phải chật vật đi học nâng cao, đi học chứng chỉ vào các dịp hè.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên chưa phải đi học thêm một loại bằng cấp, chứng chỉ nào mất tiền.

Nếu đi học là sự điều động của đơn vị, của lãnh đạo nên họ không phải mất tiền học phí. Bởi vì họ đã học hoàn thiện văn bằng chuyên môn, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trước khi được tuyển dụng.

Chuyện yêu cầu sinh viên khi ra trường và xin việc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học không phải bây giờ các cơ quan tuyển dụng mới yêu cầu mà đã yêu cầu từ hơn 10 năm trước.

Lúc ấy, cơ quan tuyển dụng chỉ yêu cầu chứng chỉ A, B theo vị trí việc làm và bây giờ những thầy cô đã có chứng chỉ này vẫn đang được quy đổi với những quy định về chứng chỉ A2, B1(ngoại ngữ) và chứng chỉ tin học cơ bản theo quy định hiện hành.

Suy cho cùng, người giáo viên thì quan trọng nhất là bằng chuyên môn đã tốt nghiệp khi học ở các trường sư phạm. Nếu giáo viên đủ chuẩn và trên chuẩn theo quy định thì chắc chắn không phải học nâng cao làm gì.

Không phải giáo viên nào cũng phải vất vả đi học để bổ sung văn bằng, chứng chỉ ảnh 2Cần bao nhiêu loại chứng chỉ nữa thì người ta mới công nhận giáo viên chúng tôi?

Những thầy cô chưa có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học thì đây cũng là những yêu cầu của bất kỳ ngành nghề nào hiện nay ngay từ khi tuyển dụng.

Những thầy cô quá lớn tuổi thì học mới cảm thấy khó khăn nhưng có nhiều thầy cô mới ra trường trong khoảng 10-15 năm trở lại đây mà chưa có chứng chỉ thì cũng nên cần thiết đi học.

Tất nhiên, có chứng chỉ không phải là chuyện bỏ tiền để mua mà cần đầu tư học hành nghiêm túc ở những trung tâm uy tín, học để lấy kiến thức chứ không phải là học để lấy chứng chỉ.

Có những văn bằng, chứng chỉ giúp giáo viên thực hiện nhiệm vụ tốt hơn

Trước đây, giáo viên cấp tiểu học chỉ yêu cầu trình độ trung cấp sư phạm, giáo viên cấp trung học cơ sở thì yêu cầu tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và cấp trung học phổ thông thì yêu cầu đại học sư phạm là đủ chuẩn và nhiều người cứ yên tâm dạy cho đến khi về hưu.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì không chỉ giáo viên trung học phổ thông có bằng đại học mà từ mầm non trở lên đến cấp trung học cơ sở gần như ai cũng đã học đại học, thậm chí là cao học.

Có người tốt nghiệp đại học chính quy, có người học từ xa, tại chức để hoàn thiện bằng cấp.

Và, thực tế thì việc giáo viên từ trung học cơ sở trở xuống có bằng đại học cũng là điều hoàn toàn hợp lý bởi không học thì khó đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của mình trong bối cảnh hiện nay.

Dù biết rằng có bằng đại học từ xa, tại chức thì trình độ cũng chẳng nâng lên được nhiều nhưng dù sao vẫn giúp cho người thầy hiểu biết thêm về trình độ chuyên môn của mình để vận dụng cho công việc giảng dạy.

Bởi, khác với những người học xong trung học phổ thông rồi vào học tại chức, từ xa thì những thầy cô đi học nâng cao khi đã có một tiền đề sẵn là mình đang là giáo viên đã tốt nghiệp ở các trường sư phạm và đang giảng dạy trong ngành giáo dục.

Vì vậy, việc học thêm là học chuyên sâu vào chuyên môn mà mình đang có nên nó sẽ giúp cho giáo viên nâng cao được chuyên môn và hiểu thêm về các phương pháp dạy học.

Không phải giáo viên nào cũng phải vất vả đi học để bổ sung văn bằng, chứng chỉ ảnh 3
Học tiếng Anh từ tiểu học đến đại học, giáo viên vẫn phải bỏ tiền mua chứng chỉ

Đối với chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cũng rất cần thiết nhưng phải học thật, thi thật.

Trong 2 loại chứng chỉ này thì chứng chỉ ngoại ngữ ít sử dụng hơn và nó chỉ thực sự cần thiết với những người dạy ngoại ngữ, các môn khác thì ít khi sử dụng bởi thực tế nhiều môn học không cần đến một từ ngoại ngữ nào.

Nhưng, với chứng chỉ tin học thì lại hoàn toàn khác, giáo viên bây giờ mà không nắm được trình độ cơ bản về tin học phải nói là một thảm họa cho học trò và cho cả người thầy.

Thời đại công nghệ thông tin mà giáo viên mù mờ về tin học sẽ khổ sở vô cùng. Bởi, trong quá trình công tác thì giáo viên cấp nào cũng cần những hiểu biết về tin học trong việc soạn giáo án, làm kế hoạch, vào điểm cho học trò…             

Nhất là những năm tới đây, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì Bộ chủ trương sẽ tập huấn trực tuyến cho giáo viên.

Vì thế, nếu giáo viên không biết tin học sẽ không thể khai thác được kho tri thức khổng lồ của nhân loại trên mạng Internet, không cập nhật được những thông tin của ngành, được những điều đang xảy ra hàng ngày bên mình.

Đặc biệt, trên lớp mà thầy cô vẫn dạy chay như mấy chục năm trước thì tội cho học trò lắm.

Suy cho cùng, việc đi học để có những bằng cấp, chứng chỉ hiện nay cho phù hợp với những quy định của ngành khiến nhiều giáo viên tốn kém về thời gian và tiền bạc.

Chính vì vậy, mỗi sinh viên sư phạm cần chú ý hoàn thiện những văn bằng cần thiết trước khi ra trường.

Những cơ quan tuyển dụng cũng cần nghiên cứu đưa ra những yêu cầu dài hạn và đồng nhất các loại văn bằng từ khi tuyển dụng để nhiều giáo viên khi được tuyển dụng rồi không phải vất vả đi học vào mỗi dịp hè.

Đặc biệt, tránh tình trạng liên tục phát sinh, đề xuất, yêu cầu giáo viên phải đi học thêm những loại chứng chỉ mà không thực sự cần thiết.

NHẬT DUY